Ngày Pháp luật - ngày hội pháp lý của toàn dân

Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Để hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật; những kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện Ngày Pháp luật của ngành Tư pháp cũng như những hoạt động sẽ diễn ra hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2022, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Tuân - Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên: Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mục đích và ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?

Phóng viên: Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mục đích và ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Tuân: Theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật được tổ chức để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật cho mọi người trong xã hội, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật; là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau. Những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội; hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp. Ngày Pháp luật khơi dậy trong mọi cá nhân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình khi tham gia vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.

Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ những kết quả nổi bật qua 10 năm triển khai Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng?

Đồng chí Phạm Tuân: Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND, ngày 11/10/2013 về tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, Kế hoạch số 67/KH-UBND quy định cụ thể hình thức, nội dung tổ chức Ngày Pháp luật và trách nhiệm của các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các cấp trong triển khai thực hiện hiệu quả Ngày Pháp luật theo quy định.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tư pháp, các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã ban hành chương trình, kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại đơn vị, địa phương. Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 13.171 cuộc với trên 830.897 lượt người tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật. Nội dung Ngày Pháp luật hàng năm trên cơ sở bám sát đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, gắn với việc tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật; đổi mới, đa dạng về nội dung phù hợp với từng đối tượng, địa bàn với hình thức đa dạng, thiết thực và hiệu quả.

Đặc biệt, để hưởng ứng Ngày Pháp luật cũng như nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong năm 2021 và 2022, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật”. Cuộc thi đã tạo hiệu ứng tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, nhân dân và người dân trên địa bàn tỉnh tham gia với các nội dung thi là kiến thức pháp luật liên quan các lĩnh vực đời sống xã hội.

Qua triển khai thực hiện Ngày Pháp luật đã tạo sự chuyển biến căn bản trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh; kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống; tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục tinh thần yêu nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Phóng viên: Trong thời gian qua, vẫn còn không ít trường hợp vi phạm pháp luật do không nắm vững các quy định pháp luật, Sở Tư pháp đã có những hoạt động gì để giúp nâng cao hiểu biết pháp luật trong dân, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Tuân: Sở Tư pháp với vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Theo đó, kế hoạch quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai, phối hợp tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trên cơ sở các văn bản của UBND tỉnh, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, các đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch hoặc lồng ghép nội dung vào kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình của địa phương và tổ chức thực hiện dựa trên nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất đã được cấp.

Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Tư pháp đều tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất là trong năm 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức 62 hội nghị tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho 18.950 đại biểu tham dự. Định kỳ hàng tháng phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống”. Hợp đồng với đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố mở chuyên mục “Phổ biến, giáo dục pháp luật” thực hiện tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới nhất và các nội dung pháp luật có liên quan mật thiết đến người dân, ước tính có trên 950.000 lượt người nghe và xem. Nhờ việc chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đến với mỗi người dân một cách sâu rộng đã giúp cho người dân hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa của pháp luật đối với cuộc sống, qua đó đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân có hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết những hoạt động được diễn ra nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11/2022 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng?

Đồng chí Phạm Tuân:Để hưởng ứng và thực hiện Ngày Pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn, chủ động, linh hoạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật. Theo đó, sở sẽ tổ chức lễ mít tinh “Hưởng ứng ngày pháp luật", tổ chức phổ biến các nội dung cơ bản của các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành có hiệu lực năm 2021, năm 2022; các vấn đề gắn với nhiệm vụ trọng tâm của địa phương năm 2022; những vấn đề nóng trên địa bàn được dư luận xã hội quan tâm; kịp thời thông tin, phản ánh, lan tỏa, tôn vinh gương sáng trong xây dựng, thi hành pháp luật, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027"… Hình thức tổ chức tập trung huy động và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; cổng/trang thông tin điện tử; hệ thống loa truyền thanh cơ sở; mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, giao lưu, đối thoại chính sách pháp luật; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể thao; cuộc mít tinh, hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn và các hình thức khác phù hợp với địa phương.Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật được tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt tập trung trong 2 tháng là tháng 10 và tháng 11/2022 (bắt đầu từ ngày 15/10 đến ngày 15/11/2022). Theo đó, các khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2022 gồm: “Sống và làm việc theo pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật”; “Tăng cường truyền thông chính sách pháp luật, góp phần tạo đồng thuận xã hội và đưa pháp luật vào cuộc sống”; “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp trách nhiệm, sáng tạo, thực hiện hiệu quả công vụ”; “Chủ động tìm hiểu, gương mẫu tuân theo Hiến pháp và pháp luật là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp”; “Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

KIM NGỌC (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/ngay-phap-luat-ngay-hoi-phap-ly-cua-toan-dan-61367.html