Ngày xuân theo chân những người làm nghệ thuật

Đầu năm mới, chúng tôi có dịp đến thăm Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn, gặp gỡ những người tuyên truyền thông tin bằng lời ca, tiếng hát đến vùng sâu, vùng xa. Phía sau ánh đèn sân khấu lấp lánh là những câu chuyện ít người biết đến.

Rực rỡ từ tuổi trăng rằm

11 giờ trưa, trong phòng tập múa đơn sơ, 15 diễn viên múa vẫn đang miệt mài ôn luyện từng động tác. Nơi tập luyện của đội múa Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh là căn phòng không có cách âm, xung quanh là vài tấm gương to. Phòng làm việc của Đội Ca chỉ nhỏ bằng một nửa phòng tập của đội múa. Nhạc bật lên, hơn 10 nghệ sĩ đứng xung quanh cùng nhau hòa ca, cất cao tiếng hát.

Giữa những thanh âm rộn ràng, Nhà sản xuất âm nhạc - Đạo diễn sân khấu Quan Anh Tuấn, Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh tất bật chạy khắp phòng tập, lúc thì sửa động tác, khi lại nhấn mạnh về ý nghĩa của tiết mục cho diễn viên hiểu rõ. Anh Quan Anh Tuấn năm nay hơn 40 tuổi. Những năm gần đây lịch công việc kín đặc, anh dường như gầy hơn so với thời điểm đi nhận Giải B tại “Liên hoan Âm nhạc lần thứ 24 Khu vực phía Bắc năm 2014”. Chỉ vào vỉ viên ngậm ho, anh cười: Dầm sương muối vùng cao gần 20 năm, giờ sức khỏe cũng bắt đầu “lên tiếng” rồi!

Nhà sản xuất âm nhạc - Đạo diễn sân khấu Quan Anh Tuấn, Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh hướng dẫn cho các diễn viên.

Công việc chính của anh Tuấn là sản xuất âm nhạc và làm đạo diễn sân khấu nên thường xuyên theo diễn viên đi diễn, phục vụ Nhân dân ở các xã trên địa bàn tỉnh. Lịch làm việc của anh thường rất đều đặn, tối nghiên cứu sáng tác, hòa âm, phối khí, dàn dựng tiết mục, ban ngày lại trao đổi liên tục cùng anh chị em tập luyện. Nói thì nghe đơn giản như vậy, nhưng riêng phần nghiên cứu sáng tác, dàn dựng tiết mục theo các chủ đề đã đòi hỏi người đạo diễn phải có kiến thức, có sự tổng hợp và cảm nhận nghệ thuật. Trước mỗi chương trình nghệ thuật kỷ niệm những dấu mốc lịch sử, người ta sẽ thấy anh Tuấn vò đầu ở thư viện hoặc miệt mài tìm đến nhà các nhân chứng lịch sử, để “Kể cho khán giả câu chuyện xưa bằng tiết mục văn nghệ trên sân khấu”.

Không ít lần tôi đã gặp Phó Trưởng đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Quan Anh Tuấn đang tay trái cầm bánh mỳ, tay phải cầm micro hướng dẫn diễn viên khớp sân khấu. Nhắc về vất vả của nghề, anh Tuấn chia sẻ: Làm nghệ thuật thì vị trí nào cũng vất vả, các diễn viên ca, diễn viên múa ở tỉnh miền núi khó khăn còn vất vả nhiều hơn. Họ vào nghề từ sớm, hầu hết là từ 16 - 17 tuổi có năng khiếu là xa nhà đi học, tập luyện. Học xong chuyên nghiệp là lăn lộn với nghề, làm việc trong điều kiện khó khăn. Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh mỗi năm biểu diễn 80 chương trình nghệ thuật phục vụ người dân ở các xã, thôn vùng sâu, vùng xa. Vào nghề từ sớm, nhọc nhằn, vất vả nhưng thời gian làm nghề lại ngắn, thông thường diễn viên múa sẽ không quá 45 tuổi.

Hạnh phúc với những đêm diễn ở cơ sở.

Đứng trước tấm gương nhuốm màu thời gian, diễn viên múa Ban Hoàng Duy (sinh năm 2005) và Triệu Thị Điều (sinh năm 2004) đang mướt mồ hôi khổ luyện những động tác khó. Họ đều theo học múa từ lớp 9, lớp 10 và hiện nay vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Trong câu chuyện với chúng tôi, hai bạn trẻ hồn nhiên: "Chúng em đã được nghe các anh chị chia sẻ về nghề rất nhiều, biết về những khó khăn phía trước. Nhưng trót đam mê ánh đèn sân khấu nên cứ thế mà bước về những tiếng vỗ tay và nụ cười của khán giả...".

Phía sau ánh đèn sân khấu

Trong khi đi tìm hiểu về những nhọc nhằn, vất vả của các diễn viên làm nghệ thuật, chúng tôi có dịp gặp gỡ chị Hoài Thu, ca sĩ, người dẫn chương trình của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh. Với những người thường xuyên theo dõi các chương trình văn nghệ Bắc Kạn hẳn không còn xa lạ với Hoài Thu, cô gái xinh đẹp, duyên dáng với giọng hát và giọng nói ngọt ngào, truyền cảm.

