Nhà thầu cao tốc qua Quảng Ngãi mệt mỏi vì thiếu đất đắp

Sau 17 tháng triển khai, mỏ đất phục vụ cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vẫn chưa thể khai thác theo cơ chế đặc thù.

Cao tốc vẫn chờ đất đắp

Thi công gói thầu đầu tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, ngay từ đầu nhà thầu Dacinco tập trung phối hợp các đơn vị chức năng để đẩy nhanh các bước mở mỏ đất Truông Ổi (xã Nghĩa Kỳ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi)

Tuy nhiên, nhiều tháng qua, mỏ đất có diện tích khoảng 23ha nằm với trữ lượng gần 1 triệu m3 vẫn chưa thể khai thác. Nguyên nhân là do các bên không thể hoàn thành thỏa thuận công tác bồi thường, hỗ trợ cây cối hoa màu trên đất để ra mỏ khai thác trên thực địa.

Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang trong giai đoạn thi công cao điểm, song nguồn đất đắp chưa đảm bảo phần nào tác động đến tiến độ chung của dự án.

Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang trong giai đoạn thi công cao điểm, song nguồn đất đắp chưa đảm bảo phần nào tác động đến tiến độ chung của dự án.

Đại diện nhà thầu Dacinco cho biết, đến nay mới thỏa thuận bồi thường được 7/23ha. Nhưng vị trí này nằm sâu bên trong, trong khi phần diện tích bên ngoài cửa mỏ trên dưới 16ha chưa thể thỏa thuận được giá bồi thường do chủ đất đòi hỏi giá quá cao.

"Giá dự toán mỗi ha nhỉnh hơn 400 triệu đồng, nhưng chủ đất hô gấp 3-4 lần (1-1,3 tỷ đồng/ha). Giá này không đảm bảo thực tế, cơ sở pháp lý để thanh quyết toán, làm phát sinh chi phí hơn chục tỷ đồng để mỏ đi vào khai thác. Trong khi đó, cùng gói thầu, nhưng các mỏ khác chủ đất yêu cầu mức giá hợp lý hơn", vị này cho hay.

Tìm hiểu của PV, cùng gói thầu với nhà thầu Dacinco, nhưng nhà thầu thực hiện mỏ đất Mễ Sơn lại có mức giá bồi thường trên dưới 400 triệu đồng/ha; mỏ Núi Cấm Ông Thi mức giá chỉ 250 triệu/ha; mỏ Núi Thị cao nhất là 720 triệu/ha…

"Thời gian qua để có đất thi công, công ty phải mua đất mỏ Mễ Sơn cách xa hơn 10km và mua những mỏ đất thương mại khác. Để tháo gỡ vướng mắc này, mong tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT, UBND huyện Tư Nghĩa có hướng dẫn chi tiết về mức giá bồi thường để sau này nhà thầu có cơ sở làm hồ sơ quyết toán", đại diện nhà thầu kiến nghị

Nhà thầu gặp khó trong bồi thường ra mỏ vật liệu vì người dân đòi hỏi giá quá cao, trong khi tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu phải thực hiện theo phương án giá được địa phương nơi có mỏ phê duyệt.

Nhà thầu gặp khó trong bồi thường ra mỏ vật liệu vì người dân đòi hỏi giá quá cao, trong khi tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu phải thực hiện theo phương án giá được địa phương nơi có mỏ phê duyệt.

Thống kê đến nay tỉnh Quảng Ngãi chỉ mới cấp phép khai thác 7/10 mỏ đất phục vụ cao tốc qua địa bàn. Song thực tế mới có 4 mỏ đang khai thác gồm: Mễ Sơn, Núi Thị 1, Núi Thị 2 và Đồi Dốc Cao với tổng trữ lượng khoảng 2,93 triệu m3.

3 mỏ đất chưa khai thác là Truông Ổi, Bren và Đồi Dốc Cộ với tổng trữ lượng khoảng 2,39 triệu m3.

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi Võ Minh Vương cho biết, các mỏ này không thuộc diện thu hồi đất nên tỉnh không thể đưa ra đơn giá bồi thường. Các nhà thầu được cấp mỏ làm việc với đơn vị thực hiện công tác bồi thường của địa phương lên phương án và đơn giá. Nếu áp dụng như vậy mà người dân không đồng thuận thì chính quyền sẽ vào cuộc xử lý.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, nếu nhà thầu thỏa thuận với chủ đất sẽ rất lâu, mức giá đền bù này cũng "nhảy múa". Tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng đơn giá để các nhà thầu tham khảo, thỏa thuận bồi thường.

Để bù đắp nguồn đất khoảng 2,2 triệu m3, trước mắt nhà thầu kiến nghị bổ sung thêm mỏ đất Thôn Vạn Xuân (Nghĩa Hành) có trữ lượng khoảng 530 nghìn m3. Mỏ này hiện đã qua bước phê duyệt trữ lượng và báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nguồn đất đắp thiếu hụt lên đến hàng triệu m3 tác động lớn đến tiến độ thi công các gói thầu trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Nguồn đất đắp thiếu hụt lên đến hàng triệu m3 tác động lớn đến tiến độ thi công các gói thầu trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Cùng với đó là 5 mỏ đất mới với trữ lượng khoảng 2,4 triệu m3 gồm: Núi Thị 4, Núi Cấm Ông Thi, Núi Đá Kè, Núi Bé và đất tận thu tại Cụm công nghiệp An Sơn để phục vụ thi công gói thầu XL1.

