Nghịch lý tại châu Âu: Áp thuế xe điện Trung Quốc nhưng vẫn muốn thu hút đầu tư
Trong bối cảnh xem xét áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm xe điện Trung Quốc để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, các quốc gia châu Âu vẫn nỗ lực thu hút các nhà sản xuất nước bạn rót vốn đầu tư để tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế…
Trong khi Liên minh châu Âu đang xem xét thuế quan đối với xe điện Trung Quốc, thì chính phủ các quốc gia trong khối lại đưa ra các biện pháp khuyến khích riêng để thu hút các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc muốn xây dựng các nhà máy ở châu Âu.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, quy định thuế nhập khẩu mới có thể giúp các nhà sản xuất ô tô châu Âu cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đầu tư mạnh và lâu dài hơn vào châu Âu.
ÁP THUẾ BỔ SUNG
EU dự kiến sẽ áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc trong tuần này, sau một cuộc điều tra kéo dài từ tháng 10 năm ngoái về trợ cấp của nhà nước Trung Quốc đối với hoạt động sản xuất xe điện. Động thái này diễn ra trong bối cảnh có nghi ngờ rằng xe điện giá rẻ Trung Quốc đang tràn ngập vào thị trường EU do dư thừa công suất và nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm sút.
Các nhà sản xuất Trung Quốc có vẻ như đã chuẩn bị sẵn sàng cho các mức thuế nhập khẩu mới, nhưng các chuyên gia dự đoán rằng Bắc Kinh cũng sẽ trả đũa bằng các biện pháp đối phó có thể ảnh hưởng đến một loạt hàng xuất khẩu của EU như rượu cognac hay sản phẩm bơ sữa.
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris vào tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cảnh báo rằng, thế giới không thể hấp thụ được sản lượng xe điện dư thừa của Trung Quốc, đồng thời cho biết EU sẽ không dao động trong việc bảo vệ các ngành công nghiệp và việc làm trong khối.
Theo công ty tư vấn AlixPartners, doanh số bán xe điện Trung Quốc chiếm 4% thị trường châu Âu vào năm ngoái và được dự báo sẽ đạt 7% vào năm 2028.
Bất kỳ quyết định áp dụng thuế quan vĩnh viễn nào cũng phải được các quốc gia thành viên ủng hộ vào tháng 11/2024, khoảng 13 tháng sau khi bắt đầu cuộc điều tra. Nếu được áp dụng, biểu thuế sẽ bao gồm ba bậc: mức thuế riêng cho các công ty bị EU điều tra, mức thuế trung bình dành cho các công ty hợp tác giải đáp thắc mắc nhưng chưa được điều tra đầy đủ và mức thuế còn lại đối với những đơn vị chưa điều tra.
Công ty tư vấn Rhodium Group cho biết họ dự kiến mức thuế sẽ được ấn định vào khoảng 15% -30%. “Dù có mức thuế bổ sung, một số nhà sản xuất có trụ sở ở Trung Quốc vẫn có thể tạo ra tỷ suất lợi nhuận tốt bởi họ vốn đã nắm sẵn trong tay các lợi thế đáng kể về chi phí”, các nhà nghiên cứu từ Rhodium chỉ ra.
Trung Quốc từ lâu đã lập luận rằng họ không trợ cấp cho lĩnh vực xe điện của mình và ngay cả là có thì xuất khẩu của nước này vẫn giúp các nước phương Tây đạt được mục tiêu xanh.
Đầu tuần này, trong chuyến công du Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Bộ trưởng Thương mại Wang Wentao khẳng định rằng hợp tác giữa Trung Quốc và EU là chiến lược đôi bên cùng có lợi. “Tôi hy vọng rằng phía châu Âu sẽ từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ và quay trở lại con đường đối thoại và hợp tác đúng đắn”, ông Wang nhấn mạnh.
THU HÚT ĐẦU TƯ
Mặc dù cảnh giác với việc xe điện giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường Châu Âu, nhưng các chính phủ trong khối cũng đang cạnh tranh gay gắt để giành được khoản đầu tư mà các nhà sản xuất xe Trung Quốc mang lại.
Rõ ràng chi phí sản xuất ở Trung Quốc là thấp hơn đáng kể khi so sánh với các nước phương Tây nhưng nhiều thương hiệu xe điện, ví dụ như BYD, Chery Automobile và SAIC Motor, vẫn muốn thành lập nhà máy ở Châu Âu để nâng cao độ hiện diện thương hiệu và tiết kiệm chi phí vận chuyển cũng như các mức thuế tiềm năng, ông Gianluca Di Loreto, đối tác tại công ty tư vấn Bain & Company cho biết.
“Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc biết rằng sản phẩm của họ phải có sự liên hệ với châu Âu nếu muốn thu hút quan tâm của khách hàng. Và điều này đơn giản có nghĩa là sản xuất ở châu Âu”, ông Loreto nhấn mạnh.
Theo ông Loreto phân tích, chi phí lao động ở Bắc Âu là quá cao, trong khi ở phía nam như Italy hoặc Tây Ban Nha lại khá lý tưởng nhờ chi phí thấp hơn và tiêu chuẩn sản xuất tương đối cao, một điều đặc biệt quan trọng đối với các loại xe cao cấp.
Đối với các loại xe giá rẻ, các điểm đến hấp dẫn thường được nhắc tới gồm có Đông Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Khu vực này đã tổ chức các cuộc đàm phán với BYD, Chery, SAIC và Great Wall.
Cụ thể, Hungary cũng đã nhận được khoản đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên của hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, BYD. Công ty đang xem xét mở rộng thêm nhà máy thứ hai ở khối vào năm 2025.
Trong khi đó, Leapmotor của Trung Quốc sẽ tận dụng năng lực hiện có của đối tác Pháp-Ý Stellantis, với tin tức mới đây cho thấy bộ đôi này đã chọn nhà máy Tychy ở Ba Lan làm cơ sở sản xuất.
Tây Ban Nha, quốc gia sản xuất ô tô lớn thứ hai Châu Âu sau Đức, đã nhận khoản đầu tư từ thương hiệu xe điện Chery. Công ty sẽ bắt đầu sản xuất vào quý 4/2024 tại cơ sở cũ của Nissan ở Barcelona với một đối tác địa phương. Chery dự kiến sẽ được hưởng lợi từ chương trình trị giá 3,7 tỷ Euro của Tây Ban Nha được triển khai vào năm 2020 nhằm thu hút các nhà máy sản xuất xe điện và pin.
Italy cũng dự kiến khai thác quỹ ô tô quốc gia trị giá 6 tỷ Euro trong giai đoạn 2025-2030 để tạo ưu đãi cho cả người mua ô tô và các nhà sản xuất. Dongfeng là một trong số nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã tổ chức các cuộc thảo luận đầu tư với Rome. Một trong những nguồn tin cho biết, cơ sở đầu tiên có thể được công bố sớm nhất là vào tháng 7 và sẽ sử dụng kỹ thuật lắp ráp theo bộ, nhằm mục tiêu sản xuất hàng năm lên tới 50.000 xe.
Còn đối với thương hiệu SAIC, có thể thấy Đức, Italy, Tây Ban Nha và Hungary đều nằm trong danh sách lựa chọn của công ty.