Quảng Bình: Mưa lũ đi qua, nỗi lo sạt lở nhà cửa ven sông Gianh thường trực

Mùa mưa lũ mới bắt đầu, sau bão số 4 và các trận áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực có dân cư sinh sống ven bờ sông Gianh, tỉnh Quảng Bình lại thường trực nỗi lo sạt lở nhà cửa, đe dọa tính mạng, tài sản vì dấu hiệu rõ nét.

Cung sạt trượt kéo dài ven sông Gianh, uy hiếp tâm lý 8 hộ gia đình.

Lũ đã qua, nỗi lo còn đó

Ký ức kinh hoàng về đợt sạt lở vào đêm 06/9 vẫn khiến gia đình ông Mai Trung (thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa) rùng mình khi nhắc lại. Chỉ trong ít giờ đồng hồ, mái hiên căn nhà của ông bị đổ sập khi nước lũ cuộn về nhanh, xóa tan một phần công trình trong nháy mắt. Cụ thể hơn, vào lúc hơn 20h, gia đình ông Mai Trung thoáng nghe thấy âm thanh rào rào, rồi sau đó cả đoạn bờ sông dài bị đổ ụp xuống lòng sông, phần sạt trượt thấp hơn cốt nền độ 2m…

Với gia đình ông Mai Tân, vấn đề hiện hữu bây giờ thật cấp bách, khi điểm sạt lở tạo thành một bờ sâu thẳng đứng ngay sát chân tường nhà ông. Với một căn nhà kiên cố, thì việc lún không đều, hay không được đặt trên nền đất ổn định, sẽ có hậu quả khó lường. Mùa mưa lũ đã bắt đầu, các hộ dân nơi đây lại sống trong tâm lý sợ hãi, khi bị mẹ thiên nhiên uy hiếp.

Thông tin từ 8 hộ dân bị ảnh hưởng tại đây chia sẻ cho thấy: Một đoạn bờ sông dài hơn 100m bị sạt lở, kéo theo mái hiên cùng nhiều vật dụng của các hộ gia đình. Cung sạt trượt ngay sát chân tường nhà ông Mai Tân, cắt qua sân nhà ông Mai Lượng, gây sập mái hiên nhà ông Mai Trung rồi phân nhánh sang hai bên, ảnh hưởng 8 hộ gia đình. Tình thế nguy nan, nhiều móng công trình sát mép nước, cư dân chủ động di tản, xin tá túc lánh nạn ở chỗ cao ráo hơn.

UBND xã Đức Hóa cho biết: Từ sáng 06/9 đã xuất hiện một vệt nứt kéo dài theo bờ sông, nhận định chắc chắn bờ sông sẽ sạt lở nên cư dân di dời vật dụng gửi nhà khác. Tại thời điểm đó, cán bộ huyện và xã đã về kiểm tra, khuyên người dân tạm di dời sang chỗ khác ở nhưng không ngờ lại sạt lở nhanh đến thế, may mắn không bị thiệt hại về người. Giờ đây, phải di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là các hộ có nhà bị ảnh hưởng trực tiếp. Giải pháp trước mắt là bố trí các gia đình đến ở nhờ nhà bà con, anh em. Còn giải pháp trọng tâm, cấp huyện cần lên phương án giải quyết, để cư dân an tâm sinh sống và tái thiết.

Di dân tái định cư và xây kè chống xói là biện pháp cấp bách trước hiện trạng sạt trượt này.

Giải pháp nào hữu ích

Mưa lũ tại miền Trung Việt Nam ngày một dị thường, khắc nghiệt để lại hậu quả khôn cùng. Theo thống kê tại các báo cáo trực ban của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, thời điểm ngày 05/9, toàn tỉnh có hơn 2.264 nhà bị ngập nước, 2.100 nhà bị cô lập, đặc biệt tại khu vực vùng cao gồm huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa.

