Những người nên tránh xa đồ uống có đường
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây nhiều bệnh lý nguy hiểm. Người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư… không nên dùng.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho hay hiện nay, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5 g đường tự do mỗi ngày, cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ khuyến cáo của WHO (25 g/ngày). Qua điều tra về mức sống của hộ gia đình Việt Nam, 62,86 % số hộ gia đình có tiêu dùng nước uống có đường.
“Con số trên cho thấy mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng trong những thập kỷ qua, đặc biệt ở giới trẻ. Đây là tình trạng đáng báo động, gây ra nhiều tác hại lâu dài cho sức khỏe”, TS Trương Hồng Sơn nói.
Người không nên dùng đồ uống có đường
Theo Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây nhiều bệnh lý nguy hiểm. Ông khuyến cáo những trường hợp dưới đây không nên nạp thêm loại đồ uống này hàng ngày:
Người mắc bệnh lý tiểu đường type 2, mỡ máu, mỡ nội tạng, béo phì, gan nhiễm mỡ: Đồ uống có đường có thể góp phần tăng cân và tăng mỡ cơ thể. Ngoài ra, việc tiêu thụ nhiều đường kéo dài làm tăng sức đề kháng với insulin. Kháng insulin làm cho lượng đường trong máu tăng lên, làm trầm trọng thêm bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ và tiểu đường type 2.
Người mắc bệnh tim mạch: Tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, huyết áp cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch. Nghiêm trọng hơn, ăn quá nhiều đường còn có thể dẫn đến đột quỵ.
Người bị mụn trứng cá: Trong nước ngọt chứa nhiều đường bổ sung, có thể gây tăng đột biến lượng đường trong máu (insulin), dẫn đến tăng tiết androgen, sản xuất dầu và viêm. Điều này làm tăng sự phát triển và làm trầm trọng thêm tình trạng của mụn trứng cá.
Người mắc ung thư: Ăn quá nhiều đường dẫn đến béo phì, tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây kháng insulin, làm giảm tác dụng điều trị ung thư và khiến bệnh nặng hơn.
Người bị trầm cảm: Tiêu thụ nhiều đường có liên quan suy giảm nhận thức, các vấn đề về cảm xúc như lo lắng và trầm cảm, gây hại đến sức khỏe tinh thần.
Trẻ em: Trẻ em khi tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung có thể dẫn đến các bệnh lý béo phì, sâu răng…
Phụ nữ mang thai: Tiêu thụ nhiều đường có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đối với bà bầu và thai nhi như tăng huyết áp, tiền sản giật, sảy thai, nhiễm khuẩn tiết niệu, đẻ non, thai to, em bé chậm phát triển, dị tật sơ sinh…
Cách giảm “nghiện” đồ uống có đường
WHO khuyến cáo lượng đường tự do (bao gồm các loại đường đôi, đường đơn được bổ sung vào thực phẩm và đồ uống hoặc đường tự nhiên có trong mật ong, sirô, nước ép trái cây, nước trái cây cô đặc…) trong chế độ ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10%. Người dân nên giảm xuống 5% năng lượng trong một ngày (tương đương khoảng 25 g đường tự do hoặc khoảng 6 muỗng cà phê) để có lợi cho sức khỏe.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ cũng khuyến cáo đối với phụ nữ, một ngày không nên tiêu thụ quá 5 thìa cà phê (khoảng 24 g) đường bổ sung, còn nam giới không nên tiêu thụ quá 7 thìa cà phê (khoảng 36 g) để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo TS Trương Hồng Sơn, việc bỏ thói quen uống nước ngọt là không hề dễ dàng. Cách tốt nhất để “cai” đồ uống đường là giảm uống từ từ, không nên cắt giảm hoàn toàn ngay trong một sớm một chiều. Đầu tiên, bạn hãy giảm xuống còn một cốc/ ngày. Sau hai tuần, bạn giảm xuống còn 3 cốc/ tuần. Tránh sự thay đổi đột ngột, cơ thể sẽ rất khó thích nghi và gây ra nhiều phản ứng không mong muốn.
Người dân nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay vì đồ uống có đường. Ngoài ra, bạn nên ưu tiên những đồ uống từ sữa ít béo hoặc không béo, không đường hoặc ít đường. Nếu sử dụng nước ép trái cây, người dân nên chọn những trái cây ít ngọt và không nên bổ sung thêm đường và muối vào đồ uống đó.