'Từ cái tâm phục vụ người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi số sẽ thành công'

Mọi sáng kiến của TP Hà Nội trong chuyển đổi số đều hướng mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Do đó, các mô hình chuyển đổi số đều được người dân, doanh nghiệp đón nhận và phát huy hiệu quả.

Lời tòa soạn:

Cùng với nhiều tỉnh thành trong cả nước, hơn 1 năm qua, chuyển đổi số ở Thủ đô Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã đáp ứng được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Để có được kết quả đó, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành những chính sách lớn với mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số trên địa bàn. Cùng với đó, Sở TT&TT luôn nỗ lực đồng hành cùng các đơn vị để nghĩ ra cách làm hay, mô hình sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn về chuyển đổi số. VietNamNet giới thiệu tuyến bài viết về chuyển đổi số ở Hà Nội.

Bài 1: Hà Nội dốc sức xây dựng thành phố thông minh
Bài 2: Nghị quyết ‘0 đồng’ thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến
Bài 3: Đột phá không dùng tiền mặt thúc đẩy kinh tế số ở Thủ đô

Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, chuyển đổi số không phải là bài toán về công nghệ thông tin hay chỉ riêng của dân công nghệ. Chuyển đổi số là chuyển đổi cách thức quản trị, dùng công nghệ số để tạo ra mô hình quản trị hiện đại hơn, năng suất lao động cao hơn.

CHỦ ĐỘNG TÌM MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ PHÙ HỢP

Phóng viên: Sau gần 2 năm Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 18, ông có thể đánh giá bước đầu về kết quả đã đạt được về chuyển đổi số trên địa bàn?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Đầu năm 2022, Sở TT&TT chủ động tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội trình Thành ủy chủ trương xây dựng, ban hành Nghị quyết 18 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Nghị quyết 18 được sự quan tâm sâu sắc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, của Ban Thường vụ Thành ủy và của lãnh đạo trong Thường trực Thành ủy.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Cuối năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 18, sau khi đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại 2 kỳ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.

Nghị quyết 18 đã đưa ra các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành. Để tạo sự chuyển biến trong chuyển đổi số, Nghị quyết 18 đã nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu.

Với vai trò là tham mưu trưởng của Thủ đô về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, Sở TT&TT Hà Nội đã chủ động triển khai Nghị quyết 18 hết sức căn cơ, bài bản. Trong đó, chúng tôi đã tham mưu UBND TP ban hành các kế hoạch về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

Đây là những sản phẩm riêng của Thủ đô về mô hình chuyển đổi số từ cấp huyện, xã. Các mô hình này đã hình thành phong trào thi đua rất hứng khởi tại các sở ngành, địa phương về chuyển đổi số. Từ đó, các cơ quan, đơn vị chủ động tìm ra mô hình chuyển đổi số một cách phù hợp với lĩnh vực của mình.

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 18, có thể nói quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh ở Thủ đô được đánh giá là sôi nổi, kết quả đạt được rất thực chất. Đơn cử như hệ thống giải quyết thủ tục hành chính liên thông ba cấp ở Hà Nội do Sở TT&TT xây dựng đã phục vụ đắc lực cho cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ, qua đó góp phần thúc đẩy cải cách hành chính ở Hà Nội bền vững trong top 3 của cả nước. Chỉ số chuyển đổi số ở Hà Nội, trong năm 2022, tăng 16 bậc so với năm 2021. Kết quả đó cho thấy Nghị quyết 18 đã thực sự đi vào cuộc sống.

Chúng tôi cũng quan tâm đến xây dựng nền tảng dùng chung, như mô hình điện toán đám mây theo hình thức thuê dịch vụ, vừa hiện đại nhưng bảo đảm tiết kiệm, sử dụng hiệu quả ngân sách. Cùng đó, chúng tôi cũng trình thành phố đề án xây dựng thành phố thông minh và chiến lược dữ liệu, đảm bảo đúng, đủ, sạch, sống. Khi dữ liệu được tạo lập, chia sẻ, khai thác một cách bài bản sẽ trở thành tài nguyên, tài sản.

