Nhiều cơ hội tăng tốc xuất khẩu gạo
Ngành lúa gạo ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia còn có vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và thế giới. Năm 2023, dự kiến Việt Nam xuất khẩu 8 triệu tấn gạo - lập kỷ lục trong vòng 15 năm trở lại đây. Cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam còn kéo dài trong năm 2024.
Cung thấp hơn cầu có thể khiến các nước tăng nhập khẩu gạo
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% (so với cùng kỳ năm 2022), ước đến cuối năm 2023 đạt 5 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội.
Theo ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, hiện nay giá lúa đang giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định, thậm chí là lớn nhất trong tất cả các ngành kinh tế hiện nay. Bỏ ra 1.000 USD để đầu tư trên một ha thời điểm này doanh thu đang từ 3.000 - 3.500 USD. Từ đó có thể khẳng định ở quy mô lớn, sản xuất lúa hoàn toàn có lời.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), cũng cho biết, thị trường lúa gạo số 1 của Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu; tiếp theo là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa gửi thông báo mời thầu cung cấp gạo với số lượng lên đến 543.000 tấn gạo trắng hạt dài 5% tấm. Nguồn cung kỳ vọng là Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Campuchia. Hạn chót nhận hàng vào ngày 30/1/2024. Như vậy, thời gian tới, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn. Tuy nhiên, mức tiêu thụ dự báo vượt mức sản xuất, có thể ở mức 525 triệu tấn.
Điều này cho thấy, cung thấp hơn cầu có thể khiến các nước tăng nhập khẩu gạo để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực của mỗi quốc gia. Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu nhập khẩu của các nước đều tăng. Do vậy xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ tiếp tục khả quan nếu Ấn Độ vẫn hạn chế xuất khẩu.
Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao
Mặc dù xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam dự báo khả quan nhưng nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh cao, nguồn cung không ổn định, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu.
Thách thức mới đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần có sự thích ứng để nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chi phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.
Do đó các chuyên gia khuyến nghị lúa gạo Việt Nam tiếp tục cơ cấu, đẩy mạnh liên kết, rà soát các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, đánh giá, dự báo dài hạn nhu cầu, thị hiếu cũng như ưu tiên xúc tiến thương mại, kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu.
Đặc biệt, về phía cơ quan nhà nước, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp cam kết tham gia Đề án 1 triệu ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long
Theo Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiêu chí lựa chọn vùng tham gia là doanh nghiệp phải có liên kết với hợp tác xã hoặc tổ chức nông dân ít nhất về bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cam kết tham gia đề án và có năng lực để tổ chức, giám sát quá trình sản xuất lúa gạo ở vùng liên kết.