Nhiều người từ chối công việc không được nghỉ thứ 7

Công ty Minh Huyền làm việc 9 tiếng/ngày để nghỉ thứ 7, chủ nhật. Việc được thư giãn cuối tuần giúp cô nạp lại năng lượng, có thời gian cho bản thân.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 2017, Minh Huyền (26 tuổi), hiện làm nhân viên chứng từ tại công ty sản xuất nội thất ở TP.HCM, tìm được công việc trong doanh nghiệp tại Đồng Nai. Xác định đi làm tích lũy kinh nghiệm, cô chăm chỉ và không ngại di chuyển xa.

Giờ làm việc của cô là 7h30-16h30, thứ 2 đến thứ 7.

Với lượng công việc khá lớn, Huyền học hỏi được nhiều điều. Nhưng cùng lúc, cô mệt mỏi vì phải làm việc 6 ngày/tuần.

“Tôi thường trở về nhà lúc 18h30, ăn uống, vệ sinh cá nhân và giải trí đến 21h là đi ngủ để hôm sau dậy sớm đi làm. Nghỉ một ngày chủ nhật không đủ để tôi phục hồi năng lượng. Tôi hầu như không có thời gian hẹn bạn bè hay về quê thăm nhà”, cô kể.

Sau một năm làm việc, Huyền thấy cạn kiệt năng lượng.

Từ người năng động và thích khám phá, cô không còn chăm sóc bản thân, mất kết nối với mọi người vì dành quá nhiều thời gian cho công việc.

Nghỉ việc là quyết định khó tránh khỏi.

Tương tự Huyền, nhiều bạn trẻ chọn rời bỏ công việc yêu cầu làm thứ 7 hoặc từ chối ngay từ khi đi ứng tuyển. Kiệt sức, quá tải là lý do lớn nhất.

Nhu cầu nghỉ ngơi

Được bạn giới thiệu vào công ty nước ngoài, Huyền thấy công việc khá phù hợp với bản thân vì được nghỉ cuối tuần. Bù lại, mỗi ngày, cô làm thêm một tiếng, từ 8h đến 18h.

Ban đầu chưa quen, Huyền cảm thấy có phần đuối sức. Nhưng với cô, việc được nghỉ thứ 7, chủ nhật là rất xứng đáng.

“Tôi có thể tranh thủ về thăm gia đình hoặc có chuyến đi chơi ngắn. Nếu ở lại TP.HCM, tôi chỉ sinh hoạt đơn giản, hẹn bạn bè cà phê, ăn uống, mua sắm cũng cảm thấy rất thoải mái”, cô nói.

Khi đi tìm việc, ngoài tiêu chí văn hóa doanh nghiệp và chuyên môn phù hợp với năng lực, Huyền yêu cầu được nghỉ 2 ngày hoặc 1,5 ngày cuối tuần.

Theo cô, dù làm bao nhiêu ngày/tuần, điều quan trọng là hoàn thành tốt công việc. Vào ngày nghỉ, cô vẫn theo dõi, kiểm tra email và xử lý công việc, nhưng chỉ khi bất khả kháng.

Với nhiều người lao động, làm việc hơn 5 ngày/tuần khiến tinh thần uể oải, năng suất thấp. Ảnh: Anna Tarazevich/Pexels.

Từng trải qua công việc chỉ làm hết thứ 6 hoặc thêm buổi sáng/cả ngày thứ 7, Nguyễn Linh, hiện làm HR freelance (nhân sự tự do) tại Hà Nội, nhận thấy làm việc cuối tuần không phù hợp với bản thân.

Nguyên nhân là hiệu quả công việc thấp, không đủ thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, gia đình và các mối quan hệ xung quanh.

Theo Linh, công việc yêu cầu làm thứ 7 gây khó chịu, ảnh hưởng khá nhiều tới sức khỏe, tinh thần cũng như năng suất làm việc của người lao động. Họ có thể cảm thấy mệt mỏi vì vòng lặp công việc dường như không bao giờ kết thúc.

