Quần đảo Virgin nổi giận vì người đẹp Mỹ chiếm suất dự Miss Universe

Người dân bản địa quần đảo Virgin tức giận khi những người đẹp di cư từ Mỹ tới vùng lãnh thổ này trong thời gian ngắn và chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp.

Sau khi Andrea Piecuch được thông báo trở thành người chiến thắng cuộc thi Hoa hậu quần đảo Virgin thuộc Mỹ, sự giận dữ đã bùng nổ trong cộng đồng khán giả địa phương.

"Gian lận", một khán giả thét lớn sau khi cuộc thi tổ chức trên đảo St. Croix hồi tháng 8 kết thúc. Một nhiếp ảnh gia của cuộc thi thì cho rằng kết quả này là "không thể chấp nhận được". Nguyên nhân sự tức giận của người dân địa phương là bởi Piecuch mới chuyển đến quần đảo Virgin chưa đầy 1 năm trước khi cuộc thi diễn ra.

Người dân địa phương phẫn nộ gọi Piecuch, cùng 4 thí sinh khác trong vòng chung kết, là những "người đẹp nhảy dù", nhảy từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, vùng lãnh thổ này sang vùng lãnh thổ khác để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, cho tới khi chiến thắng một giải lớn, hoặc hết thời, hết tiền, hoặc đơn giản là chán không tiếp tục tham gia nữa.

Người đẹp nhảy dù

Trước khi chiến thắng ở quần đảo Virgin, Piecuch đã tham dự cuộc thi sắc đẹp ở bang Utah. Trước đó 2 tháng, người đẹp này cũng có mặt trong cuộc thi Hoa hậu bang Virginia. Trong quá khứ, Piecuch cũng từng tham dự các cuộc thi ở Florida năm 2017 và Texas năm 2011. Người đẹp này khẳng định bản thân tuân thủ luật chơi, và hiện coi quần đảo Virgin là nhà của mình.

Vào ngày 8/12, Piecuch sẽ đại diện cho quần đảo Virgin tham dự cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới, điều càng làm sôi sục sự giận dữ của người dân bản địa.

Việc quy định về nơi ở được nới lỏng trong các cuộc thi hoa hậu ở Mỹ thời gian qua đã làm gia tăng tình trạng các thi sinh di chuyển từ bang này sang bang khác để tìm kiếm danh hiệu. Ở hầu hết cang tiểu bang, không nhiều người quan tâm tới tình trạng này, một phần bởi các cuộc thi sắc đẹp nay bị coi là lỗi thời, phân biệt chủng tộc, và người thắng cuộc không còn được trọng vọng như trong quá khứ.

Andrea Piecuch (giữa) và hai thí sinh khác lọt vào vòng chung kết. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, tại quần đảo Virgin, vương miện sắc đẹp vẫn là thứ làm người ta tự hào. Chiến thắng của Piecuch đã làm dấy lên sự tranh cãi về bản sắc và tính đại diện của quần đảo này.

"Đây là một cái tát vào mặt người dân quần đảo Virgin", Monique Faulkner, một cư dân địa phương, đồng thời là chuyên gia chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục Mỹ, cho biết.

Faulkner đã khởi động một thỉnh nguyện thư trực tuyến đề nghị cơ quan du lịch quần đảo Virgin, nhà tài trợ cho cuộc thi sắc đẹp, can thiệp vào kết quả cuộc thi và thay thế người sẽ đại diện cho quần đảo tham dự Hoa hậu hoàn vũ. Thỉnh nguyện thư của Faulkner nhận được 1.700 chữ ký. Những người khác cũng bày tỏ sự phản đối Piecuch bằng hashtag #notmymissusvi.

Các cư dân bản địa cho biết điều làm người ta tức giận nhất là việc một số thí sinh không có những hiểu biết cơ bản về quần đảo Virgin, vùng lãnh thổ gòm 3 đảo St. John, St. Croix và St. Thomas. Trong vòng phỏng vấn, ít nhất một thí sinh đã gọi quần đảo Virgin là một quốc gia, có tổng thống riêng. Tuy nhiên, Piecuch, người thắng cuộc, không phạm phải những sai sót như vậy.

Cuộc thi sắc đẹp tại quần đảo Virgin là một trong những mục tiêu ưa thích của những "người đẹp nhảy dù". Con số thí sinh tham dự cuộc thi ở đây khá nhỏ, chỉ khoảng 10 người mỗi năm, đồng thời cuộc thi không có vòng sơ khảo.

Dù không phải là một quốc gia có chủ quyền, quần đảo Virgin vẫn được ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ coi là một "quốc gia" được đề cử thí sinh đại diện, vì vậy người chiến thắng cuộc thi sắc đẹp tại đây sẽ nghiễm nhiên giành một vé trực tiếp tới cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ.

