Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Phạm Thị Minh Huệ phát biểu tại hội trường.

Buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận Luật Bảo hiểm xã hội. Luật hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2014. Sau gần 7 năm thi hành (kể từ ngày luật có hiệu lực 1/1/2016 đến nay), luật đã góp phần tích cực trong việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động thông qua các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn cũng như dài hạn. Song với sự xuất hiện nhiều tình huống mới, nhất là hậu Covid-19 thì nhiều nội dung không còn phù hợp. Việc Quốc hội quyết định sửa đổi luật là một yêu cầu thiết thực, tất yếu.

Chính vì vậy, các đại biểu đã tham gia với nhiều ý kiến rất tâm huyết, đặc biệt là việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Các đại biểu cho ý kiến: Cần đánh giá kỹ nguyên nhân của việc rút bảo hiểm xã hội một lần; cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để người lao động không muốn rút bảo hiểm một lần; cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu bảo hiểm xã hội một lần; điều cốt lõi là giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội...

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến: Cần rà soát, bổ sung các giải pháp ngăn chặn tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động của các nội dung mới; cần làm rõ cơ sở quy định mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; cần có đánh giá và bổ sung quy định về việc sử dụng công nghệ thông tin để quản lý bảo hiểm; bổ sung thêm quy định về nguyên tắc công khai, minh bạch Quỹ bảo hiểm xã hội. Làm rõ hơn quy định về đối tượng, độ tuổi, tên gọi, mức trợ cấp hưu trí xã hội; xem xét giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non; cần quy định phù hợp để thu hẹp khoảng cách giới. Bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật; cần có quy định tăng chế độ chính sách của bảo hiểm xã hội; đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ hoặc nhóm lao động trên nền tảng công nghệ thuộc nhóm đối tượng bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đóng góp cho dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), bà Phạm Thị Minh Huệ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét đối với nội dung về trợ cấp hưu trí xã hội tại khoản 2 Điều 4, Điều 20, khoản 1 Điều 21 và khoản 1 Điều 23 dự thảo luật. Để bảo đảm tính thống nhất về độ tuổi của người cao tuổi trong thực tiễn sau khi dự thảo luật được thông qua, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu việc giải thích từ ngữ trợ cấp hưu trí xã hội cho phù hợp. Mặt khác, Điều 20 dự thảo luật quy định về đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội, nhưng lại tiếp tục đưa ra cụm từ liên quan độ tuổi, cụ thể là đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035, trong khi đó điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại khoản 1 Điều 21 dự thảo luật đã quy định điều kiện về độ tuổi là đủ 75 tuổi trở lên. Do đó để tránh việc đưa ra việc nhiều độ tuổi trong cùng một chế độ, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, điều chỉnh Điều 20 dự thảo luật theo hướng đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 21 luật này để phù hợp hơn. Trên cơ sở điều chỉnh đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội tại Điều 20 dự thảo luật, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng tại khoản 1 Điều 23 dự thảo luật cho phù hợp...

Trong buổi chiều, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự thảo luật trình Quốc hội lần này gồm 15 chương, 203 điều, tăng 2 chương, 8 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, đồng thời đã chỉnh lý về nội dung và kỹ thuật tại 158 điều. Đặc biệt, dự thảo luật đã bổ sung 1 chương về ngân hàng chính sách với 11 điều để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động và quá trình phát triển của các ngân hàng chính sách. Các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm như: các quy định liên quan đến vay, cho vay đặc biệt; ý kiến về vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng...

Ngày mai (24/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

THANH KHIẾT

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/thoi-su/quoc-hoi-thao-luan-du-an-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-va-du-thao-luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-doi-68934.html