Quảng Ninh: Nan giải vấn đề thiếu đất san nền, thiếu nơi đổ thải
Vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký kiểm tra thực tế một số dự án đầu tư công đang có nguy cơ chậm tiến độ, cho thấy lý do chậm tiến độ là thiếu đất san nền. Bí thư Tỉnh ủy có chỉ đạo khắc phục sự thiếu đất san nền, nhưng vẫn còn nan giải thiếu đất san nền, thiếu nơi đổ thải cần có sự chung tay của các Bộ, ngành Trung ương.
Cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký kiểm tra thực tế tại Dự án xây dựng Nút giao Km6+700 đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thuộc dự án đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km6+700) đến đường tỉnh 338, giai đoạn 1; Dự án xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại Km20+50 đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng); Dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338, giai đoạn 1). Đây đều là những công trình, dự án động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, liên kết, nội vùng, kiến tạo nên không gian và hành lang phát triển mới theo hướng bền vững. Hiện nay, các dự án đều gặp khó khăn về nguồn đất đắp cốt nền, đặc biệt là các dự án, công trình trên vùng đất trũng. Đây là mấu chốt gây chậm tiến độ, nguy cơ không đảm bảo kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2023.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ những nút thắt trên tinh thần ưu tiên tối đa nguồn đất san lấp cho các công trình, dự án này. Các chủ đầu tư phải lập biểu đồ thi công để xác định các hạng mục, nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; đồng thời giám sát chặt chẽ, vừa đảm bảo về khối lượng, về tiến độ, đặc biệt đảm bảo về chất lượng công trình, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và thiết kế kỹ thuật. Tuyệt đối không để xảy ra vi phạm chất lượng công trình, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Chủ đầu tư cùng nhà thầu cần tập trung hơn nữa với quyết tâm cao nhất; tăng cường nhân lực, phương tiện, tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt là tăng cường quản lý, giám sát để đảm bảo cả về tiến độ và chất lượng công trình; đảm bảo các yêu cầu an toàn thi công, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ. Qua kiểm tra cho thấy một số đoạn, một số vị trí còn chậm giải phóng mặt bằng, yêu cầu thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí hoàn thành công việc này trong thời gian sớm nhất, tuyệt đối không để xảy ra phức tạp, khiếu kiện kéo dài.
UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư rà soát kỹ tất cả các gói thầu, nhà thầu để kiểm soát rủi ro đối với việc tạm ứng vốn, thanh toán vốn, hoàn khối lượng, thanh toán, quyết toán công trình; kiểm soát rủi ro liên quan đến chất lượng công trình; kiểm soát rủi ro liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Kiên quyết thay thế, xử lý nghiêm nhà thầu có hành vi cố tình làm chậm tiến độ, vi phạm quy trình, quy định của pháp luật về giải ngân, chất lượng thi công.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng nhận thấy mức độ thiếu đất san nền và còn thiếu nơi đổ thải cũng đang nóng bỏng. Hai công trình trọng điểm, động lực ở Quảng Yên nói trên là Dự án đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (km6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1); và Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)… do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp của tỉnh làm chủ đầu tư.
Trong đó, Dự án đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (km6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1) gồm 2 gói thầu. Gói thầu số 8 giá trị đầu tư xây lắp 264,603 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 565 ngày, khởi công 13/8/2020, dự kiến hoàn thành 01/3/2022 (ngày 20/04/2022) UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 1006/QĐ-UBND gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 31/10/2022, lũy kế nay mới đạt được 40,72%; Gói thầu số 16 giá trị xây lắp 747,844 tỷ đồng, thời gian thực hiện 450 ngày (15/12/2020 - 10/3/2022), ngày 20/04/2022 UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 1006/QĐ-UBND gia hạn đến ngày 31/10/2022, lũy kế nay mới đạt được 68,54%.
