Bộ trưởng Bộ Y tế: Nhiều cuộc đời hồi sinh khi được tiếp thêm dòng máu của những người có trái tim nhân ái

Hành trình 30 năm phong trào hiến máu nhân đạo là một hành trình đầy tình yêu thương giữa người với người. Nhiều cuộc đời đã được hồi sinh, giành lại sự sống khi được tiếp thêm dòng máu quý giá, nồng ấm của những người có trái tim nhân ái...

Chiều 15/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp tổ chức Lễ Tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại sự kiện

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại sự kiện

Tham dự sự kiện có các đại biểu: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện; Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện Bùi Thị Hòa; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện.

Đây là năm thứ 16 Chương trình Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện năm 2008. Mỗi năm có 100 tấm gương hiến máu tiêu biểu từ khắp mọi miền đất nước được lựa chọn; đến nay có 1.600 lượt đại biểu được tôn vinh cấp quốc gia.

Một hành trình đầy tình yêu thương giữa người với người

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết năm 1994 là năm đầu tiên phát động phong trào hiến máu nhân đạo, lượng máu mới chỉ tiếp nhận được gần 138.000 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 14,5%. Sau đó 20 năm, từ năm 2014 trở lại đây, hàng năm lượng máu tiếp nhận luôn đạt trên 1 triệu đơn vị.

Lượng máu tiếp nhận năm 2023 gần 1,6 triệu đơn vị, cao gấp hơn 11 lần so với năm 1994, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%.

"Có thể khẳng định rằng hành trình 30 năm phong trào hiến máu nhân đạo là một hành trình đầy tình yêu thương giữa người với người. Nhiều cuộc đời đã được hồi sinh, giành lại sự sống khi được tiếp thêm dòng máu quý giá, nồng ấm của những người có trái tim nhân ái"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và bà Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao bằng khen cho người hiến máu tình nguyện tiêu biểu tại lễ tôn vinh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và bà Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao bằng khen cho người hiến máu tình nguyện tiêu biểu tại lễ tôn vinh.

Bộ trưởng Đào hồng Lan nhắc lại câu chuyện một trường hợp tai nạn giao thông bị vỡ tim đã được cứu sống ngoạn mục tại Bệnh viện Bạch Mai tháng 2/2024 với tổng lượng máu được truyền trước, trong, sau mổ lên đến 10 lít máu và chế phẩm máu các loại.

Trường hợp khác là người bệnh bị liệt hoàn toàn do mắc hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh đã được hồi phục khả năng vận động sau 2 tuần điều trị tại BVĐK tỉnh Quảng Ngãi nhờ sử dụng 96 đơn vị huyết tương để thực hiện 6 lần thay huyết tương.

"Tất cả những ca phẫu thuật, điều trị như vậy sẽ không thể thực hiện thành công nếu không có nguồn máu hiến tặng từ những người hiến máu tình nguyện trên cả nước. Chính các anh chị đã góp phần làm cho phong trào hiến máu tình nguyện tại nước ta vươn mình lớn mạnh, phát triển từng ngày, và đồng hành cùng ngành y tế từng bước đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân" - Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và người bệnh được truyền máu, người đứng đầu ngành Y tế bày tỏ lòng cảm kích, tình cảm tốt đẹp nhất đến những người hiến máu tình nguyện trong cả nước và 1.600 lượt người hiến máu tình nguyện tiêu biểu đã được lựa chọn tham gia chương trình tôn vinh cấp toàn quốc từ năm 2008 đến nay vì những đóng góp bền bỉ đối với hoạt động hiến máu tình nguyện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Nguyễn Hải Anh trao bằng khen cho người hiến máu tình nguyện tiêu biểu tại lễ tôn vinh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Nguyễn Hải Anh trao bằng khen cho người hiến máu tình nguyện tiêu biểu tại lễ tôn vinh.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn 100 đại biểu hiến máu tình nguyện tiêu biểu được tôn vinh năm nay sẽ trở thành những hạt nhân nòng cốt, là những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa tinh thần, nghĩa cử cao đẹp của hoạt động hiến máu tình nguyện đến với cộng đồng, xã hội để thắp sáng niềm hy vọng, ước mơ và sự sống cho người bệnh.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp của hoạt động hiến máu và đăng ký hiến tặng mô, tạng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng với nhưng kết quả rất đáng khích lệ của phong trào hiến máu tình nguyện, trong những năm gần đây phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng đã có nhiều chuyển biến tích cực và có được những kết quả bước đầu.

Ngày 19/5 vừa qua, tại chương trình phát động: “Đăng ký hiến tặng mô tạng – Cho đi là còn mãi” tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến mô, tạng và kêu gọi: Mọi người Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, vùng miền hãy tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng với thông điệp được gửi tới người dân: “Mở lòng nhân ái – Lan tỏa yêu thương – Thắp sáng niềm tin – Tiếp nối hy vọng – Gieo mầm sự sống”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và bà Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao bằng khen cho người hiến máu tình nguyện tiêu biểu tại lễ tôn vinh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và bà Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao bằng khen cho người hiến máu tình nguyện tiêu biểu tại lễ tôn vinh.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ mong muốn văn hóa hiến máu nhân đạo và hiến tặng mô, tạng sẽ tiếp tục được thúc đẩy, lan tỏa trong suy nghĩ, hành động của mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng, cơ quan, đơn vị... Mọi người dân trong độ tuổi, đủ điều kiện sức khỏe sẽ tích cực tham gia hiến máu thường xuyên và vận động người khác cùng chung tay thực hiện hoạt động nhân đạo này.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị, đối với ngành y tế cần tiếp tục phối hợp với ban, ngành đoàn thể liên quan hoàn thiện, bổ sung các quy chế, quy định về công tác tuyên truyền vận động, tiếp nhận hiến máu tình nguyện; hiến mô, tạng nhân đạo; tiếp tục đầu tư nguồn lực, con người để tiếp nhận, sàng lọc những đơn vị máu an toàn phục vụ người bệnh.