Cuộc thi tại quần đảo Virgin chưa thay đổi quy định về cư trú, theo đó thí sinh phải sinh sống tại đây tối thiểu 6 tháng trước khi cuộc thi bắt đầu để đủ điều kiện đăng ký dự thi. Tuy nhiên, cuộc thi đang chịu ảnh hưởng từ việc các bang ở đại lục nước Mỹ nới lỏng quy định về di trú, khi thời gian sống tại các bang này được giảm từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.

Nia Sanchez, người chiến thắng cuộc thi Hoa hậu nước Mỹ 2014, cho biết những người đẹp nhảy dù đang quá tham lam khi tìm kiếm tư cách cư trú tại nhiều bang cùng một lúc. Sanchez tiết lộ cô biết một thí sinh đã tham dự cuộc thi sắc đẹp tại 2 bang khác nhau trong 2 tuần liên tiếp.

Sự tức giận của người dân quần đảo

Piecuch sinh ra tại bang Virginia, tuy nhiên người đẹp cho biết gia đình cô thường xuyên di chuyển.

"Đối với tôi, rất nhiều nơi có thể coi là nhà. Hoàn cảnh của tôi rất khác so với đa số mọi người. Tôi không được lớn lên tại cùng một nơi trong suốt cuộc đời của mình", Piecuch nói.

Tuy nhiên, khi chuyển tới đảo St. Thomas đầu năm 2019, Piecuch nói đây là lần đầu tiên trong suốt 6 năm cô có ý định "ở lại trong một khoảng thời gian dài".

Piecuch khẳng định cô có lý do hoàn hảo để tham dự cuộc thi sắc đẹp nhằm đại diện cho nơi cô gọi là ngôi nhà mới của mình. Và vào ngày 8/12, Piecuch sẽ đại diện cho toàn bộ quần đảo Virgin trong cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ tổ chức ở thành phố Atlanta, Mỹ.

Tuyên bố của Piecuch làm người dân quần đảo tức giân. "Cô ấy không đại diện cho chúng tôi, hay văn hóa của chúng tôi, hay bất cứ thứ gì của quần đảo Virgin. Văn hóa, giá trị, truyền thống của chúng tôi đang phai mờ, điều này (chiến thắng của Piecuch) gửi đi thông điệp tới các cô gái bản địa là họ không thể cạnh tranh với những cô gái từ những nơi khác, và chúng tôi không muốn thông điệp như vậy được gửi đi".

Chiến thắng cuộc thi sắc đẹp là một điều được trọng vọng ở quần đảo Virgin. Ảnh: Getty.

Anu Maat Kahina, một thi sinh đến từ đảo St. Croix, nói cuộc thi là một trải nghiệm đau đớn với bản thân.

"Tôi đã trải qua một cơn trầm cảm. Không phải bởi vì tôi không chiến thắng, đó là bởi cái cách khán giả nhìn vào những cô gái trẻ. Tôi và những thí sinh bản địa đã cống hiến cho cộng đồng từ khi còn rất trẻ, và nếu người ta nhìn vào cái cách những phụ nữ này sẽ được nhìn vào sau khi họ thắng và được tôn vinh, điều này làm tôi đau tận đáy lòng", Kahina nói.

Sau cuộc thi, các thí sinh đã yêu cầu nhà tổ chức Hoa hậu hoàn vũ thế giới điều tra về tư cách cư trú của Piecuch ở quần đảo Virgin. Tuy nhiên, ban tổ chức đã kết luận Piecuch có đủ điều kiện tham dự và chiến thắng cuộc thi ở quần đảo Virgin.

Lulu Orange Tyson là người đại diện của ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ ở quần đảo Virgin, đồng thời phụ trách thu thập bằng chứng về tình trạng cư trú của các thí sinh. Tyson cho biết đã nhận được bản tuyên thệ từ tất cả các thí sinh, thậm chí một số người còn có cả kế hoạch học tập ở trường đại học ở quần đảo Virgin. Mặc dù vậy, trường đại học này khẳng định không có những cá nhân với tên gọi như vậy tại các khóa học của trường.

"Piecuch đã cung cấp một hợp đồng thuê nhà cho thấy cô ấy đã sống ở đây từ tháng 10/2018. Cô ấy sống ở quần đảo Virgin suốt năm qua", Tyson nói. Mặc dù vậy, người này từ chối đưa ra bản hợp đồng thuê nhà với lý do bảo vệ quyền riêng tư của đương sự.

Nhà tổ chức cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ cho biết họ dựa vào những người đại diện để bảo đảm quy định tại các cuộc thi được tuân thủ. "Chúng tôi trông đợi các đại diện và thí sinh sẽ hành xử chính trực", Paula Shugart, chủ tịch tổ chức Hoa hậu hoàn vũ, nói.

"Nhảy dù để tham gia các cuộc thi sắc đẹp là điều sai trái, dù không phải là bất hợp pháp, việc này vẫn sai trái", Kahina, thí sinh từ đảo St. Croix, nói.

Duy Anh
Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dan-quan-dao-virgin-noi-gian-voi-ket-qua-thi-hoa-hau-post1022741.html