Ngành Công Thương, người Công Thương học và làm theo Bác

Tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho ngành Công Thương qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hết sức đặc biệt, to lớn.

Khẳng định vai trò, trách nhiệm của ngành Công Thương

Khi tuyên bố cải tổ Ủy ban Giải phóng dân tộc thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 8/1945, Bác yêu cầu thành lập Bộ Kinh tế quốc dân - một trong những bộ tiền thân của Bộ Công Thương hiện nay. Đến ngày 14/5/1951, Người trực tiếp ký Sắc lệnh thành lập Bộ Công Thương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ngày này trở thành Ngày truyền thống của ngành Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kể từ lần trực tiếp gặp đại biểu giới Công Thương cả nước tháng 9/1945 tại Bắc bộ phủ cho đến một trong những lần gặp cuối cùng của Bác với đại biểu Công Thương đến từ ngành than ngày 15/11/1968 tại Phủ Chủ tịch, Bác nhiều lần khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Công Thương trong sự nghiệp kháng chiến, gìn giữ, bảo vệ độc lập tự do, xây dựng đất nước mạnh giàu.

Những chỉ giáo của Người có thể là một bức thư, một bài nói chuyện tại các hội nghị của ngành Công Thương hay những huấn thị tại chỗ trong những lần trực tiếp đi thăm, thị sát các cơ sở sản xuất, công trường xây dựng, nhà máy, xí nghiệp cùng những ví dụ cụ thể đều có tính thuyết phục cao và ai cũng có thể làm, ai cũng có thể thực hiện ngay trên chính vị trí công tác của mình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/2/2023 Ảnh: Cấn Dũng

Ngay từ ngày mới lập nước, giới Công Thương, ngành Công Thương là giới, ngành duy nhất được Bác trực tiếp gửi thư. Bức thư đó không chỉ nêu rõ vai trò, trách nhiệm của ngành Công Thương với sự phát triển của đất nước mà còn khẳng định sự đồng hành, giúp đỡ của Chính phủ với sự nghiệp phát triển của ngành Công Thương. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập "Công thương cứu quốc đoàn" cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân".

Trong thư gửi Hội nghị Mậu dịch ngày 20/9/1951, giữa bộn bề công việc của cuộc trường kỳ kháng chiến, Bác vẫn không quên dặn: "Cán bộ từ trên xuống dưới cần thấm nhuần chính sách Mậu dịch, đồng tâm nhất trí thì mới làm tròn nhiệm vụ kinh doanh của mình, mới giúp đỡ tư nhân kinh doanh, để ổn định vật giá, thúc đẩy sản xuất, và đảm bảo cung cấp.

Cán bộ cần hoan nghênh ý kiến và những lời phê bình của dân, để sửa chữa sai lầm, và làm cho dân thấy rõ mục đích mậu dịch là làm lợi cho dân, để mọi người đều giúp đỡ nó phát triển và tiến bộ.

Cán bộ Mậu dịch nắm nhiều tiền bạc và hàng hóa trong tay, rất dễ hủ hóa nên mọi người phải ngày ngày trau dồi đức tính cần kiệm liêm chính".

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị Bộ Công nghiệp nặng ngày 31/12/1964, Bác chỉ rõ: "Từ Bộ đến mỗi cơ sở sản xuất phải quyết tâm chuyển mạnh, cán bộ lãnh đạo phải làm gương mẫu, phải cải tiến phương pháp công tác, phải ra sức phát huy trí tuệ và tinh thần sáng tạo của quần chúng công nhân. Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Củng cố và phát triển tốt chi bộ, công đoàn, Đoàn thanh niên. Phải thắt chặt tình đoàn kết nhất trí giữa Đảng và quần chúng. Phải đẩy mạnh thi đua yêu nước, thực hiện khẩu hiệu sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ.

