Những thay đổi diễn ra ngay sau khi Liên Xô sụp đổ tròn 30 năm trước

Cách đây tròn 30 năm, một cường quốc vĩ đại tưởng chừng như tồn tại mãi mãi đã sụp đổ. Người dân Liên Xô từ chỗ cùng một quốc tịch đột nhiên trở thành công dân những nước khác nhau, chứng kiến những thay đổi diễn ra ngay sau đó.

1. Quốc kỳ

Đây là thay đổi đầu tiên trong số những thay đổi có thể nhìn thấy được, khi lá cờ đỏ của Liên Xô trên tòa nhà Thượng viện của Điện Kremlin ở Moscow bị hạ xuống và cờ ba màu của Nga được kéo lên. Việc này được tiến hành chỉ 38 phút sau khi bài phát biểu của Mikhail Gorbachev được phát trực tiếp trên Truyền hình Trung ương. Trong bài phát biểu, ông đã tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô. Tuy nhiên trên thực tế, sự thay đổi đầu tiên này khi đó vẫn không được những người dân thường nhận ra.

 Quốc kỳ Liên Xô (bìa trái) và quốc kỳ Nga (bìa phải). Ảnh: Oleg Lastochkin / Sputnik; Vladimir Rodionov / Sputnik.

Quốc kỳ Liên Xô (bìa trái) và quốc kỳ Nga (bìa phải). Ảnh: Oleg Lastochkin / Sputnik; Vladimir Rodionov / Sputnik.

Bởi lẽ, việc hạ quốc kỳ này trước đó vẫn diễn ra thường nhật, trong khi không một kênh truyền hình nào được mời tham dự sự kiện này. Tối hôm đó (ngày 25-12-1991), trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow có rất ít người, ngoài trời mưa tuyết rơi. “Tôi chỉ kịp chụp lại được vài bức ảnh, vì mọi thứ diễn ra rất nhanh. Lá cờ đỏ bị hạ xuống, rồi sau đó các nhân viên nhanh chóng kéo cờ ba màu của Nga lên. Khoảnh khắc lịch sử thay đổi quốc kỳ diễn ra trong 10 phút”, phóng viên ảnh Alexey Boytsov, một trong ít người đã chụp hình sự kiện này, nhớ lại.

2. Giá cả tại các cửa hàng

Sau khi Liên Xô sụp đổ, quy định của Nhà nước về giá cả hàng hóa cũng không còn nữa. Theo đó, Nhà nước chấm dứt việc can thiệp vào việc định giá. Chính phủ gọi việc thả nổi giá là một cuộc cải cách kinh tế cần thiết. Đầu những năm 1990, tình trạng khan hiếm hàng hóa đã lên đến mức báo động. Giới chức hy vọng rằng, cuộc cải cách sẽ chỉ điều chỉnh cung-cầu về mức bình thường.

 Bên trong cửa hàng sau khi Liên Xô sụp đổ. Ảnh: TASS.

Bên trong cửa hàng sau khi Liên Xô sụp đổ. Ảnh: TASS.

Tuy nhiên, đến cuối năm thì giá nhiều mặt hàng đã tăng lên gấp 8-11 lần và năm 1992 vẫn tiếp tục tăng. Người ta gọi cuộc cải cách này là liệu pháp sốc. Đôi khi, bảng giá trong các cửa hàng thay đổi đến vài lần trong ngày, gây ảnh hưởng đến tiền tiết kiệm của nhiều gia đình.

3. Đồ uống có cồn

Năm 1992 là lúc người dân được hoàn toàn tự do mua bán rượu. Độc quyền nhà nước về sản xuất đồ uống có cồn bị hủy bỏ, trong khi việc nhập khẩu trở nên thuận lợi hơn. Thương hiệu nổi bật nhất lúc đó là rượu Royal của Đức. Một lít rượu này có giá đắt hơn rượu vodka Nga 25% nhưng lại bị pha loãng, nên rượu tự nấu xuất hiện rất nhiều.

 Người dân được tự do mua bán rượu sau khi Liên Xô sụp đổ. Ảnh: Stanislav Shaklein / Sputnik.

Người dân được tự do mua bán rượu sau khi Liên Xô sụp đổ. Ảnh: Stanislav Shaklein / Sputnik.

