Nhìn từ huy chương đồng Bóng đá nam SEA Games 32: Giá trị tham khảo cho HLV Troussier

Tấm HCĐ của U22 Việt Nam tại SEA Games 32 là giá trị tham khảo cho những người làm bóng đá Việt Nam và HLV Troussier

Chỉ giành HCĐ trong một giải đấu chính thức như SEA Games 32, rõ ràng thầy trò HLV Troussier chưa làm thỏa mãn người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, về chiếc lược phát triển, đây sẽ là những bài học đầy giá trị cho HLV người Pháp trong các giải đấu chính thức tiếp theo của các đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Nhận diện bóng đá Việt Nam

Nhiều người nói rằng HLV Troussier không lạ gì bóng đá Việt Nam. Điều này là đúng, khi ông từng làm Giám đốc kỹ thuật PVF cách đây vài năm; đội U22 Việt Nam có nhiều học trò của ông tại đội tuyển U17, U19 Việt Nam thời điểm ấy. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, chưa thể là điều kiện đủ để rành mạch tất cả năng lực của từng người, khi môi trường bóng đá chuyên nghiệp có nhiều yếu tố quyết định đến tài năng của cầu thủ.

Tại Doha Cup 2023, U22 Việt Nam trình diễn một bức tranh không sắc màu về lối chơi và khiến nhiều người thất vọng. Tại SEA Games 32, U22 Việt Nam có sự tiến bộ nhất định, nhưng nhìn tổng thể, các cầu thủ chưa đáp ứng được đòi hỏi về lối chơi kiểm soát bóng và tấn công trực diện đối thủ. Chiếc HCĐ tại SEA Games 32 cơ bản đã phản ánh đúng hình hài đội tuyển U22 Việt Nam: Có sự tiến bộ nhưng chưa hoàn chỉnh. Điều này đặt ra bài toán cho HLV Troussier, tìm giải pháp tối ưu để giúp bóng đá Việt Nam thành công trong thời gian tới.

Đối với một HLV có kinh nghiệm và từng làm việc tại môi trường World Cup như Troussier, không ai dám nghi ngờ năng lực của HLV người Pháp, nhưng phản biện về sự phù hợp và tính hiệu quả là điều có thể làm.

So với người tiền nhiệm Park Hang Seo, HLV Troussier không may mắn khi lứa U22 hiện nay không quá nổi bật. Thực tế cho thấy khi áp dụng lối đá kiểm soát bóng, các cầu thủ phải sở hữu nền tảng kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật tốt. Tại U22 Việt Nam, có thể thấy HLV Troussier đang thiếu một đầu tàu, một thủ lĩnh đích thực ở khu vực giữa sân. Trên hàng công, Văn Tùng dù liên tục lập công tại SEA Games 32, nhưng đóng góp chung cho lối chơi của toàn đội là điều anh chưa thể làm được.

Ở hàng thủ, có vẻ như HLV Troussier chưa quan tâm lắm trong việc điều chỉnh, khi U22 Việt Nam hầu như trận nào cũng bị thủng lưới tại SEA Games 32. Những hạn chế đã lộ rõ, vấn đề còn lại là HLV Troussier sẽ tìm ra cách để khắc phục. “Lứa cầu thủ này sẽ cùng tôi chinh phục Vòng loại U23 châu Á trong thời gian tới. Tôi tin rằng các em đã có được kinh nghiệm và bài học bổ ích. Chỉ cần có sự điều chỉnh hiệu quả, tôi tin đây vẫn là lứa cầu thủ triển vọng của bóng đá Việt Nam.

Chung tay để bóng đá Việt Nam phát triển

HLV Troussier là thuyền trưởng các đội tuyển bóng đá Việt Nam. Những sự kỳ vọng, chờ đợi đổ dồn về HLV người Pháp. Tuy nhiên, cần phải nói rằng, HLV Troussier dù có tài giỏi đến mấy, nhưng trong tay ông không có cầu thủ tốt, đội tuyển bóng đá Việt Nam vẫn không thể hoàn thành mục tiêu cao nhất tại các giải đấu sắp tới.

Những tính toán về chuyên môn cho thấy rằng, U22 Việt Nam tại SEA Games càng thi đấu càng hay hơn. Ngoài đấu pháp chiến thuật hợp lý, mỗi cầu thủ đều tích lũy kinh nghiệm theo từng trận đấu, từ đó họ biết làm thế nào để phát huy tốt nhất khả năng sẵn có. Điều này là hoàn toàn trái ngược tại V-League, khi hầu hết các cầu thủ U22 chủ yếu đóng vai trò dự bị, một số thi đấu ở giải hạng nhất và thậm chí là hạng nhì như cầu thủ Minh Trọng.

Thời gian thi đấu cho các cầu thủ trẻ là câu chuyện không mới với bóng đá Việt Nam, nhưng thời điểm này vẫn chưa có lời giải. Indonesia đoạt HCV SEA Games 32 với lứa cầu thủ mà họ tạo điều kiện tối đa thi đấu giải vô địch quốc gia, thậm chí đưa đi nước ngoài cọ xát. Có thể thấy, bóng đá muốn phát triển phải tuân thủ nguyên tắc kim tự tháp. Những cầu thủ xuất sắc nhất sẽ đá ở những giải đấu cấp cao nhất. Các cầu thủ trẻ sẽ được cho mượn ở giải đấu cấp thấp hơn để có cơ hội ra sân thi đấu.

Với mô hình kim tự tháp, các giải đấu càng thấp thì lại càng có nhiều đội bóng. Điều này nhằm tạo điều kiện tối đa cho các cầu thủ ra sân. Trong khi đó tại Việt Nam, giải hạng nhất còn có ít đội hơn V-League, còn giải hạng nhì và giải hạng ba có cùng 14 đội như V-League 1. Do vậy, các cầu thủ trẻ được đem cho mượn cũng chưa chắc có nhiều cơ hội ra sân thi đấu.

Để có một nền bóng đá mạnh, việc đào tạo trẻ rất quan trọng. Đây là điều cơ bản, mấu chốt để một nền bóng đá phát triển bền vững. Hiểu điều này để hiểu được một cách tổng quan về năng lực chiến lược mà VFF đã giao cho HLV Troussier.

NGÔ NHẬT

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/88/298684/nhin-tu-huy-chuong-dong-bong-da-nam-sea-games-32--gia-tri-tham-khao-cho-hlv-troussier.html