'Liệu chúng ta có bình thường?'
Không đơn thuần là tựa sách, 'Liệu chúng ta có bình thường?' của tác giả Sarah Chaney còn giúp bạn đọc xóa tan nỗi trăn trở về hành trình hiểu rõ ý nghĩa thực sự của những tiêu chuẩn cuộc sống được xem là 'bình thường'.
Chúng ta từng tự hỏi: khóc trước người khác, lo lắng khi đi phương tiện công cộng, đầy bụng sau khi ăn hay việc chú cún liếm lên mặt có bình thường? Những thắc mắc này cho thấy định nghĩa “bình thường” không hề đơn giản.
“Bình thường” là thước đo ở mọi thời đại
Khi tự hỏi liệu mình có "bình thường" so với người khác, chúng ta đang thừa nhận một thước đo vô hình mà xã hội đặt ra. Dựa vào tiêu chuẩn đó, con người điều chỉnh bản thân để đạt mức trung bình phù hợp với từng bối cảnh.
Trong cuốn sách Liệu chúng ta có bình thường? (NXB Trẻ phát hành), Sarah Chaney cho biết trước năm 1800, khái niệm “bình thường” không được dùng để mô tả con người mà chỉ là thuật ngữ toán học liên quan đến góc vuông hay phương trình hay công thức tính. Bởi con người không có giá trị chuẩn mực, chỉ có các phép toán và đường thẳng mới được gọi là “bình thường”.
Nhà khoa học Adolphe Quetelet (1796-1874) dựa trên phân tích thống kê để khẳng định rằng “con người bình thường” là đại diện đúng nhất về loài người. Với Quetelet, “bình thường” đồng nghĩa với sự “hoàn hảo”. Lý giải về ý tưởng trên, Quetelet tuyên bố: “Mọi phẩm chất khi được thực hiện trong giới hạn phù hợp về cơ bản là tốt. Và chỉ khi nó quá sai lệch với giá trị trung bình mới trở nên xấu”.
Khái niệm “bình thường” thay đổi theo thời gian. Ở thế kỷ XVIII, thừa cân bị coi là không bình thường nhưng nhiều người mong ước (bởi béo thể hiện sự giàu có). Ngày nay, không ai mong muốn béo phì vì là dấu hiệu của bệnh tật. Trong cả hai trường hợp, “béo” được coi là bình thường hoặc bất thường dựa vào góc nhìn ở mỗi người. Ở thời Victoria, vòng eo nhỏ là đẹp nhưng cũng gắn với bệnh tật và nghèo đói, trong khi ngày nay, thân hình ốm và săn chắc lại được xem dấu hiệu của thành công ở phụ nữ.
“Bình thường” thay đổi theo không gian và thời gian. Điều bình thường trong một nền văn hóa này có thể bất thường ở nền văn hóa khác. Tiêu chuẩn xã hội ảnh hưởng khái niệm này ở mỗi người, mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa. Nó ảnh hưởng đến giao tiếp, lựa chọn bạn bè, phong cách sống và chăm sóc sức khỏe. Đây là con dao hai lưỡi, vừa giúp chúng ta hòa hợp, vừa dẫn đến áp lực tâm lý.
Áp lực để trở nên “bình thường”
Liệu chúng ta có bình thường? giúp người đọc nhận ra rằng “người bình thường” là trung tâm của xã hội. Tiêu chuẩn này tồn tại qua cách đánh giá người khác dựa trên sự so sánh với bản thân, niềm tin về một triết lý lý tưởng, hay trải nghiệm của môi trường sống cá nhân. Dù sự khác biệt không phải lúc nào cũng bị lên án, việc vượt qua chuẩn mực bình thường đồng nghĩa đối mặt với cô đơn, kỳ vọng, thậm chí là phê phán.
Tiêu chuẩn xã hội có thể thay đổi theo thời gian và không phản ánh đúng thực tế của đa số nền văn minh. Vì sự không nhất quán này, khó ai có thể định nghĩa chính xác khái niệm “bình thường”. Theo nhà sử học Sarah Chaney, “bình thường” hình thành từ khoa học và văn hóa đại chúng.
Sự ràng buộc xã hội đôi khi khiến cá nhân đánh mất bản sắc. Khoa học thiết lập tiêu chí về sức khỏe, hành vi, hình thức; trong khi văn hóa đại chúng củng cố tiêu chuẩn “bình thường” qua phim ảnh, truyền hình, mạng xã hội. Áp lực từ bên ngoài và bên trong khiến mỗi người đặt ra kỳ vọng cao cho bản thân, dựa trên những gì họ nghe và thấy.
Với hơn 344 trang, Liệu chúng ta có bình thường? khuyến khích xã hội chấp nhận sự đa dạng và phản đối các tiêu chuẩn áp đặt ở từng thời kỳ. Cuốn sách nhắc nhở người đọc nên mở rộng nghi ngờ những định nghĩa “bình thường” từ truyền thông và văn hóa đại chúng, bởi đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể định nghĩa chính xác tiêu chuẩn “bình thường” của con người.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lieu-chung-ta-co-binh-thuong-2338549.html