Nhãn hiệu Royal ngay lập tức trở nên phổ biến rộng rãi do quảng cáo hấp dẫn, mức giá rẻ và sẵn có. Rượu này được bày bán ở khắp các quầy hàng và cuối cùng trở thành một trong những biểu tượng của thập niên 1990. Nam diễn viên Yury Stoyanov kể lại: “Đến nay tôi vẫn còn nhớ Royal được quảng cáo nhiều vô kể với tần suất dày đặc. Tôi cũng nhớ phản ứng nghi ngờ của cảnh sát giao thông trước mùi quái dị bốc ra từ ô tô vào mùa đông, vì khi đó chúng tôi có đổ loại rượu pha loãng này vào bình đựng nước rửa kính xe”.

Đúng như vậy, cùng với sự phổ biến của rượu nhập khẩu, tỷ lệ tử vong do ngộ độc rượu cũng tăng lên (năm 1994 con số này cao gấp 4 lần). Thời điểm đó, tỷ lệ rượu ngoại bị làm giả lên tới 67%.

4. Họa tiết chương trình thời sự “Vremya”

“Vremya” là chương trình truyền hình chính và lâu đời nhất với những tin tức về các sự kiện diễn ra trong nước và quốc tế. Chương trình này bắt đầu vào lúc 9 giờ tối trên kênh 1 của Đài truyền hình Trung ương, trong khi việc xem nó đã trở thành truyền thống đối với người dân Liên Xô.

 Họa tiết chương trình thời sự “Vremya”. Ảnh: YouTube Mr Eeg.

Họa tiết chương trình thời sự “Vremya”. Ảnh: YouTube Mr Eeg.

Dưới nền nhạc sôi động của nhạc sĩ Georgy Sviridov, họa tiết chương trình mô tả một quả địa cầu đang quay với phần lớn là màu đỏ biểu tượng của Liên Xô. Vài giây sau khi bắt đầu hiển thị họa tiết trên màn hình, xuất hiện ngôi sao màu đỏ giống như những ngôi sao trên các tòa tháp của Điện Kremlin.

Tuy nhiên, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô là sự thay đổi họa tiết của chương trình thời sự này. Lúc đầu, nó được thay thế bằng một họa tiết mang tính trung lập về mặt chính trị, với hình ảnh là các danh lam thắng cảnh của nước Nga. Không lâu sau, chương trình “Vremya” tiếp tục được thay đổi hoàn toàn bằng cảnh quay trong phòng tin tức của một hãng truyền hình.

5. Quốc tịch mới, nhưng hộ chiếu vẫn giữ nguyên

Hàng triệu người đã đổi quốc tịch chỉ sau một đêm. Theo luật mới, mọi công dân Liên Xô cũ hiện đang sinh sống trên lãnh thổ của quốc gia mới thành lập đều được công nhận là công dân của quốc gia đó. Trong khi đó, hộ chiếu Liên Xô của họ vẫn không thay đổi cho đến đầu những năm 2000. Sự khác biệt duy nhất là công dân Nga thì được đóng dấu vào hộ chiếu Liên Xô. Tất cả điều kiện còn lại vẫn tiếp tục giống nhau thêm 10 năm nữa, chẳng hạn như, mọi người có thể đăng ký kết hôn, sinh con, tìm việc làm…

 Hộ chiếu Liên Xô (bìa trái) và hộ chiếu Nga (bìa phải). Ảnh: Maticulous; Noble.

Hộ chiếu Liên Xô (bìa trái) và hộ chiếu Nga (bìa phải). Ảnh: Maticulous; Noble.

6. Chất lượng hàng hóa của Liên Xô

Thời hạn sử dụng lâu dài của hàng hóa Liên Xô được bảo đảm bằng ký tự đặc biệt, đó là hình chữ K xoay ngược (chữ K viết tắt trong tiếng Nga của từ “chất lượng”). Thời hạn này chỉ được ghi đối với những hàng hóa đã được một ủy ban đặc biệt phê duyệt. Ủy ban này chịu trách nhiệm kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất và cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn.

Chất lượng hàng hóa Liên Xô được bảo đảm bằng ký tự đặc biệt với hình chữ K xoay ngược. Ảnh: Kikvadze Givi, Crimean Felix / TASS.

Chất lượng hàng hóa Liên Xô được bảo đảm bằng ký tự đặc biệt với hình chữ K xoay ngược. Ảnh: Kikvadze Givi, Crimean Felix / TASS.

Chính ký tự này đảm bảo hàng hóa có chất lượng rất tốt, nhưng sau năm 1991 thì không còn nữa. Do vậy, trên thị trường từ đó tràn ngập hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ với tỷ lệ hỏng hóc cao. Những người hoài niệm về Liên Xô đến nay vẫn nhớ rằng, thời đó rẻ không phải lúc nào cũng có nghĩa là kém chất lượng và thiếu tin cậy. Chẳng hạn, những bộ đồ ăn và tủ của Liên Xô vẫn được sử dụng tốt trong nhiều gia đình ở Nga, chúng bị loại bỏ không phải do hỏng hóc mà vì người ta muốn thay đồ mới.