Ở vị trí HR, Linh từng gặp tới 80% trường hợp ứng viên từ chối công việc yêu cầu làm thứ 7. Dù địa điểm làm việc là yếu tố đầu tiên khiến những người này quan tâm, đôi khi, họ chấp nhận đi làm xa hơn một chút để chỉ phải làm hết thứ 6.

Khi đi xin việc, bản thân Linh cũng chọn không ứng tuyển công việc phải đi làm thứ 7. Anh cũng thường không nhận đăng tuyển công việc làm hơn 5 ngày/tuần, trừ trường hợp chế độ đãi ngộ rất tốt.

Nguyễn Linh không quan tâm và từ chối ứng tuyển công việc phải đi làm thứ 7.

Linh cho rằng nhiều người trẻ thiên về chủ nghĩa cá nhân và có tư duy về công việc phát triển hơn.

Với công việc mới, họ luôn đề cao sự năng động, thoải mái và không thích sự gò bó.

Theo Linh, xu hướng này khá phù hợp trong tương lai, nhất là đối với Gen Z (sinh năm 1997-2012).

“Hiện tại, các công ty dần không còn quan tâm quá nhiều tới quy trình làm việc, trừ những doanh nghiệp và vị trí đặc thù. Thay vào đó, họ quản lý kết quả, bám sát KPI. Vì vậy, người lao động có thể thoải mái làm việc theo cách riêng, miễn sao đảm bảo được hiệu suất công việc”, anh nói.

Chấp nhận nếu phù hợp

Phương Anh (22 tuổi), nhân viên phân tích kinh tế tại Hà Nội, làm việc 8 tiếng/ngày. Vì đặc thù công việc, cô phải tăng ca vào tuần đầu mỗi tháng và thỉnh thoảng làm thêm giờ.

Phương Anh không thích đi làm thứ 7, nhưng thấy đó là điều cần thiết với công ty.

“Đây thường là lúc mọi người tổng kết lại hoạt động trong tuần. Việc này khá khó thực hiện vào thứ 6 vì mỗi ngày sẽ có công việc riêng. Công ty cũng hiểu tâm lý nhân viên nên thứ 7 có thể làm online và không ảnh hưởng nhiều đến công việc. Tôi thấy không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm tới người lao động như vậy. Do đó, dù không thích, tôi vẫn khá vui vẻ khi làm thứ 7”, cô giải thích.

Vì không có nhu cầu tham gia nhiều hoạt động, Phương Anh thấy 1,5 ngày đủ để nghỉ ngơi, xả stress. Tuy nhiên, có những tuần nhiều việc, cô gái sinh năm 2000 dễ cáu gắt vì không kịp phục hồi năng lượng.

Với Phương Anh, ít nhất 1,5 ngày nghỉ/tuần sẽ giúp người lao động có đủ thời gian nghỉ ngơi.

Khi đi ứng tuyển, Phương Anh không lập tức từ chối nếu biết công việc phải làm thứ 7. Cô sẽ hỏi thêm HR thông tin để cân nhắc điều đó có cần thiết và hợp lý hay không.

Như ở công ty hiện tại, khi đọc JD (bản mô tả công việc), Phương Anh không thấy ghi rõ thời gian làm việc. Đến lúc đi phỏng vấn, cô mới biết phải làm cả thứ 7. Sau khi hỏi kỹ hơn về công việc từng ngày, cô mới đồng ý khi thấy phù hợp.

“Việc đi làm bao nhiêu ngày/tuần sẽ do doanh nghiệp quyết định dựa trên năng lực của nhân viên và tình hình chung của công ty. Số ngày nghỉ là và đi làm hợp lý để giải quyết công việc tốt nhất là được. Bởi nhiều khi, có những việc cần phải xử lý ngay, mà nghỉ quá lâu sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công việc”, cô bày tỏ.

