Về thăm Trường Dục Thanh

Trường Dục Thanh nằm cạnh sông Cà Ty, ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận). Đường về trường uốn lượn theo bờ nam con sông, yên ả và thơ mộng. Từ sáng sớm, từng dòng người về thăm ngôi trường - Nơi ghi dấu thanh xuân tươi đẹp của Bác Hồ khi ấy với tên gọi là thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Qua khỏi chiếc cổng xinh xắn, cổ xưa là một màu xanh của cây cối. Hàng cây, ghế đá nơi nào cũng đầy ắp kỷ niệm của Người trong những tháng ngày dạy học tại đây. Cây khế Người chăm sóc năm xưa nay đã tròn 110 tuổi vẫn xanh, sum suê hoa trái. Hàng ghế đá, phòng nội trú, góc sân nhỏ sau giảng đường... dẫu đã trải qua 114 năm kể từ ngày Bác về đây dạy học, nay vẫn gọn gàng, sạch sẽ. Đến đây, bất kỳ ai được ngồi vào những dãy bàn ghế trong lớp của học trò Trường Dục Thanh khi xưa đều cảm thấy bồi hồi, xúc động. Đây là ngôi trường mà thanh niên Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Bác Hồ lúc 20 tuổi) đã dừng chân dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn, ra đi tìm đường cứu nước.

Khung cảnh Trường Dục Thanh ở TP. Phan Thiết (Bình Thuận).

Khung cảnh Trường Dục Thanh ở TP. Phan Thiết (Bình Thuận).

Dòng người khắp nơi về thăm Trường Dục Thanh ở TP. Phan Thiết (Bình Thuận).

Dòng người khắp nơi về thăm Trường Dục Thanh ở TP. Phan Thiết (Bình Thuận).

Trường Dục Thanh xây dựng năm 1907 trên phần đất gia đình cụ Nguyễn Thông, một nhà thơ yêu nước thời bấy giờ ở làng Thành Đức (nay là số 39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP.Phan Thiết). Trường Dục Thanh là trường tư thục, có nội dung giảng dạy tiến bộ ở tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ, do hai người con trai của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Trọng Lội sáng lập, nhằm truyền bá tư tưởng của phong trào Duy Tân khởi xướng ở Trung Kỳ. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến ngôi trường Dục Thanh vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/1910 sau khi rời Trường Quốc học Huế vào Bình Định, Phan Rang, rồi đến Bình Thuận.

Trường Dục Thanh khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến dạy học có khoảng 60 học sinh và 7 thầy giáo giảng dạy các môn Hán văn, Pháp văn, Quốc văn. Nguyễn Tất Thành là thầy giáo trẻ nhất, dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn... Đặc biệt, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn truyền bá cho học sinh lòng yêu nước thông qua việc dẫn các em học sinh đi thăm những cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, đình làng Đức Nghĩa... Tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn, rồi sau đó Người xuống Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Lớp học ở Trường Dục Thanh mái ngói rêu phong, được bao bọc bởi bốn bức tường gỗ giản dị. Phòng học có 21 bộ bàn ghế của học sinh, 2 cái bảng đen và 1 bộ bàn ghế của giáo viên, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành ngồi giảng bài năm xưa... Phía bên phải là nhà nội trú của thầy giáo và học sinh; phía sau là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đọc sách báo, soạn bài trước khi lên lớp.

Nơi đây, hiện vẫn còn nhiều hiện vật gắn với thời gian mà Người dạy học. Bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, tráp văn thư, dụng cụ mài mực... Tất cả đều đơn sơ, giản dị, nhưng khi ngắm nhìn, cảm xúc nghẹn ngào, thương nhớ Bác trào dâng trong mỗi người.

Du khách trải nghiệm giờ học ở Trường Dục Thanh.

Du khách trải nghiệm giờ học ở Trường Dục Thanh.

Trong khuôn viên Khu Di tích Trường Dục Thanh còn có cái giếng nước ngọt lành, vườn cây xanh bốn mùa. Tinh thần chăm sóc cây xanh ở Trường Dục Thanh ngày trước và Khu Di tích Trường Dục Thanh hôm nay được nối tiếp từ sự truyền dạy của thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Nơi đây, cây khế năm xưa giờ được trân quý gọi là “Cây khế Dục Thanh”, “Cây khế Bác Hồ”... Chị Nguyễn Thị Liên Thùy, ở huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết, cứ 3 năm tôi lại về nơi đây một lần. Khi nghe thuyết minh và xem kỷ vật, tôi cảm giác Bác vẫn như đang ở nơi này.

Không gian trưng bày hình ảnh về Trường Dục Thanh xưa và thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Không gian trưng bày hình ảnh về Trường Dục Thanh xưa và thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Trong cuốn sổ lưu bút Khu Di tích Trường Dục Thanh, mỗi trang viết đều thể hiện lòng kính yêu, niềm tự hào của mỗi người dân đối với Bác Hồ kính yêu. Trường Dục Thanh mãi in đậm hình ảnh người thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta!

Bài, ảnh: THANH NHỊ

Thiết kế, trình bày: P.DUNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202405/emagazine-ve-tham-truong-duc-thanh-92b48e6/