Sẽ ban hành đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức hội thảo tham vấn chính sách bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non đối với trẻ em là con công nhân tại khu công nghiệp.
Tại Hội thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp giai đoạn 2023-2030.
Theo Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cả nước có 212 đơn vị cấp huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với 11.116 cơ sở giáo dục mầm non. Các cơ sở này huy động hơn 1,6 triệu trẻ em, trong đó đa số trẻ em là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn để các địa phương đầu tư phát triển giáo dục mầm non. Tính đến tháng 7/2023, có 49 tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết HĐND cấp tỉnh quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; 31 tỉnh, thành phố có văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Đặc biệt, có 5 tỉnh, thành phố quy định mức hỗ trợ cao hơn so với quy định tối thiểu; 3 tỉnh mở rộng đối tượng áp dụng tới cụm công nghiệp,…
Tại Hội thảo, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, chính sách hỗ trợ đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp đã giúp cha mẹ trẻ là công nhân có thêm phần chi phí để lựa chọn gửi trẻ ở những cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bảo đảm chất lượng, giúp các cơ sở giáo dục mầm non có kinh phí cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học, giáo viên mầm non có thêm thu nhập,...
Tuy nhiên, theo đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện vẫn còn một số khó khăn khi thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp như chính sách hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thuê đất; hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học cho các nhóm trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập,… Việc áp dụng văn bản trong thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non hiện còn có sự khác nhau giữa các địa phương,…
Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có nhiều lao động, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện các chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn nói trên, đồng thời sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp giai đoạn 2023-2030.