Sử dụng thời gian thông minh

Trao đổi với Zing, bà Đinh Hồng Duyên, chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp, tác giả cuốn sách Quản trị nhân sự thời Gen Z, cho biết với các đơn vị sản xuất hay làm dịch vụ, việc không đi làm thứ 7 khá khó.

Bên cạnh đó, nghỉ thứ 7 mà yêu cầu nhân viên đi làm, quỹ lương sẽ đội lên tương đối.

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rõ: “Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm: 1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau: a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; b) Vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.

Theo bà Duyên, nhiều công ty vẫn sử dụng linh hoạt tuần 44 tiếng làm việc, tối đa không quá 10 tiếng/ngày. Họ sẽ chia 44 tiếng cho 5 ngày trong tuần, thứ 7 được coi là ngày nghỉ bù. Tuy nhiên, mức chi trả khi yêu cầu nhân viên đi làm vào thứ 7 nghỉ bù này cũng phải ít nhất bằng 150%.

“Nói như vậy để thấy rằng việc đi làm thứ 7 là quyền lợi của người sử dụng lao động vì theo đúng luật, họ được quyền sử dụng người lao động không quá 48 tiếng/tuần, tương đương 6 ngày/tuần, với thời gian làm việc 8 tiếng/ngày”, bà nói.

Tuy nhiên, đó là luật, còn thị trường lao động vận hành khác.

Theo bà Đinh Hồng Duyên, việc nghỉ thứ 7 có nhiều lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động.

Nhiều người lao động đi làm, đặc biệt là các cá nhân thuộc Gen Y (sinh năm 1981-1996), Gen Z, Alpha (từ 2012 trở đi) và nhân sự ngành công nghệ, viễn thông, coi việc nghỉ thứ 7 là một trong những yêu cầu đứng thứ 3-4 khi lựa chọn công việc. Thậm chí, dân công nghệ sẽ luôn đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng rằng: “Có phải đi làm thứ 7 và chủ nhật không?”.

Bà Duyên nhận định việc nghỉ thứ 7 có nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động nếu xét cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt với công ty có KPI rõ ràng.

Với công ty:

Không phải chi trả các chi phí điện nước, cơm trưa, khấu hao máy móc,...
Nhân viên làm việc hiệu suất cao hơn vào các ngày trong tuần, thậm chí sẵn sàng tăng ca một cách tự nhiên để hoàn thành công việc.
Nhân viên vui vẻ, hạnh phúc, gắn bó hơn và cũng dễ dàng tuyển dụng nhân sự hơn.
Gia tăng tình gắn kết cho anh em nếu như có thể tổ chức các buổi giao lưu cuối tuần.

Với nhân viên:

Tái tạo năng lượng.
Cân bằng cuộc sống.
Có thể giảm được chi phí nếu dành cả ngày để ngủ và ăn uống đơn giản.
Có thêm thời gian phát triển bản thân.

Bà Duyên khuyến cáo những người đang đi làm thứ 7 không nên lãng phí ngày này. Họ nên thử nghiệm việc:

Lên kế hoạch cả tuần và kế hoạch cụ thể cho thứ 7, biến nó thành ngày để sắp xếp và bố trí lại công việc cho tuần tiếp theo một cách thật khoa học.
Sắp xếp công việc để dành khoảng thời gian cho sự phát triển bản thân phục vụ cho chính công việc: tham gia hội thảo, tọa đàm hay webinar online, tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận hay giao lưu về kiến thức, dự án,...
Gặp gỡ khách hàng bên ngoài công ty, hưởng thụ không khí và những buổi trò chuyện chất lượng.

“Nếu thứ 7 bạn vẫn đang bù đầu giải quyết công việc, hãy cố gắng dành cho mình những khoảng thời gian nhỏ để thư giãn, tĩnh lại giữa các giờ làm việc. Đơn giản là uống một tách trà và nhìn ra không gian bên ngoài hay bước hẳn ra khỏi bàn, phòng làm việc để đến không gian rộng hơn”, bà khuyên.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-nguoi-tu-choi-cong-viec-khong-duoc-nghi-thu-7-post1382821.html