Quy định 144 của Trung ương đáp ứng yêu cầu bức thiết của đời sống
Sau gần 40 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng và một trong những dấu ấn nổi bật đó là thành tựu về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng về đạo đức. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, thời gian qua, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều quy định liên quan đến việc xây dựng đạo đức, chấn chỉnh đạo đức cán bộ, đảng viên nhằm kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.
Đảng ta cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Không những thế, Đảng còn xác định: Tham nhũng, tiêu cực là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã cảnh báo: "Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc". Do vậy, Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII của Đảng đã xác định rất rõ: “Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”.
Như vậy, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức là vô cùng quan trọng và cấp thiết, hiện nay lại càng khẩn thiết hơn. Và nếu không kịp thời có những định hướng, chấn chỉnh và siết chặt, sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Có lẽ không cần phải nói ra, chúng ta cũng đã biết: Liên tục các cán bộ cấp cao phải hầu tòa, liên tục những người có chức, có quyền rơi vào lao lý. Có nhiều nguyên nhân, nhưng xét cho cùng và suy cho cùng vẫn quy về đạo đức.
Trở lại với Quy định 144, chuẩn mực hiểu theo nghĩa đơn giản là những nguyên tắc bắt buộc chúng ta phải tuân theo, làm theo. Đã là chuẩn mực thì đương nhiên là đúng. Nếu sai thì không thể gọi là chuẩn mực được. Do vậy, khi nói đến chuẩn mực đạo đức cách mạng là nói đến những phẩm chất tốt đẹp, là lẽ phải, là lẽ sống và là nguyên tắc, là những điều luật về đạo đức mà mỗi người cán bộ, đảng viên cần phải có. 5 chuẩn mực đạo đức trong Quy định 144 là 5 gạch đầu dòng lớn. Trong mỗi gạch đầu dòng lớn đó, là rất nhiều những ý nhỏ, ý phụ rất chi tiết, cụ thể. Cụ thể như thế để chúng ta đối chiếu, soi lại mình, sửa lại mình. Thấy mình đã có thì giữ vững và phát huy, thấy mình chưa có thì phấn đấu cho có. Còn những gì đang còn yếu kém, hạn chế thì phải tích cực rèn luyện thêm.
Cũng cần thấy rằng, những chuẩn mực đạo đức trong Quy định 144 không phải là những gì quá xa vời, quá tầm với mà chúng ta không thể thực hiện được. Học tập, phấn đấu, rèn luyện theo 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng đã nêu trong Quy định, không phải là học thuộc từng câu, từng chữ. Nếu đọc kỹ từng câu, từng chữ trong Quy định này, có thể thấy, phần lớn đều là những lẽ sống, lẽ phải rất đời thường trong cuộc sống. Tất nhiên, sẽ có những chuẩn mực đòi hỏi cao hơn. Tuy nhiên, phủ quát lên toàn bộ Quy định, chúng ta thấy được ba điều: Một là, luôn luôn đặt lợi ích của tập thể, của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, lên trên hết và trước hết. Hai là, đề cao tính tiền phong, gương mẫu. Ba là, biết tự trọng và giữ gìn danh dự. Còn nhiều điều khác nữa. Những tựu chung lại ba vấn đề đó, xuyên suốt và thấm sâu vào trong từng câu chữ của Quy định 144.
Và có thể dùng một câu ngắn gọn trong Quy định này, cũng là lời căn dặn, nhắc nhở của Bác Hồ lúc sinh thời để chúng ta tư duy và hành động cho đúng: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân thì hết sức tránh”. Nếu người cán bộ, đảng viên ghi nhớ, khắc sâu điều này, chắc chắn sẽ không làm điều gì tổn hại đến danh dự của bản thân và cao hơn nữa là lợi ích quốc gia, dân tộc.
Những chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới có những chuẩn mực trùng khớp với những chuẩn mực đạo đức của quân nhân cách mạng. Chẳng hạn như tại Điều 1 có những quy định: Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Quy định: Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Quy định: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia dân tộc lợi ích của Đảng, Nhà nước và của nhân dân...
Nếu so sánh, đối chiếu, chúng ta thấy, có nhiều nội dung trong Quy định 144 gần giống với những nội dung được quy định trong 10 lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật của quân nhân và Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Dựa trên cơ sở nền tảng đã có, cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung và cán bộ, đảng viên quân đội nói riêng có thêm những chuẩn mực mới để phấn đấu, học tập và rèn luyện, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân.