Nội dung kiểm tra định kỳ môn Văn sẽ không có trong sách giáo khoa?
Bộ GD&ĐT yêu cầu tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích trong sách giáo khoa làm ngữ liệu kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn để khắc phục tình trạng học sinh học tủ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng vừa ký công văn hướng dẫn các tỉnh, thành thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025.
Tại công văn, Bộ đề nghị các Sở GD&ĐT thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) đối với tất cả các khối lớp, trong đó tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai GDPT 2018 đối với lớp 9, lớp 12 bảo đảm hoàn thành chương trình năm học và nâng cao chất lượng giáo dục trung học. Chuẩn bị tổ chức đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2020-2025.
Trong yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá, trước tiên các cơ sở giáo dục cần đánh giá đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, lưu ý một số nội dung như: Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; tăng cường thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập
Đối với môn Ngữ văn, để khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, Bộ GD&ĐT yêu cầu tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ.
Ngoài ra cần tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu chú trọng thực hiện công tác phát triển mạng lưới trường, lớp; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai chương trình GDPT 2018; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình GDPT 2018; chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên.
Thực hiện hiệu quả việc quản lý giáo dục, quản trị trường học; bảo đảm dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả trong các cơ sở giáo dục trung học; tổ chức tốt các phong trào thi đua. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền.
Triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực công tác chuyển đổi số trong dạy học và quản lý giáo dục; tập trung thực hiện chuyển đổi số trong quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh...
Công văn của Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn các Sở GD&ĐT đối với các nhiệm vụ cụ thể về thực hiện chương trình giáo dục trung học, gồm: xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học; thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá và nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng.
Về công tác tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trung học, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, bao gồm việc phát triển mạng lưới trường, lớp; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương; tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, học liệu.
Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn các Sở GD&ĐT tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục. Trong đó, chủ động rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân dân cấp tỉnh ban hành các nghị quyết quy định chính sách của địa phương đảm bảo điều kiện triển khai chương trình GDPT 2018.
Đối với công tác thi đua, khen thưởng, Bộ đề nghị các Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học thực hiện tốt việc khen thưởng, kỉ luật vì sự tiến bộ của học sinh; bảo đảm thực hiện đúng quy định, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời, tạo cảm hứng và động lực phấn đấu cho học sinh; tăng cường các biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực để rèn luyện ý thức kỉ luật, trách nhiệm của học sinh đối với bản thân, thầy, cô, bạn bè, gia đình và cộng đồng.