Kết quả đó đem lại lợi ích cụ thể như thế nào cho người dân và doanh nghiệp?

Kết quả về chuyển đổi số trên địa bàn TP Hà Nội đã bước đầu được người dân và doanh nghiệp ghi nhận. Đơn cử như mỗi ngày hiện nay, Sở Tư pháp tiếp nhận từ 500-700 hồ sơ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp qua kênh trực tuyến và qua kênh VNeID. Nhờ vậy, người dân không phải xếp hàng dài ở Sở Tư pháp để làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Ngoài ra, các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã diễn ra thuận lợi. Thời gian qua, Sở TT&TT cũng đã phối hợp với các sở ngành, quận, huyện tổ chức nhiều mô hình như thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, trông giữ xe, chi trả an sinh xã hội.

Người dân Hà Nội được cấp chữ ký số miễn phí trên phố đi bộ hồ Gươm. Ảnh: Trọng Đạt

Người dân Hà Nội được cấp chữ ký số miễn phí trên phố đi bộ hồ Gươm. Ảnh: Trọng Đạt

Tại phiên họp chuyên đề mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua chủ trương miễn phí cho người dân khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.

Ngoài ra, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cũng đã được các cơ quan, danh nghiệp, các quận, huyện, sở ngành triển khai rất mạnh. Việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt được thực hiện nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn.

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh đều có giải pháp cho phép khách hàng thanh toán trực tuyến một cách công khai, minh bạch.

Như vậy, có thể nói có rất nhiều hình thức, mô hình chuyển đổi số đang diễn ra trên địa bàn Thủ đô được thực hiện một cách căn cơ, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thực tế có thể cảm nhận việc chuyển đổi số đang diễn ra thường xuyên, liên tục ở từng thôn, tổ dân phố và ngay trong mỗi người dân Thủ đô. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để có được kết quả đó?

Phải nói thật là chúng tôi không có nhiều thời gian để suy ngẫm kinh nghiệm cụ thể để có được kết quả như vậy là gì. Nhưng có thể nói bằng nhiệt huyết, với mong muốn từ cái tâm, coi người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của quá trình chuyển đổi số nên mọi sáng kiến của Sở TT&TT, cũng như các sở ngành, quận, huyện đều hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Do vậy, các mô hình chuyển đổi số đều được người dân, doanh nghiệp đón nhận và phát huy hiệu quả.

Ngay cả khâu mua sắm, đấu thầu thiết bị công nghệ thông tin, chúng tôi cùng các sở ngành, quận, huyện cũng thực hiện theo nguyên tắc: Công nghệ hiện đại, tiện lợi, nhưng chi phí phải hợp lý, đồng thời tránh những rủi ro không đáng có cho công chức.

Qua đó đã tạo niềm tin cho đội ngũ cán bộ, công chức làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin: Nếu mình làm đúng, công tâm, liêm chính thì không phải ngại vấn đề gì cả.

Còn để tạo phong trào chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh thì chúng tôi phải thực hiện bằng nhiều cách. Thứ nhất, những việc lớn, nền tảng, thì Sở TT&TT phải gương mẫu, xung phong nhận làm. Ví dụ như hệ thống dịch vụ công, hệ thống trung tâm dữ liệu của thành phố đã được Sở TT&TT chủ động triển khai. Văn phòng UBND TP cũng rất chủ động triển khai hệ thống văn bản điện tử, các hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân.

Ngoài ra, chúng tôi còn khuyến khích sự sáng tạo, chủ động chuyển đổi số của các quận, huyện, sở ngành. Có như vậy mới tạo được phong trào chuyển đổi số đồng bộ và sôi nổi như thời gian vừa qua trên toàn thành phố.

