Tác chiến hiệp đồng binh chủng trong trận then chốt chiến dịch

Trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, Chiến thắng Làng Vây đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đây là trận then chốt (diễn ra trong hai ngày 6 và 7-2-1968) trong đợt 1 của chiến dịch, để lại nhiều kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự, trong đó thể hiện nét đặc sắc về nghệ thuật tác chiến trong trận then chốt.

Làng Vây là một cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ Đường 9-Khe Sanh, do 4 đại đội thám báo, 1 trung đội Mỹ (tính cả tàn quân từ Hướng Hóa, Huội San chạy về, tổng số 1.000 quân), cùng nhiều vũ khí trang bị hạng nặng, chốt giữ. Nếu địch để mất Làng Vây, quân của chúng ở Tà Cơn sẽ bị cô lập. Vì vậy, ta chọn Làng Vây làm mục tiêu đánh trận then chốt là hoàn toàn chính xác. Trong tình thế ta đã giải phóng quận lỵ Hướng Hóa, diệt cụm cứ điểm Huội San, địch chưa có biểu hiện ứng cứu, tăng viện, giải tỏa mà chỉ tăng cường củng cố Tà Cơn. Đây sẽ là thời cơ thuận lợi cho ta tiến công diệt địch ở Làng Vây để đưa tiếp lực lượng vào vây ép Tà Cơn.

Xe tăng mang số hiệu 555 lập công xuất sắc trong trận Tà Mây-Làng Vây, tháng 2-1968. Ảnh tư liệu

Xe tăng mang số hiệu 555 lập công xuất sắc trong trận Tà Mây-Làng Vây, tháng 2-1968. Ảnh tư liệu

Địch tổ chức bảo vệ Làng Vây rất chặt chẽ bằng hệ thống trinh sát điện tử hiện đại và hỏa lực mạnh. Do đó, mọi hoạt động của ta, nhất là các đơn vị xe tăng, pháo binh khi tiếp cận cứ điểm dễ bị địch phát hiện. Căn cứ vào địa hình và tình hình địch, ta chọn hướng tiến công chủ yếu từ phía nam Làng Vây-nơi địch sơ hở, ít phòng bị do có núi cao, sông Sê Pôn bao bọc; đồng thời chọn hướng tây (theo Đường 9), nơi địch tập trung lực lượng đề phòng, nhằm thu hút sự chú ý đối phó của chúng. Tiến công Làng Vây, ta tổ chức cơ động đội hình lớn, có pháo binh, đặc biệt là xe tăng lần đầu xuất hiện (2 đại đội gồm 16 xe PT-76) trên chiến trường, qua địa hình phức tạp, nên phải hết sức bí mật. Để bảo đảm cho xe tăng cơ động trên hướng chủ yếu, lực lượng công binh đã phải giải quyết những tảng đá ngầm dưới lòng sông Sê Pôn. Khi cơ động ban đêm, nhiều đoạn xe tăng phải tắt máy, thả bè trôi trên dòng Sê Pôn, nên giữ bí mật tuyệt đối. Việc bảo đảm cơ động triển khai thế trận tiến công còn được thực hiện sáng tạo khi hỏa lực ta bắn chuẩn bị, xe tăng nhanh chóng cơ động ở các vị trí đã đề ra.

Theo kế hoạch, 23 giờ 30 phút ngày 6-2-1968, sau khi pháo binh ta bắn chuẩn bị, trên 3 hướng (nam, tây và bắc), bộ binh ta có xe tăng hỗ trợ, đồng loạt vượt qua cửa mở tiến công vào Làng Vây. Tuy địch chiếm ưu thế về hỏa lực trên không, mặt đất và có cả hệ thống lô cốt bê tông cốt thép vững chắc bảo vệ, nhưng trên 3 hướng tiến công, ngay từ đầu cũng như trong suốt trận đánh, ta đã tạo thế mạnh áp đảo địch. Trong trận đánh Làng Vây, ta sử dụng lực lượng hiệp đồng binh chủng đột kích liên tục với binh khí kỹ thuật hiện đại, nhất là pháo binh, pháo phòng không và xe tăng, đặc biệt là sự xuất hiện bí mật của xe tăng ở hướng tiến công chủ yếu (phía nam) và hướng tiến công thứ yếu (phía tây) đã tạo bất ngờ đối với địch. Khi địch co cụm lực lượng tại hầm ngầm ở khu vực sở chỉ huy, ngoan cố chống cự, bằng sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng chặt chẽ trên từng hướng, mũi, các bộ phận đã phối hợp tiến công dứt điểm các mục tiêu đề ra, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phận đánh địch co cụm, nhanh chóng tiêu diệt chúng, kết thúc trận đánh lúc 10 giờ ngày 7-2-1968. Đây là trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, ta tiêu diệt 400 tên, bắt sống 253 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị chiến tranh của địch, tạo ra thế trận có lợi cho ta phát triển tiến công đánh chiếm các mục tiêu quan trọng khác, giành thắng lợi cho chiến dịch.

Trận Làng Vây thắng lợi đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng trong trận then chốt chiến dịch. Ta đã dự kiến và lựa chọn đúng khu vực, mục tiêu đánh trận then chốt, làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, tạo thế cho trận đánh và vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách đánh hiệp đồng binh chủng với quy mô một trung đoàn bộ binh được tăng cường binh khí kỹ thuật hiện đại, tiến công vào một cứ điểm mạnh của địch phòng ngự trong công sự kiên cố ở địa hình rừng núi. Cùng với các trận Hướng Hóa, Huội San trước đó, trận then chốt Làng Vây thắng lợi, góp phần làm nhân tố quyết định tạo thế cho chiến dịch phát triển, tiến tới giành thắng lợi lớn của Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/tac-chien-hiep-dong-binh-chung-trong-tran-then-chot-chien-dich-652791