Các trung tâm, cơ sở huyết học - truyền máu, bệnh viện phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh xây dựng kế hoạch tiếp nhận máu, nhu cầu cần sử dụng máu tại địa phương, dự trữ đảm bảo an ninh, thiên tai, thảm họa. Điều phối máu trong toàn quốc để người bệnh trong cả nước được truyền máu kịp thời.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý người hiến máu, người đăng ký hiến mô, tạng; tiến tới xây dựng thống nhất phần mềm quản lý người hiến máu, hiến mô, tạng trên toàn quốc một cách hiệu quả.

Đồng thời củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; cải thiện khả năng điều hành, tổ chức, điều phối nguồn mô, tạng trên quy mô toàn quốc; nâng cao vai trò, hiệu lực kiểm soát hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng và thu hút nguồn lực đầu tư các dịch vụ máu, mô tạng vì mục tiêu nhân đạo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Nguyễn Hải Anh trao bằng khen cho người hiến máu tình nguyện tiêu biểu tại lễ tôn vinh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Nguyễn Hải Anh trao bằng khen cho người hiến máu tình nguyện tiêu biểu tại lễ tôn vinh.

Đối với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện đề nghị đa dạng các loại hình truyền thông; sáng tạo, nhạy bén, kịp thời để lan tỏa những giá trị tốt đẹp của hoạt động hiến máu nhân đạo và đăng ký, hiến mô, tạng nhân đạo - cho đi là còn mãi.

Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với các trung tâm huyết học, truyền máu; các bệnh viện trong việc xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu vận động, tiếp nhận máu đảm bảo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu máu địa phương, hỗ trợ cho các đơn vị khác còn khó khăn; tổ chức các chiến dịch sự kiện về máu có lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền, vận động đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người.

Đổi mới trải nghiệm hiến máu với công nghệ thực tế ảo

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hiến máu, nhân dịp Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6, lần đầu tiên trải nghiệm thực tế ảo tích hợp được sử dụng ở Việt Nam nhằm giúp nâng cao trải nghiệm hiến máu cho người hiến máu tình nguyện.

Trải nghiệm thực tế ảo tích hợp này được thiết kế để biến việc hiến máu trở nên vui vẻ và thư giãn hơn, tạo ra một sự phân tâm cho những người còn e dè với việc hiến máu hoặc những người chưa bao giờ hiến máu.

Theo đó tại sự kiện hiến máu tình nguyện diễn ra ở Hà Nội và TPHCM, các tình nguyện viên của Abbott đã được trải nghiệm thực tế ảo tích hợp khi hiến máu tình nguyện. Đã có tổng cộng hơn 200 đơn vị máu được hiến tặng trong dịp này.

Người hiến máu tình nguyện trải nghiệm hiến máu với công nghệ thực tế ảo.

Trải nghiệm thực tế ảo tích hợp này đã có mặt tại một số trung tâm hiến máu ở New York (tiểu bang New York), Chicago (Illinois), Columbus (Ohio), Houston và Dallas-Fort Worth (Texas), và sẽ tiếp tục phủ rộng khắp Hoa Kỳ trong năm 2024.

Trải nghiệm thực tế ảo tích hợp đã được khoa học chứng minh có tác dụng giúp giảm cảm giác căng thẳng, lo âu, theo kết quả của một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Transfusion. Theo nghiên cứu này, những nỗi sợ phổ biến nhất chính là sợ đau, sợ kim tiêm, sợ ngất xỉu, và sợ cảm giác sau khi hiến máu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trải nghiệm thực tế ảo tích hợp đã giúp giải tỏa sự lo âu mà người tham gia hiến máu cảm nhận khi sử dụng công nghệ này trong lúc lấy máu.

Chiếc kính thực tế ảo tích hợp này có trọng lượng nhẹ, cho phép người đeo bước vào một thế giới kỹ thuật số với những loài hoa cỏ xinh đẹp và tiếng nhạc êm dịu trong lúc vẫn đang ngồi trên ghế lấy máu và hoàn toàn ý thức được những gì diễn ra chung quanh. Điều này giúp đảm bảo quá trình hiến máu diễn ra an toàn.

Cùng đó chiếc kính thực tế ảo tích hợp trong suốt cho phép các chuyên viên y tế tiến hành quá trình hiến máu một cách an toàn và có thể liên tục tương tác, theo dõi tình hình của người hiến máu.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-y-te-nhieu-cuoc-doi-hoi-sinh-khi-duoc-tiep-them-dong-mau-cua-nhung-nguoi-co-trai-tim-nhan-ai-16924061517382852.htm