Nghị định 08: 'Ngòi nổ' vẫn còn nhưng nhà đầu tư đã có thể 'thở phào'
Thông tin đáng khích lệ nhất thị trường chứng khoán (TTCK) đón nhận vừa qua là sự ra đời của Nghị định 08 (NĐ08) thay đổi một số quy định của NĐ65, trong đó các giải pháp chỉ mang tính tình thế nhưng tháo gỡ ngay khó khăn trước mắt.
Đó là cho phép doanh nghiệp (DN) phát hành đàm phán với chủ nợ để gia hạn trái (TP) phiếu đáo hạn thêm tối đa 2 năm và cho phép đàm phán trả nợ TP bằng tài sản khác.
Luật hóa các giải pháp tình thế
Câu chuyện áp lực đáo hạn TPDN, nhất là TP bất động sản (BĐS) đã nóng lên từ giữa năm 2022 và càng nóng vào thời điểm cuối năm, khi hàng loạt ông chủ DN bị giải chấp tài sản cầm cố là cổ phiếu. Các hướng dẫn giải pháp tình thế đã được đưa ra từ thời điểm đó để giảm căng thẳng.
Cụ thể, ngày 14-11-2022 Bộ Tài chính đã thông tin tới DN phát hành lẫn các nhà đầu tư, rằng trường hợp DN phát hành có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể, và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của DN như: cơ cấu lại nợ; đàm phán hoán đổi TP; xử lý tài sản đảm bảo; thỏa thuận thanh toán gốc, lãi TP bằng tài sản khác của DN.
Từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, cũng đã có một vài DN phát hành thực hiện đàm phán với chủ sở hữu TP hoán đổi nghĩa vụ nợ sang các sản phẩm BĐS, một số khác cũng đã đàm phán gia hạn nợ.
Cho đến thời điểm hiện tại sức ép đáo hạn TPDN đang rất nóng, từ chỗ lác đác vài cái tên gây chú ý khi DN phải khất nợ TP tới hạn do thuộc diện niêm yết nên phải công bố thông tin, tới hàng loạt DN chưa niêm yết bị cơ quan quản lý thị trường nêu tên.
Cụ thể, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 23-2-2023, đã nêu đích danh 54 DN chậm trả gốc, lãi TP. Đây là danh sách đầy đủ nhất mà nhà đầu tư có thể tiếp cận được để đánh giá tương đối rõ ràng về tình trạng căng thẳng thanh khoản của các DN phát hành.
Như vậy, các giải pháp tình thế đã được thực hiện trên thực tế từ cuối năm 2022. Do vậy NĐ08 là một sự chính thức hóa các giải pháp này trong khung khổ pháp luật để tất cả các DN có thể áp dụng.
Giờ đây các DN có căn cứ mang tính pháp lý để đàm phán, cũng như các chủ nợ hiểu rõ tình hình khó khăn đã được cơ quan quản lý ghi nhận để chấp nhận đàm phán với tinh thần cùng tháo gỡ khó khăn để thu hồi vốn, thay vì gây thêm căng thẳng và rắc rối để hai bên cùng thiệt hại.
Chứng khoán đã được cởi bỏ áp lực?
Đáo hạn TP được xem là một trong “bộ ba” rào cản đối với TTCK trong năm 2023, bên cạnh sức ép lãi suất cao và triển vọng kết quả kinh doanh sụt giảm của DN niêm yết. Mới đây sức ép lãi suất đã được gỡ bỏ phần nào với làn sóng giảm lãi suất huy động bắt đầu từ ngày 6-3 vừa qua. Đến giờ, “bong bóng” đáo hạn TP cũng có thể được “xì” bớt bằng NĐ08.
Theo các thống kê, ước tính sẽ có khoảng 252.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn trong năm 2023, trong đó khoảng 12% (31.000 tỷ đồng) đáo hạn trong quý I, khoảng 30,4% (76.500 tỷ đồng) đáo hạn trong quý II, khoảng 33% (83.000 tỷ đồng) đáo hạn trong quý III và 24,2% (61.000 tỷ đồng) đáo hạn quý IV.
Trong số này TP BĐS trị giá khoảng 107.700 tỷ đồng, là phần đáng lo ngại nhất vì cực khó để đảo nợ trong khi DN đã cạn tiền mặt. Như vậy có thể thấy sức ép thanh khoản nặng nhất là ở 2 quý giữa năm 2023. Đây chính là điều mà TTCK lo sợ và chiết khấu vào tình trạng sụt giảm và lình xình quanh 1.000 điểm giai đoạn hiện tại.
Thực tế lo ngại này là có cơ sở, vì khối DN BĐS có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, từ xây dựng, vật liệu tới ngân hàng, chưa kể các tác động lan tỏa khác. Các dự án BĐS đình đốn, nhà thầu xây dựng mất việc, sắt thép, xi măng, gạch... không bán được.
Và cuối cùng, khi DN BĐS không có nguồn thu, không có tiền để trả nợ TP, thì cũng không có tiền để trả nợ vay ngân hàng. Khi đó nhóm nợ sẽ phải thay đổi và phản ánh lên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải dự phòng rủi ro và từ đó giảm lợi nhuận. TTCK sẽ không thể kết thúc xu hướng sụt giảm kéo dài nếu như “quả bom nợ” vẫn chỉ chực chờ phát nổ.
Với NĐ08, giả định rằng các DN phát hành đàm phán thành công với chủ nợ, ít nhất áp lực trả nợ cũng được kéo dãn thêm 1-2 năm nữa, hoặc một phần TP sẽ được thanh toán bằng tài sản khác.
Dĩ nhiên câu chuyện đàm phán là một vấn đề rất kỹ thuật, rất thực tế và không thể giải quyết nhanh bằng “giả định”, nhưng TTCK chủ yếu dựa trên kỳ vọng, và lúc này ít nhất tình hình đã có giải pháp “sáng sủa” hơn cách đây một vài tháng.
Vì thế thị trường có lý do để “thở phào”, dù “quả bom” thực ra vẫn còn đó, có thể nhỏ lại một chút, sức công phá giảm đi, nhưng không vì thế mà biến mất. Điểm tựa duy nhất là trong khoảng thời gian được “mua thêm” đó, DN phát hành sẽ xoay sở để trả được nợ.
Trong cả ngàn DN niêm yết trên TTCK, không chỉ duy nhất nhóm DN BĐS. Tuy nhiên khi xu hướng chung của thị trường là giảm, tất cả cổ phiếu đều chịu sức ép ít nhiều.
Nếu rủi ro vỡ nợ TP được đẩy lùi lại và dần khu trú vào một nhóm DN, thì thị trường có điều kiện để hướng sự chú ý của dòng tiền tới các DN lành mạnh khác.
TTCK có lý do để “thở phào”, dù “quả bom” thực ra vẫn còn đó, có thể nhỏ lại một chút, sức công phá giảm đi, nhưng không vì thế mà biến mất. Điểm tựa duy nhất là trong khoảng thời gian đó DN phát hành sẽ xoay sở để trả được nợ.