Rực rỡ không gian văn hóa đa sắc màu của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023, ngày 4/11 đã diễn ra chương trình Liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Chương trình văn nghệ quần chúng của các nghệ nhân, diễn viên các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tại tỉnh Lai Châu. Ảnh: Bích Nguyên

Tham dự chương trình có 9 đoàn đến từ các tỉnh: Lai Châu, Thái Nguyên, Kon Tum, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai và Cao Bằng.

Các đoàn so tài ở 2 nội dung thi: Văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc.

Với nội dung văn nghệ quần chúng, mỗi đoàn có các tiết mục bao gồm dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống và phát triển nâng cao, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc; ở nội dung trình diễn trang phục, các đoàn giới thiệu trang phục ngày thường, lễ hội, lễ cưới của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Tiết mục biểu diễn của dân tộc Brâu, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Bích Nguyên

Đoàn Kon Tum mang tới chương trình với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, giới thiệu điệu cồng chiêng xoang, hát dân ca, diễn tấu Đinh Pú, hát giao duyên, diễn tấu nhạc cụ chiêng Thah.

Đoàn Lào Cai giới thiệu tới công chúng nền văn hóa đặc sắc mang chủ đề “Tinh hoa nơi đỉnh núi Cô Tiên” với phần trình diễn trang phục Mừng lễ dẫn tiên của dân tộc Bố Y; múa Tạ Ơn, hòa tấu nhạc cụ của người Bố Y, múa quạt, hát trao duyên, múa trống cầu mùa.

Đoàn Nghệ An mang tới chương trình nghệ thuật với chủ đề “Về bản Ơ Đu cùng em” giới thiệu các điệu múa hát truyền thống.

Tiết mục văn nghệ của người Ơ Đu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bích Nguyên

Đoàn Thái Nguyên giới thiệu văn hóa của dân tộc Ngài với các làn điệu dân ca, hát giao duyên được gọi là Sưởng Cô hay xướng ca mang đậm nét riêng, độc đáo của dân tộc Ngái. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa với những ca từ trong sáng, tình cảm trong lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.

Đoàn Tuyên Quang mang tới chương trình văn nghệ đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn với các làn điệu hát đối đáp, hát giao duyên Tình yêu hội mùa xuân, hát dân ca Cô gái đến từ phương xa, và múa điệu Hội cầu lửa.

Phần trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Bích Nguyên

Đoàn Hà Giang mang tới cho khán giả các điệu múa truyền thống “Nhớ ơn tổ tiên” của dân tộc Lô Lô, “Mời rượu” của người Cờ Lao; Múa “Ngày mùa” của dân tộc Pà Thẻn...

Đoàn Cao Bằng giới thiệu văn hóa của người Lô Lô Đen với các bài hát “Tiếng trống đồng Lô Lô”, tiết mục múa “Trên đỉnh non cao”, bài hát “Lời hẹn ước”.

Đoàn Điện Biên đến với ngày hội mang theo bản sắc văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng có chủ đề "Sắc màu quê hương", giới thiệu bản sắc văn hóa hai dân tộc Cống và Si La.

Tiết mục múa của dân tộc Lự, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Bích Nguyên

Tham dự liên hoan đoàn Lai Châu mang đến chương trình nghệ thuật với chủ đề "Sắc màu Lai Châu" gồm những bài dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc: Cống, Mảng, Si La và Lự. Khán giả đã được nghe làn điệu dân ca dân tộc Cống, song tấu sáo mẹ con dân tộc Lự, Múa “giã gạo ngày mùa”, dân tộc Mảng, hát dân ca dân tộc Si La; Múa “Nhịp xòe Mường Lự”.

Buổi liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục đã đem đến cho người xem một không gian rực rỡ sắc màu của các bộ trang phục truyền thống và những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Phần biểu diễn trang phục của dân tộc Cống và Si La, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Bích Nguyên

Sau đây là một số hình ảnh tại chương trình Liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người:

Tiết mục văn nghệ của dân tộc Bố Y, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Bích Nguyên

Phần trình diễn trang phục truyền thống của người Bố Y, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Bích Nguyên

Phần trình diễn trang phục của người dân tộc Rơ Măm, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Bích Nguyên

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ruc-ro-khong-gian-van-hoa-da-sac-mau-cua-cac-dan-toc-co-so-dan-duoi-10000-nguoi-post468535.html