Chúng ta cần biết ơn sự giúp đỡ của các nước anh em, cần học hỏi các đồng chí chuyên gia bạn. Nhưng phải biết tự lực cánh sinh là chính.

Với ý chí cần kiệm xây dựng nước nhà, với tinh thần làm chủ tập thể, mỗi cán bộ, mỗi công nhân phải trau dồi đạo đức cách mạng trong sinh hoạt và trong công tác để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của mình".

Những chỉ giáo của Bác với hoạt động của ngành Công Thương có tính lý luận hoàn chỉnh và hết sức sâu sắc, đồng thời mang tính thực tiễn rất cao. Đó là kết tinh của những năm tháng Người từng trải qua quá trình bôn ba tìm đường cứu nước với những quan sát, đối chứng từ thực tế các mô hình kinh tế mà Người từng trải nghiệm. Đó thực sự là những tư tưởng chiến lược, một chính sách cơ bản, lâu dài, phù hợp với điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước như nước ta.

Muốn phát triển kinh tế phải chú trọng đến ngành Công Thương

Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp mang tính kinh tế, trước hết là phát triển kinh tế để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Muốn phát triển kinh tế phải chú trọng đến ngành Công Thương.

Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ Công Thương là một lĩnh vực kinh tế đa ngành, chủ yếu bao gồm công nghiệp và thương nghiệp. Sự quan tâm của Người đối với ngành Công Thương xuất phát từ vị trí, vai trò của ngành trong tiến trình xây dựng Việt Nam trở nên dân giàu, nước mạnh.

Vinh dự là ngành kinh tế có vai trò quyết định với sự phát triển đất nước, dân giàu nước mạnh và được Bác quan tâm ngay từ ngày lập nước, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cán bộ, công nhân viên chức và người lao động ngành Công Thương qua các thời kỳ luôn tìm thấy ở những lời chỉ bảo của Bác những đường hướng tư tưởng rõ nét, cụ thể cùng những cội nguồn sức mạnh, cội nguồn hành động.

Học Bác, làm theo Bác cũng vì thế đã trở thành nhu cầu nội tại của ngành Công Thương, người Công Thương qua các thời kỳ. Tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động thể hiện ở kết quả công tác của ngành, góp phần cùng cả nước hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng nề nếp, tác phong làm việc mới, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mối quan hệ công tác.

Kinh nghiệm cho thấy, những đơn vị thực hiện tốt việc học và làm theo Bác là những nơi lãnh đạo cấp ủy, lãnh đạo đơn vị quyết tâm cao, phối kết hợp tốt với các cơ quan chuyên môn, các đoàn thể để tạo sức lan tỏa trong đảng viên và quần chúng, biết lồng ghép vào các sinh hoạt thiết thực, sinh động; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu... tạo không khí sinh hoạt tư tưởng lành mạnh, hiệu quả.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, căn cứ Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương khóa III nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên Đảng bộ Bộ Công Thương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với rà soát, bổ sung các quy chế, quy định nội bộ; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp và kết quả triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm của Kết luận số 01-KL/TW.

Theo đó, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên Đảng bộ Bộ Công Thương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bao gồm: "Trung thành - Trung thực - Đoàn kết - Tận tụy - Sáng tạo - Nêu gương".

Cùng đó, Đảng ủy Bộ tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị theo các chuyên đề hàng năm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt hiệu quả thực chất, có tính lan tỏa cao.

Những lời và tình cảm của Bác vẫn luôn là cẩm nang, nguồn động viên tinh thần quý báu để ngành Công Thương, người Công Thương vươn lên hoàn thành nhiệm vụ nặng nề mà cao cả của mình đối với sự nghiệp phát triển đất nước, để xứng với mong mỏi sinh thời của Bác về một Việt Nam dân giàu, nước mạnh và sánh bước vẻ vang cùng thời đại.

Quang Lộc - Hà Mai Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-nguoi-cong-thuong-hoc-va-lam-theo-bac-269658.html