Hai dự án đều vướng hai lực cản lớn. Một là thiếu nơi đổ thải, Dự án được phê duyệt có khối lượng đổ đất không thích hợp khoảng 400.000m3. Chủ đầu tư đã xin ý kiến tỉnh về việc đổ lượng đất không thích hợp trên vào các lòng đảo của gói thầu số 16 của dự án. UBND tỉnh đã có Văn bản số 6221/UBND-NLN1 ngày 16/12/2022, chỉ đạo đổ đất không tích hợp trong quá trình thi công các dự án trên địa bàn thị xã Quảng Yên theo trình tự các bước về Luật Môi trường có “thuận buồm xuôi gió” cũng phải mất nửa năm. Hai là thiếu hụt nguồn đất đắp. Dự án có nhu cầu về khối lượng đất đắp khoảng 1,97 triệu m3 (nở rời) và Dự án phê duyệt nguồn đất đắp lấy tại mỏ Bắc Sơn. Tuy nhiên, mỏ Bắc Sơn không đạt tiêu chuẩn đắp K98 nên rất khó khăn về nguồn đất K98. Mỏ Bắc Sơn đã dừng khai thác từ ngày 19/1/2023, hiện dự án lấy đất đắp tại mỏ Minh Phúc (tận thu đất nghĩa trang). Tuy nhiên, mỏ Minh Phúc đang cung cấp cho 17 dự án tại thị xã Quảng Yên, sản lượng cấp đất cho dự án nhỏ giọt, không được như dự kiến. Mỏ Minh Phúc chất lượng chỉ đảm bảo cho lớp K95 và sản lượng chưa đạt 1.000m3/ngày, không đủ lượng đất để thi công. Thiếu đất san nền, thiếu nơi đổ thải đang là gánh nặng cho nhà đầu tư và nhà thầu, nhà thầu phải chạy đôn chạy đáo “ăn đong” từng xe đất tôn nền mà đất cần khoét đi lại không có nơi đổ thải lại.
Thứ nữa là nhà đầu tư công trình công vật liệu xây dựng theo đơn giá được phê duyệt cố định, song mỏ đất tư lại nâng giá theo thị trường, giá đất san nền biến đổi tăng, gây khó khăn khôn lường. Cũng theo đơn giá định sẵn, chủ đầu tư mua đất nguyên thổ, không phải giá đất rời trên xe, nhưng hiện nay nhà thầu đang mua đất với giá đất rời có thêm chi phí chế biến sàng sẩy.
Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1) cũng khốn đốn tương tự. Hiện nay đang thiếu hụt nguồn đất đắp, đặc biệt cần trước cho đắp đường công vụ phục vụ thi công toàn tuyến. Nguyên nhân là mỏ đất Bắc Sơn (Uông Bí) đang dừng khai thác. Mỏ Minh Phúc độc quyền bán đất, nguồn đất lẫn nhiều đá, phải chọn lọc mất nhiều thời gian, nguồn đất cung cấp cho dự án này lại nhỏ giọt, không đáp ứng đủ yêu cầu về khối lượng. Nhu cầu đắp đất cần khoảng 1.200.000m3, trong đó mới cấp 50.000m3, thiếu hụt trên 1.150.000m3.
Việc sử dụng đất thải mỏ làm vật liệu san nền, vấn đề nêu ra rất thú vị vừa thực hiện phương châm nền kinh tế tuần hoàn, vừa giải quyết vấn đề về môi trường và quỹ đất bãi thải mỏ. Song 3 năm nay vẫn nằm trên bàn giấy, còn mắc cạn ở nhiều. Sự thiếu hụt nguồn đất đắp ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án, nếu không được tháo gỡ kịp thời, nguy cơ không thể hoàn thành đúng kế hoạch.
Thêm nữa khó khăn về nguồn cát đắp: Tổng nhu cầu dự án cần 500.000m3 cát, hiện nay mới chỉ có 3 mỏ gồm: Phú Đức, Tiến Nga và Quý Viên (Phú Thọ) đủ điều kiện pháp lý để cung cấp, trữ lượng khai thác khoảng 40.000m3/năm. Đồng thời, tỉnh Phú Thọ có văn bản tạm dừng khai thác cát tại 2 huyện, cát càng khan hiếm. Như vậy, nguy cơ thiếu hụt cát đắp là rất lớn và làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Hiện nay giá xăng dầu, sắt thép, cát, đá, sỏi và các vật liệu khác biến động rất nhiều so với thời điểm ký kết hợp đồng gây nguy cơ thua lỗ, không có lợi nhuận (đặc biệt là các đơn vị thi công phần đường), dẫn đến tài chính của nhà thầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây tình trạng tâm lý chây ỳ, thi công cầm chừng, chờ đợi giảm giá... ảnh hướng lớn đến việc huy động vật tư, vật liệu phục vụ thi công của dự án. Nên nguy cơ chậm tiến độ xây dựng công trình, thủng kế hoạch giải ngân năm 2023 đã kề cận; các Bộ, ngành Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cần chung tay với Quảng Ninh tháo gỡ nút thắt thiếu đất san nền, thiếu nơi đổ thải.