Cùng với 8 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sạt trượt bờ sông tại xóm Kinh Trừng, thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa thì còn có nhà của bà Đinh Thị Niềm (thôn 2 Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa) bị sập. Tại xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa cũng có 02 căn nhà nguy cơ sạt lở. Như vậy, đây là minh chứng cho thấy sức tàn phá của thiên tai lên các khu dân cư, mà nguy nan hơn, đó là câu chuyện sạt lở bờ sông Gianh.

Từ bài học tái định cư tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái sau cơn lũ dữ tháng 7/2018 cho thấy công việc tái thiết “thần tốc”; áp dụng vào tỉnh Quảng Bình, bên cạnh việc bố trí quỹ đất và tái định cư cho cư dân, thì điều quan tâm của dư luận và nhà quản lý không chuyên là cần áp dụng giải pháp kỹ thuật khả thi nào hạn chế được áp lực của lũ lên bờ sông, phòng chống sạt trượt.

Quay trở lại việc 8 hộ gia đình tại xã Đức Hóa bị ảnh hưởng nói trên thuộc xóm Kinh Trừng, xóm này có 86 hộ, 336 nhân khẩu, hoàn toàn là bà con Công giáo. Vốn gốc là dân vạn đò, bám sông nước để làm ăn, một số vượt cạn làm lao động phổ thông, nên tâm lý của dân xóm Kinh Trừng là không muốn tách biệt với dòng Gianh.

Phương án tái định cư, di dân lên chỗ cao hơn được coi là giải pháp khả thi của chính quyền lúc này. Tuy vậy, cư dân sông nước lên chỗ cao, từ chỗ giăng câu, chài lưới, nuôi cá lồng bè nay lại chuyển đổi sinh kế sang hướng chăn nuôi, nương rẫy thì khó lòng thích ứng kịp.

Ông Võ Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Đức Hóa thông tin thêm: Trước đây, địa phương từng có chủ trương di dời bà con từ nơi thấp trũng bên kia sông đến nơi cao ráo. Khi ấy, đã bố trí nhiều chỗ cao, ít ngập lụt nhưng bà con không đồng ý. Họ vẫn sinh sống ven sông Gianh để tiện làm ăn, chứ chưa tính đến những chuyện sạt lở bờ sông hay ngập sâu như bây giờ.

Như vậy, với văn hóa, lối sống của cư dân sông nước đã ăn sâu vào máu thịt, người dân Kinh Trừng khó tách biệt được với sông suối. Việc bố trí quỹ đất tái định cư nên được chính quyền xét đến tiêu chí này. Mặt khác, nhiều hộ dân cũng chia sẻ rằng, họ lo lắng sạt trượt bờ sông uy hiếp tính mạng đó, nhưng giờ chuyển đổi sinh kế, sinh sống ở chỗ cao thì còn lo hơn, vì phải tái thiết lại từ đầu.

Ông Mai Trung, Mai Tân, cho biết: Lo xa từ đầu, dân chúng tôi xây nhà cách bờ trên 30m, nhưng mỗi năm sông lấn một ít, bây giờ xói lở đã sát chân nhà. Gia sản, công sức lao động nhiều năm giờ đang đánh cược với dòng nước. Chúng tôi mong chính quyền cho xây dựng tiếp tuyến kè sông Gianh đoạn qua xã Đức Hóa, đang còn dang dở để nước lũ không cuốn đất ở đi tiếp nữa.

Hậu quả mưa lũ và nguy hiểm chực chờ đã thấy rõ, giờ đây nên đi hay nên ở, giải pháp công trình kỹ thuật khả thi nào cần được áp dụng tại vị trí này, cần được nhà quản lý cân nhắc kỹ, triển khai thận trọng, vì đã vào mùa mưa bão.

Nhất Linh

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/quang-binh-mua-lu-di-qua-noi-lo-sat-lo-nha-cua-ven-song-gianh-thuong-truc.html