TẠO SỨC ÉP ĐỂ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU THAY ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN TRỊ

Chủ tịch UBND TP Hà Nội từng cho rằng, chuyển đổi số phải diễn ra ngay từ mỗi cán bộ của thành phố. Xin ông cho biết sự thay đổi đó hiện nay đang diễn ra như thế nào?

Đó cũng là tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu các quận, huyện, sở ngành đã tạo ra sự chuyển biến về chuyển đổi số trong mỗi cán bộ, công chức của thành phố.

Theo tôi, chuyển đổi số không phải là bài toán về công nghệ thông tin hay chỉ riêng của dân công nghệ. Chuyển đổi số là chuyển đổi cách thức quản trị, dùng công nghệ số để tạo ra mô hình quản trị hiện đại hơn, năng suất lao động cao hơn. Như vậy, đó là việc của người đứng đầu, họ phải dựa vào công nghệ thông tin để cấu trúc lại mô hình, cách thức quản trị phù hợp với quá trình chuyển đổi số.

Lãnh đạo các bộ, ngành tham quan tuyến phố "thanh toán không dùng tiền mặt" tại phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Minh Anh

Lãnh đạo các bộ, ngành tham quan tuyến phố "thanh toán không dùng tiền mặt" tại phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Minh Anh

Thực tế, khi về Hà Nội, tôi đã lường trước được những khó khăn mà mình phải thực hiện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Thủ đô. Nhưng với cái tâm của một chuyên gia về dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, từng trải qua nhiều vị trí công tác ở doanh nghiệp và cấp bộ, tôi đã biến áp lực thành động lực, cùng cán bộ trong Sở TT&TT và được sự ủng hộ của lãnh TP Hà Nội, sự đồng hành của các sở ngành, quận, huyện từng bước hoàn thành các mục tiêu về chuyển đổi số trên địa bàn.

Thực tế, để chuyển đổi số thành công phải có lực lượng cán bộ công nghệ thông tin đủ năng lực ‘nằm vùng’ từng đơn vị. Tuy nhiên, với cơ chế như hiện nay, cơ quan Nhà nước khó giữ chân hoặc thu hút nhân tài trong lĩnh vực này. Xin ông cho biết, Hà Nội khắc phục vấn đề này như thế nào?

Đào tạo nhân lực công nghệ thông tin đã khó, việc thu hút họ vào các cơ quan Nhà nước lại càng khó hơn. Vì muốn thu hút được nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải có chính sách đãi ngộ, lương thưởng tương ứng với trình độ của họ. Với cơ chế hiện tại, lĩnh vực công khó thu hút nhân tài về chuyển đổi số so với khu vực tư.

Đó là thực thế. Nhưng trong cái khó, chúng ta phải có phương án phù hợp, đó là thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Đây là hình thức tận dụng nguồn nhân lực tư để phục vụ quản trị công. Nhà nước có ngân sách, có chi phí, có con người nhưng không đủ về số lượng và chất lượng để đảm nhận nhiệm vụ chuyển đổi số ngày càng hiện đại, phức tạp.

Do vậy, chúng ta phải thuê dịch vụ, tìm đến nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở khu vực tư để vận hành, quản trị hệ thống công nghệ thông tin khu vực công.

Cùng với đó, các sở ngành, đặc biệt là Sở Nội vụ cần phối hợp với Sở TT&TT tham mưu, đề xuất UBND TP Hà Nội về chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Từ đó, tiến tới mỗi sở ngành đều có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tham mưu cho lãnh đạo quy trình chuyển đổi số trong lĩnh vực của mình. Bởi ngay cả khi chúng ta thuê dịch vụ thì vẫn cần có nhân lực công nghệ thông tin để đề xuất bài toán và quản trị dịch vụ đi thuê, đánh giá và hiệu chỉnh nó.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tu-cai-tam-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep-chuyen-doi-so-se-thanh-cong-2290185.html