Sự xấu xí của Internet sau thất bại của tuyển Pháp

Sau những sai lầm trên sân bóng, các cầu thủ phải nhận những lời chỉ trích nặng nề, thậm chí là lăng mạ và phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội.

World Cup 2022 kết thúc với thất bại của đội tuyển Pháp trong loạt sút luân lưu trước Argentina. Trái ngược với màn ăn mừng của Lionel Messi cùng đồng đội, các cầu thủ Pháp lại trở thành nạn nhân của hành vi tấn công mạng của người hâm mộ. Kingsley Coman, một trong 2 người đá hỏng quả 11 m ở loạt luân lưu, đã nhận về nhiều lời lẽ khiếm nhã và phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội.

Trên mạng xã hội, các bình luận khiếm nhã, phân biệt chủng tộc hướng đến cầu thủ này xuất hiện với số lượng lớn. Cụm từ phân biệt người da màu “n****a” hay các icon khỉ, vượn, chuối vốn được sử dụng với ý nghĩa mang tính thóa mạ cũng được nhiều người dùng bình luận trên bài đăng của tiền vệ người Pháp.

“Kinh hoàng” với những lời lăng mạ

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên người hâm mộ tỏ ra quá khích trước những sự kiện bóng đá. Trong trận chung kết Euro 2020 giữa Anh và Italy, 3 cầu thủ trẻ của tuyển Anh là Bukayo Saka (khi đó chưa tròn 20 tuổi), Marcus Rashford (23 tuổi) và Jadon Sancho (21 tuổi) đã đá hỏng quả phạt đền. Điều này đã dẫn đến những tin nhắn phân biệt chủng tộc khi Saka, Rashford và Sancho đều người da màu.

Trước sự cố trên, Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) nói rằng họ "kinh hoàng" trước sự lăng mạ đối với 3 cầu thủ của tuyển Anh. CLB Arsenal của Saka cũng lên tiếng ủng hộ cầu thủ và yêu cầu các công ty mạng xã hội và chính quyền “có biện pháp ngăn chặn tình trạng các cầu thủ trở thành nạn nhân của các trò xúc phạm, sỉ nhục danh dự”.

Nói về vấn đề này, đại diện của Meta khẳng định không ai đáng bị phân biệt chủng tộc và họ cũng không muốn điều này diễn ra trên Instagram. Mạng xã hội cam kết sẽ nhanh chóng gỡ bình luận và tài khoản xúc phạm các cầu thủ Anh, đồng thời khuyến khích họ bật tính năng ẩn từ ngữ nhạy cảm trong mục bình luận và tin nhắn.

Saka đã thất bại trong ở lượt sút quyết định, giúp Italy đăng quang EURO 2020. Ảnh: Reuters.

Song, bắt nạt trực tuyến vẫn tồn đọng và trở thành một vấn nạn lớn trong giới bóng đá. Trong vòng 23 Premier League mùa giải 2021-2022, trung vệ Axel Tuanzebe từng bị miệt thị trên mạng xã hội vì mắc lỗi khiến MU chịu quả phạt đúng phút cuối, từ đó bị Everton gỡ hòa.

Trên các nền tảng mạng xã hội, cầu thủ bị phỉ báng màu da từ các bình luận, tin nhắn và cả ký hiệu trên bàn phím (emoji). MU nói rằng họ "ghê tởm" với các lời lẽ phân biệt chủng tộc và kêu gọi các nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm trong việc ngăn chặn chúng.

Việc phỉ báng trên mạng không chỉ xuất hiện với cầu thủ da màu. Granit Xhaka, cầu thủ chơi cho CLB Arsenal và Thụy Sĩ từng nhận hàng nghìn chỉ trích, thậm chí nhắm vào con gái mới sinh của anh sau sự cố năm 2019.

"Điều này có thể giết chết bóng đá, khi người ta có thể nói về cầu thủ và gia đình của họ như vậy", Xhaka chia sẻ trong bài phỏng vấn năm 2021.

Tháng 8 vừa qua, 2 nhà nghiên cứu Bertie Vidgen và Angus Redlarski Williams của Alan Turing Institute đăng tải thống kê về lăng mạ trực tuyến, cho thấy 68% cầu thủ tại Premier League từng nhận một câu lăng mạ trên Twitter. Trong đó, 3 cầu thủ của Manchester United là Cristiano Ronaldo, Harry Maguire và Marcus Rashford là những người hứng chịu nhiều nhất.