Trên sân khấu rực rỡ, tỏa sáng là vậy, nhưng khi trở về cuộc sống đời thường, Hoài Thu lại tất bật với những mối lo cơm áo như bao người phụ nữ khác. Để gặp được chị Hoài Thu, tôi đã hẹn không dưới 5 lần, bởi quả thật chị rất bận, bận với lịch tập luyện, việc của Đoàn và cả làm thêm ngoài giờ. Cuối cùng, tôi gặp chị ở cửa hàng cho thuê trang phục, công việc giúp chị vượt qua những khó khăn của cuộc sống để gắn bó với nghề.

Trong câu chuyện tâm tình, chị Hoài Thu cười thật hiền: Khi mới đi làm, vất vả, lương thấp, tỉnh mới thành lập lại ít chương trình, sự kiện nên tôi đã làm thêm rất nhiều nghề, bán đồ ăn, ship hàng… Đến nay, dù bận nhiều việc nhưng tôi vẫn duy trì cửa hàng cho thuê trang phục để đảm bảo thu nhập. Các diễn viên trong Đoàn ai cũng phải kiếm việc làm thêm, vì nếu chỉ trông vào lương viên chức thì rất khó khăn.

Diễn viên thanh nhạc Hoài Thu khi rực rỡ trên sân khấu và bình dị giữa đời thường.

Tính đến năm 2024, chị Hoài Thu đã đứng trên sân khấu 20 năm. Chị bảo rằng, thời gian ấy đủ dài để chị trải qua biết bao cung bậc cảm xúc với nghề. Khi hạnh phúc nhất là lúc đứng giữa ánh đèn rực rỡ, mọi người vỗ tay không ngớt, gương mặt khán giả như hòa cùng các diễn viên trên sân khấu. Nhưng phía sau nơi huy hoàng và tỏa sáng ấy là những nỗi niềm chỉ người hoạt động nghệ thuật mới hiểu.

Những ngày mùa đông, thông thường 20h là nhà nào cũng sẽ đóng cửa bởi cái rét cắt da, cắt thịt. Thế nhưng, các diễn viên ở Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh khi thực hiện chương trình nghệ thuật phục vụ người dân theo nhiệm vụ được giao vẫn đứng trên sân khấu và biểu diễn. Sân khấu vùng cao hoành tráng lắm thì được tận dụng ở mái hiên của một tòa nhà lớn, nhưng thường là dựng đơn sơ giữa trời. Các diễn viên say mê hát, diễn kịch và múa, trên mình khoác trang phục mỏng manh và hẳn rằng, dưới lớp phấn, gương mặt ai cũng tái lạnh vì sương muối, gió buốt.

“Mỗi khi đi diễn, cho dù gia đình có tin buồn hay vợ sinh con… thì cũng phải diễn xong rồi mới tìm hướng giải quyết, bởi vắng đi một người là chương trình khó diễn ra. Nhưng buồn nhất vẫn là thường xuyên xa gia đình và bận rộn không có thời gian chăm lo con cái. Mỗi đợt đi diễn ở các huyện thường kéo dài 15 ngày, thời gian còn lại chủ yếu là tập luyện”, chị Thu tâm sự.

Những động tác múa đòi hỏi nhiều kỹ thuật.

Minh chứng cho câu “Làm nghệ thuật nhất định phải có đam mê”, diễn viên múa Nông Thị Thao, quê ở huyện Na Rì, chia sẻ: "Bắt đầu xa gia đình, gắn bó với múa từ năm 16 tuổi. Thời ấy nhà chưa có cả tivi, chứ làm gì có mạng xã hội như hiện nay nên rất ngây ngô, chưa biết gì hết. Khi được tuyển vào đội thì vui lắm, rất là thích vì thấy các anh chị đi biểu diễn vừa xinh vừa giỏi. Nhưng khi bắt đầu vào tập luyện chuyên nghiệp thì hoảng sợ luôn, rất nhiều động tác khó, chị đã từng bị ngất vì quá đau và mệt. Vì xương thường xuyên bị tác động bởi các động tác khó nên bị ảnh hưởng rất nhiều. Bản thân chị cũng vừa ra viện vì bị thoát vị đĩa đệm, không đi lại được một thời gian, giờ vẫn đang phải đeo đai để cố định..."

Câu chuyện dịp đầu năm mới chỉ được như vậy, bởi các diễn viên lại tất bật chuẩn bị cho những chuyến lưu diễn đầu Xuân. Vượt qua mọi khó khăn, vất vả, những diễn viên của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh vẫn thắp lửa đam mê, mang lời ca, tiếng hát gọi Xuân về trên các thôn bản vùng sâu, vùng xa./.

Bích Phượng

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/ngay-xuan-theo-chan-nhung-nguoi-lam-nghe-thuat-post60383.html