Tăng khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm
Dự báo những tháng cuối năm, dư nợ của ngành ngân hàng sẽ cải thiện do nhu cầu vốn vào mùa kinh doanh cao điểm của các doanh nghiệp và tiêu dùng. Để tăng trưởng tín dụng, ngành ngân hàng đang nỗ lực thông qua các chương trình kích cầu tín dụng, giảm lãi suất cho vay cùng với chương trình kích cầu tiêu dùng ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa.
Tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận vốn
Trong 3 tháng cuối năm được xem là giai đoạn "nước rút” khi doanh nghiệp phải tăng tốc sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được kế hoạch đã đề ra. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải gia tăng vốn, quản lý chặt chẽ dòng tiền để tiết giảm chi phí và thu về lợi nhuận cao nhất.
Là công ty chuyên xuất khẩu sản phẩm mây tre đan truyền thống, để chuẩn bị cho đơn hàng xuất đi các nước châu Âu nên nguồn vốn đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Phong là bước đệm vững chắc giúp doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh.
“Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng rất thuận lợi khi luôn có các ngân hàng đồng hành và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Tuy nhiên, cần hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp để doanh nghiệp có nguồn vốn xoay vòng, đồng thời có lợi nhuận nhất định”, ông Thái Đại Phong – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Phong mong muốn.
Đối với các doanh nghiệp chuyên về sản xuất chế biến, xuất khẩu thủy hải sản như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Biển Quỳnh, huyện Quỳnh Lưu, đây là thời điểm chuẩn bị nguồn hàng Tết Nguyên đán nên rất cần nguồn tiền để nhập nguyên vật liệu, tăng cường sản xuất nhằm đáp ứng sức mua tăng cao của người tiêu dùng.
Anh Hồ Mạnh Hoàn - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Biển Quỳnh cho biết, đây là thời điểm các ngân hàng liên tục triển khai nhiều gói vay với lãi suất cạnh tranh nhằm đồng hành cùng khách hàng. Chuẩn bị nguồn hàng Tết, phía ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất, hỗ trợ công ty mà không yêu cầu khắt khe về thủ tục hành chính. Điều đó giúp khách hàng thấy được sự chia sẻ, thêm tin tưởng vào ngân hàng.
Thực tế các ngân hàng cũng rất nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế, nhiều ngân hàng đưa ra các sản phẩm theo từng phân khúc trọng tâm tùy thuộc khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu hay hộ kinh doanh cá nhân để có hỗ trợ khác nhau, chưa kể một số ngân hàng còn có dịch vụ ưu đãi riêng cho từng nhóm khách hàng vay.
Bà Nguyễn Thị Hương – Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển BIDV Nghệ An cho biết, hiện nay đối với khách hàng cá nhân và vay sản xuất kinh doanh thì BIDV có gói 100.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 4,1%, đối với doanh nghiệp chỉ từ 4,5%. Mặt khác BIDV thường xuyên rà soát các quy trình nghiệp vụ để có thể tinh giản một số bước trong quá trình tiếp cận vốn của khách hàng.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, gia tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nông nghiệp Agribank Nghệ An triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô 200.000 tỷ đồng, 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, tích cực tham gia các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn.
Ông Lê Xuân Hùng – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Nghệ An cho biết, hiện nay, tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã nỗ lực có các gói hỗ trợ, các cán bộ tín dụng tích cực tìm kiếm từng khách hàng để cho vay nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Từ đầu năm đến nay, do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn, nhu cầu tiêu dùng, bất động sản còn chậm nên tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng nhìn chung đang ở mức thấp, thậm chí có những ngân hàng tăng trưởng âm. Điều này đòi hỏi cần phải có thêm những giải pháp quyết tiệt hơn nữa mới hy vọng tăng trưởng tín dụng như kì vọng trong những tháng cuối năm.
Đẩy vốn vào sản xuất, kinh doanh
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, ngành ngân hàng Nghệ An đang dẫn đầu về kết quả hoạt động trong khu vực Bắc Trung Bộ với kết quả đến 30/9/2024, nguồn vốn huy động ước đạt 256.856 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 10,55%. Tổng dư nợ toàn địa bàn ước đạt 316.849 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 7,1%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 5%)
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng cường huy động vốn và mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững; tiếp tục đẩy mạnh chương trình cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng và thực hiện tốt công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu
Những tháng cuối năm, các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ đối với các lĩnh vực ưu tiên như cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn; vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao nông nghiệp sạch và các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn luôn được ngành Ngân hàng Nghệ An quan tâm và đẩy mạnh. Dư nợ cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 4% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực đóng vai trò là động lực phát triển của nền kinh tế, bao gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Hiện các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục đưa các gói lãi suất ưu đãi dành cho sản xuất kinh doanh và kích cầu tiêu dùng.
Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông(OCB) đang cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay lãi suất chỉ từ 5,5%/năm; Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng cho vay thế chấp trực tuyến với hạn mức bằng 100% giá trị tài sản đảm bảo lên tới 20 tỷ đồng nhằm tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghệ An cho biết, thời gian tới, Vietcombank sẽ tập trung vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Còn mục tiêu xuyên suốt của Vietcombank là hướng dòng vốn vào các dự án lớn, các dự án trọng điểm có tác động đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đồng thời, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vẫn là khách hàng mục tiêu, đặc thù của Vietcombank.
Hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay.
“Ngành cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”, bà Nguyễn Thị Thu Thu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An nhấn mạnh./.