Nói với BBC, đại diện của Premier League cho biết các nền tảng đã có cải thiện trong hệ thống báo cáo những nội dung quá khích của người hâm mộ sau mỗi trận đấu, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ.

Họ yêu cầu các mạng xã hội hỗ trợ cơ quan chức năng để tìm ra thủ phạm của nạn phân biệt chủng tộc, lăng mạ cầu thủ để các đội bóng cấm cửa hoặc đệ đơn kiện những người này. Ngoài trường hợp một thanh niên người Ireland bị kiện vì phát ngôn phân biệt chủng tộc cầu thủ Arsenal Ian Wright hồi tháng 1/2021, vẫn có rất ít vụ việc liên quan đến vấn nạn này được xem xét nghiêm túc, BBC cho biết.

Sự đối lập giữa fan hâm mộ trên sân bóng và mạng xã hội

Các tổ chức thể thao đã lên tiếng phản đối, có hành động gây áp lực lên các "ông lớn" Internet trước tình trạng phân biệt đối xử, bắt nạt ngày càng nghiêm trọng.

Tháng 4/2021, bóng đá Anh đã tỏ thái độ bằng cách thực hiện chiến dịch tẩy chay mạng xã hội. Các câu lạc bộ, tài khoản mạng xã hội thuộc những tổ chức trên không sử dụng Facebook, Twitter và Instagram từ 15h 30/4 đến hết ngày 3/5 (giờ Anh).

Trong bức thư kêu gọi Jack Dorsey, CEO Twitter vào thời điểm đó và Mark Zuckerberg, CEO Facebook chấm dứt "sự lạm dụng độc hại, khó chịu" đến từ người dùng các nền tảng, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Anh, giải Ngoại hạng Anh và một số tổ chức nói rằng hành động của các mạng xã hội quá lỏng lẻo, không đủ sức răn đe những kẻ bắt nạt trên Internet. Dù đưa ra chính sách xử lý, tình trạng vẫn không chấm dứt.

"Trên thực tế, nền tảng của các bạn vẫn là thiên đường cho sự lạm dụng", lãnh đạo bóng đá Anh viết trong lá thư.

Tiền vệ Hà Lan Georginio Wijnaldum là một trong những người từng bày tỏ bị tổn thương bởi người hâm mộ sau những sai lầm trên sân bóng. “Khi mọi chuyện tồi tệ, tôi trở thành bia ngắm để họ công kích. Đây chính là lý do tôi muốn rời Liverpool”, Wijnaldum chia sẻ sau khi đến PSG.

Anh nhận ra fan hâm mộ trên khán đài và trên mạng xã hội như hai nhóm người hoàn toàn khác nhau. “Tôi chỉ ước gì họ hiểu được những điều tôi phải trả giá để luôn giữ phong độ và tham gia trận đấu. Không phải lúc nào tôi cũng chơi tốt, nhưng khi nhìn vào gương tôi luôn tự hào rằng mình đã chơi hết sức và tập luyện cật lực để tiến bộ hơn”, ngôi sao tuyển Hà Lan tâm sự với The Guardian.

Các lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Anh đã kêu gọi Facebook, Twitter chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc trên Internet. Ảnh: Premier League.

Theo BBC, Facebook thừa nhận họ vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều để giải quyết người hâm mộ quá khích có hành vi phân biệt chủng tộc, thóa mạ các cầu thủ trên mạng xã hội.

Nền tảng đã hợp tác với chiến dịch bài trừ phân biệt chủng tộc "Kick It Out" để nâng cao nhận thức và báo cáo sai phạm, đồng thời phát triển công cụ mới để ngăn chặn liên quan đến Instagram. Facebook khẳng định họ đã nâng số lượng đội ngũ phụ trách an toàn lên 35.000 người và giải quyết hàng chục triệu nội dung gây thù ghét vào năm 2020.

BBC cho biết các công ty mạng xã hội khác cũng nói rằng không dễ để giải quyết vấn nạn này trong một sớm một chiều như nhiều người tưởng. Họ còn phải cân nhắc đến nhiều khía cạnh khác trên nền tảng mạng xã hội rộng lớn hiện nay.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-xau-xi-cua-fan-bong-da-khi-tan-cong-cau-thu-post1386191.html