Người bệnh sán lá gan cần lưu ý gì trong tập luyện?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích tích cực cho tất cả mọi người, bao gồm người bệnh sán lá gan. Tuy nhiên, cần lưu ý gì trong quá trình tập luyện để không làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe?

NỘI DUNG:

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh sán lá gan

2. Một số bài tập phù hợp với người bệnh sán lá gan

2.1. Đi dạo bộ

2.2. Khí công

2.3. Bài tập yoga, pilates

3. Lưu ý khi tập luyện đối với người bệnh sán lá gan

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh sán lá gan

Tập thể dục không trực tiếp giúp điều trị sán lá gan, tuy nhiên duy trì tập luyện phù hợp, đều đặn có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hệ thống miễn dịch.

Ngoài ra, vận động cũng giúp giảm stress và cải thiện tâm trạng, điều này có thể giúp cơ thể bạn chống lại bệnh tật một cách hiệu quả hơn.

2. Một số bài tập phù hợp với người bệnh sán lá gan

Về cơ bản, không có bất kỳ chống chỉ định nào trong tập luyện đối với người bệnh sán lá gan. Điều quan trọng là người bệnh cần lắng nghe cơ thể của chính mình và theo dõi các triệu chứng bệnh đang diễn ra.

Trong giai đoạn cấp, người nhiễm bệnh sán lá gan lớn có thể có biểu hiện sốt, đau bụng, mệt mỏi... Lúc này người bệnh không nên tập luyện, thay vào đó cần nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi. Mặt khác, khi các triệu chứng đã thuyên giảm, không còn gây khó chịu, người bệnh có thể quay trở lại tập luyện với cường độ phù hợp.

Các hình thức tập luyện nhẹ nhàng mà người bệnh có thể tham khảo như:

2.1. Đi dạo bộ

Đi bộ là hình thức vận động đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện. Các nghiên cứu đã chứng minh những lợi ích mà đi bộ đem lại đối với sức khỏe tổng thể, trong đó có thể kể đến như thư giãn tinh thần, giúp ngủ ngon, cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa một số bệnh mạn tính như đái tháo đường…

Nên đi bộ ở những nơi yên tĩnh, có bầu không khí dễ chịu, tránh xa những cung đường có nhiều xe cộ qua lại, không khí bụi, ô nhiễm… Khi đi bộ, hãy hít thở chậm, sâu để thông thoáng đường hô hấp.

Đi bộ là hình thức vận động đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện.

2.2. Khí công

Trong y học Trung Quốc, khí công giúp chữa lành và điều hòa cơ thể, tâm trí và tinh thần. Khí công giúp cải thiện lưu lượng máu, tăng năng lượng, giảm lo lắng và căng thẳng, đồng thời hỗ trợ hoạt động của hệ thống miễn dịch. Bởi vậy, đây là một trong những bài tập phù hợp giúp người ốm chóng khỏe.

2.3. Bài tập yoga, pilates

Các bài tập yoga và pilates thường có nhịp độ chậm rãi, giúp kéo giãn cơ thể nhẹ nhàng. Nhờ đó, người tập có thể cảm thấy thư thái và khỏe khoắn hơn sau khi tập. Tuy nhiên, nếu bạn chưa từng tập các bài tập này, tốt nhất hãy tham gia một lớp cơ bản để được hướng dẫn các kỹ thuật cần thiết, đảm bảo tập đúng động tác, tránh chấn thương.

3. Lưu ý khi tập luyện đối với người bệnh sán lá gan

Để đảm bảo an toàn trong quá trình tập luyện, người bệnh sán lá gan cần lưu ý:

- Không tập thể dục khi bị sốt: Tránh tập thể dục nếu bị sốt, bởi khi bị sốt có thể gây mất nước, đau đầu và đau cơ. Nên ngừng tập thể dục và nghỉ ngơi hoàn toàn nếu việc tập thể dục làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.

- Giảm cường độ tập luyện: Nên giảm cường độ tập luyện sao cho phù hợp với thể trạng, giúp bạn tránh mệt mỏi. Ví dụ, thay vì chạy bộ, khi bị ốm bạn chỉ nên đi bộ nhanh.

- Uống đủ nước: Nên uống 2-2,5 lít nước/ngày hoặc hơn nếu cần thiết, nhất là khi bạn tập luyện trong thời gian bị ốm.

Mời bạn đọc xem thêm:

PGS. TS. Trịnh Thị Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-benh-san-la-gan-can-luu-y-gi-trong-tap-luyen-169240503120424998.htm