7. Tiềntệ

Đồng tiền của Liên Xô không còn được đưa vào lưu thông, thay vào đó là đồng rúp của Nga. Người dân khi đó chỉ có 2 tuần để đi đổi tiền và chỉ được phép đổi 30.000 rúp (sau đó thời hạn được kéo dài đến cuối năm, trong khi hạn mức được nâng lên 100.000 rúp). Mọi thứ diễn ra rất phức tạp, bởi chỉ được đổi sang tiền mới theo hộ chiếu và chỉ được đổi một lần duy nhất tại nơi đăng ký cư trú.

Người dân Liên Xô cũ đi đổi tiền. Ảnh: Malyshev Nikolay / TASS

Người dân Liên Xô cũ đi đổi tiền. Ảnh: Malyshev Nikolay / TASS

Do vậy, sự hoảng loạn thực sự đã bắt đầu. Mọi người đứng xếp hàng nhiều ngày trời, tìm người quen không có gì đổi để nhờ đổi tiền giúp. Tuy nhiên, không phải ai cũng đổi được, do nhiều người đã chi tiêu hết tiền tiết kiệm.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Viktor Gerashchenko về sau cho biết: “Rõ ràng là cuộc cải cách đã gây ra những bất tiện nhất định cho người dân. Sau khi chắc chắn không thể duy trì khu vực sử dụng đồng rúp thống nhất, thì nhiệm vụ chính là phải nhanh chóng loại ra khỏi nền kinh tế khối lượng đồng rúp khổng lồ của Liên Xô, vốn khi đó vẫn đang được lưu hành ở các nước SNG. Trước đó, đồng rúp tự do lưu thông trên thị trường nội địa, gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá hàng hóa”.

8. TêntuổicủaLênin

Tên tuổi của lãnh tụ Lênin trong đời sống của mỗi người dân Xô viết là không thể lay chuyển trong suốt gần 7 thập kỷ kể từ khi Người qua đời cho đến khi Liên Xô sụp đổ. Những quảng trường trung tâm ở tất cả các thành phố Liên Xô (trừ một số ít ngoại lệ) đều mang tên Lênin. Nhiều rạp chiếu phim, trường phổ thông, sân vận động, trường đại học, ga xe lửa, thành phố và nông trang tập thể cũng được đặt theo tên Người.

Một băng rôn với dòng chữ “Tên tuổi Lênin là mãi mãi” trên quảng trường mang tên Người ở thành phố Khabarovsk, Liên Xô năm 1975. Nguồn: Twitter.

Một băng rôn với dòng chữ “Tên tuổi Lênin là mãi mãi” trên quảng trường mang tên Người ở thành phố Khabarovsk, Liên Xô năm 1975. Nguồn: Twitter.

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ thì mọi thứ bắt đầu thay đổi đáng kể. Tên tuổi của Lênin đang nhanh chóng không còn được nhắc đến trong các đầu sách, bài báo và luận án. Các chương trình giáo dục phổ thông và đại học cũng có sự thay đổi.

9. Dịch vụ cho thuê băng hình

Số lượng phim nước ngoài mà người dân thời Liên Xô có thể xem rất hạn chế, nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể sau năm 1991. Mọi người bắt đầu sở hữu máy ghi hình, trong khi điện ảnh phương Tây mở ra trước mắt họ thế giới mới với những hình ảnh được ghi vào băng VHS. Dịch vụ cho thuê băng hình xuất hiện với các bản sao lậu, không giấy phép.

 Dịch vụ cho thuê băng hình xuất hiện sau khi Liên Xô sụp đổ. Ảnh: Legion Media.

Dịch vụ cho thuê băng hình xuất hiện sau khi Liên Xô sụp đổ. Ảnh: Legion Media.

Khi đó điểm cho thuê băng hình là một góc nhỏ trong cửa hàng bách hóa hay tiệm làm tóc nào đó, còn danh sách các bộ phim được ghi trong một cuốn sổ. Người thuê phải trả một khoản tiền đặt cọc bằng giá trị cuốn băng video và trả tiền thuê, trong khi người cho thuê ghi lại thông tin và ngày trả. Những ai không trả đúng hạn sẽ chịu một khoản tiền phạt.

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/nhung-thay-doi-dien-ra-ngay-sau-khi-lien-xo-sup-do-tron-30-nam-truoc-681522