Hiện tại các nhà thầu đang tập trung hoàn thiện các thủ tục sau hướng dẫn của tỉnh Quảng Ngãi để ra mỏ trên thực địa. Trong đó, mỏ đất Đồi Dốc Cộ, Núi Cấm Ông Thi dự kiến tổ chức khai thác vào cuối tháng 5.

Dự án tại "thủ phủ" cát vẫn thiếu cát

Ngoài cao tốc, tại Quảng Ngãi còn nhiều dự án do địa phương làm chủ đầu tư cũng đang trong giai đoạn thi công ì ạch vì khan hiếm vật liệu.

Dù được xem là "thủ phủ" cát của cả nước với trữ lượng hàng trăm triệu m3, nhưng nghịch lý ở Quảng Ngãi các công trình giao thông đang lâm cảnh thiếu cát.

Tại dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, nhu cầu cát phục vụ thi công trên dưới 644 nghìn m3. Để đảm bảo nguồn vật liệu này, từ cuối năm 2023 tỉnh Quảng Ngãi đã bổ sung vào quy hoạch 9 mỏ cát dọc theo sông Trà Bồng với trữ lượng tương ứng.

Tuy nhiên, sau 5 tháng kể từ khi dự án khởi công, đến nay vẫn chưa có mỏ cát nào được khai thác dù nhóm mỏ này được tỉnh Quảng Ngãi đưa vào quy hoạch mỏ chỉ định.

Công trường dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi ngổn ngang, nhà thầu tạm ngừng thi công vì thiếu cát.

Công trường dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi ngổn ngang, nhà thầu tạm ngừng thi công vì thiếu cát.

Trên công trường dự án trọng điểm có vốn đầu tư lên đến 3.500 tỷ đồng nhiều tháng qua rơi vào tình trạng thi công cầm chừng, thậm chí có thời điểm tại những mũi thi công quan trọng không hề có bất kỳ bóng dáng công nhân nào làm việc.

Tại mũi thi công cầu số 2 bắc qua sông Trà Bồng thuộc địa bàn xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, dù nhà thầu tập kết thiết bị, máy móc đến công trường để tiến hành thi công cọc khoan nhồi làm trụ cầu, song sau vài mũi khoan thì nhà thầu rút đi, bỏ lại công trường vắng hoe.

Một trong những lý do được đại diện nhà thầu cho rằng là thiếu cát để thi công hạng mục bê tông cọc khoan nhồi, trụ cầu, đúc dầm.

Trao đổi với Báo Giao thông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng Khang Nguyên Nguyễn Thiện Thắng cho biết: "Công trình đang vướng do không có nguồn cát. Mỏ cát nhà nước cấp theo hình thức chỉ định, nhưng thủ tục mãi chưa xong. Tới đây công ty sẽ huy động nhân lực đến công trường để tiếp tục thi công".

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 21/5, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên Hoàng Trọng Hòa cho biết, sau ký hợp đồng nhà thầu rất quyết liệt đưa dự án vào thi công. Tuy nhiên, vừa qua nguồn cát chưa được khơi thông nên nhà thầu chỉ đứng nhìn vì không thể thi công các hạng mục tiếp được. Do đó, đề nghị tỉnh có chỉ đạo quyết liệt hơn để ra mỏ và nhà thầu triển khai dự án ngay.

Nếu cấp cho 7 nhà thầu 1 mỏ thì sẽ rất phức tạp. Do đó, kiến nghị tỉnh chỉ cho phép một nhà thầu đứng ra khai thác cát và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong bối cảnh hiện tại để ra mỏ dù theo hình thức chỉ định thì cũng mất từ 4-6 tháng. Nếu như thế thì tiến độ dự án sẽ rất khó khăn, do vậy kiến nghị trước mắt cho phép nhà thầu sử dụng bê tông thương phẩm để đảm bảo tiến độ cũng như có khối lượng để hoàn ứng.

Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên Hoàng Trọng Hòa kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi cho phép nhà thầu sử dụng bê tông thương phẩm trong khi chờ ra giấy phép mỏ cát.

Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên Hoàng Trọng Hòa kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi cho phép nhà thầu sử dụng bê tông thương phẩm trong khi chờ ra giấy phép mỏ cát.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho rằng, để đảm bảo nguồn vật liệu thi công dự án, trước mắt các cơ quan liên quan phải hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý để đảm bảo khi ra mỏ thì khai thác ngay.

Sở TN&MT sau khi tiếp nhận hồ sơ của chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục tham mưu UBND tỉnh sớm nhất để nhà thầu sớm tiếp cận nguồn cát thi công dự án.

Trong trường hợp thiếu cát thì phải sớm báo cáo để tỉnh có giải pháp chủ động trong việc bổ sung mỏ cát nhằm đảm bảo nguồn vật liệu.

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nha-thau-cao-toc-qua-quang-ngai-met-moi-vi-thieu-dat-dap-192240524182503508.htm