Người dân Bình Thuận cần làm gì để ứng phó với lũ cát?

Theo chuyên gia, rất khó để dự báo lũ cát từ xa đối với từng vị trí cụ thể. Người dân cần đề phòng khi sống dưới các đồi cát bị cắt ngang bởi các công trình hạ tầng, giao thông.

Nguyên nhân gây lũ cát đỏ ở Bình Thuận

Rạng sáng 21/5 tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận) xảy ra vụ sạt lở đồi cát sau trận mưa lớn tối 20/5. Vụ sạt lở khiến cát tràn xuống tuyến đường ven biển Mũi Né, gây ách tắc giao thông trong khu vực nhiều giờ liền.

Lũ cát gây hậu quả nặng nề ở Bình Thuận.

Lũ cát gây hậu quả nặng nề ở Bình Thuận.

Ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, khu vực xảy ra hiện tượng trên là địa điểm xây dựng hạ tầng của một dự án nghỉ dưỡng (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận). Đây là khu vực đất trống, đang được triển khai san gạt đất trên nền đất có tính chất kết dính kém. Ven tuyến đường giao thông lối đi vào Dự án không có kè cứng nên dễ xảy ra hiện tượng sạt khi có mưa lớn.

Tại tỉnh Bình Thuận đã xảy ra lũ cát đỏ vào các năm 2012, 2023. Qua phân tích hiện trường thông qua ảnh vệ tinh các năm 2012, 2023 cho thấy, khu vực dự án hầu hết là nền đất cát đỏ. Trong quá trình xây dựng dự án đã san gạt để làm các tuyến hạ tầng giao thông và xây dựng cống ngầm để thoát nước.

Mặt khác, khu vực trên hiện chưa được cứng hóa, phần lớn lượng nước và bùn cát không thoát kịp qua các cống thu gom nước mưa sẽ chảy trên các tuyến giao thông, phần còn lại ngấm xuống tầng đất có kết cấu yếu, khi kết hợp với lượng nước di chuyển trên mặt đường sẽ gây ra tình trạng xói, lở và gây ra hiện tượng lũ bùn đỏ ở khu vực dân cư và quanh tuyến giao thông ven biển.

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, lượng mưa như vậy là rất lớn, trong thời gian ngắn với tính chất cực đoan. Nước mưa thấm xuống đất không kịp khiến chảy trôi tạo thành lũ cát.

Thông thường trên các đồi cát có đường chảy ngầm ra biển. Đường chảy này giúp cho kết cấu của cát được vững. Tuy nhiên hiện trường sạt lở lũ cát đỏ cho thấy trên các khu rừng ven biển có các công trình nhà ở xây trên nền cát, các khu du lịch gần bờ biển. Phần móng các công trình này có thể làm chặn các dòng nước ngầm từ đồi cát đi ra biển. Điều này khiến cát bên trong thấm đủ lượng không thể chảy ra biển sẽ tạo ra lũ cát.

Như vậy nguyên nhân gây lũ cát, ngoài lượng mưa lớn trong thời gian ngắn thì việc quy hoạch xây dựng khiến nước không thể thoát nhanh là tác nhân gây thiên tai. Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, rất khó để dự báo lũ cát từ xa đối với từng vị trí cụ thể. Căn cứ vào yếu tố về thời tiết, địa chất, chỉ có thể dự báo gần trong khoảng 3 - 4 giờ trước khi xảy ra. Người dân cần đề phòng khi sống dưới các đồi cát bị cắt ngang bởi các công trình hạ tầng, giao thông.

Phòng ngừa lũ cát bằng cách nào?

PGS-TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp Trường đại học Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cho biết địa hình ven biển Bình Thuận có nhiều đồi cát. Những đồi cát này được hình thành từ tác động của gió và nước mưa chảy tràn qua nhiều năm và cấu kết khá chặt chẽ.

Do độ dốc của các đồi, đụn cát ở mức độ vừa phải, cân bằng, mặt đồi lại được cây cỏ, thực bì bao phủ nên cát ở đây rất khó sạt lở ngay cả trong những trận mưa lớn. Nhưng ở những đồi cát được đào xới làm dự án thì đã bị "làm sạch thực bì hoặc bê tông đường" trong dự án. Do không còn cây cỏ nên khi mưa lớn dòng chảy mặt rất lớn. Dòng chảy này sẽ xói bề mặt, tập trung vào một số khu vực thấp hơn và tạo ra các khe nứt lớn với độ dốc lớn. Các khe nứt này chính là nguyên nhân làm cho khối đất cát trở nên mất ổn định.

Theo PGS.TS Vũ Thành Ca, hoạt động san lấp mặt bằng trước đó cũng làm xáo trộn, chuyển dịch đất cát, tạo ra các khu vực đất cát không ổn định, dễ thấm nước, dễ sạt lở và hóa lỏng. Các khối đất cát lớn thấm đẫm nước sẽ tạo ra áp suất thủy tĩnh rất lớn, làm đất cát sạt xuống theo các khe nứt, bị hóa lỏng tạo ra các lũ cát, chảy xuống đường và khu dân cư như vừa qua xảy ra ở Bình Thuận.

Để tránh lũ cát tương tự xảy ra trong tương lai, cần phải cẩn trọng trong việc làm thay đổi những cân bằng trong tự nhiên ở các đồi cát ven biển Bình Thuận. Khi xây dựng công trình ở đồi cát ven biển, cần có những khảo sát địa chất, thủy văn cẩn trọng để xây dựng phương án chống sạt lở một cách phù hợp.

"Đối với một số khu vực có nguy cơ sạt lở lớn, phải dùng biện pháp công trình, khoan và lắp đặt các ống thoát nước ngầm, đồng thời xây dựng một số tường chắn tại các khu vực xung yếu để ngăn cát sạt lở xuống đường và khu dân cư. Ngoài ra, cần hạn chế việc làm sạch lớp phủ thực vật tại bề mặt hoặc khôi phục lại lớp phủ thực vật này, nhằm làm giảm tốc độ dòng chảy mặt, ngăn chặn việc hình thành các rãnh xói", PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất.

Theo các chuyên gia, các công trình hạ tầng xung quanh đồi được coi như bức tường chắn mạch nước chảy. Dù các hệ thống này có làm các lỗ thông nước, nhưng với lượng mưa lớn cát thấm nhiều nước sẽ chảy không kịp. Vì thế trong các quy hoạch phát triển, cần tính tới các đặc tính tự nhiên của từng vùng, hạn chế tối đa can thiệp của con người để giảm thiểu thiên tai.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-binh-thuan-can-lam-gi-de-ung-pho-voi-lu-cat-169240523093342107.htm