Nếu bây giờ quay lại với một bộ sách giáo khoa thì thiệt hại là vô cùng to lớn

Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 17, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã thông tin đến các đại biểu về những vấn đề liên quan đến việc đổi mới giáo dục và triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, nhất là sách giáo khoa (SGK).

Về góc độ tài chính, kinh tế, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, hàng trăm triệu bản SGK mới đã được xuất bản. Nếu bây giờ quay lại với một bộ SGK thì thiệt hại là vô cùng to lớn

Về góc độ tài chính, kinh tế, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, hàng trăm triệu bản SGK mới đã được xuất bản. Nếu bây giờ quay lại với một bộ SGK thì thiệt hại là vô cùng to lớn

Một số ý kiến đại biểu đặt vấn đề có nên tiếp tục thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK nữa hay không, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nói: “Người dân thường kêu, giáo dục hay thay đổi, năm nào cũng thay đổi thế, nay mà thay đổi nữa không biết uy tín của ngành giáo dục sẽ ra sao. Chương trình GDPT mới là một trong những điểm đột phá, điểm mới quan trọng để thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục. Chương trình được soạn theo hướng phát triển năng lực của người học, gia tăng yếu tố thực tiễn, thực hành, trải nghiệm, dành quyền chủ động cao hơn cho các địa phương, cho cơ sở giáo dục, nhà giáo, cho người dạy và cho người học. Về SGK, hiện đang có 3 bộ SGK lớn và một số cuốn sách nhỏ lẻ khác nhau. Đây là sự thay đổi rất lớn, tạo sự chủ động. Việc một chương trình có nhiều bộ SGK giúp huy động nguồn lực, trí tuệ lớn của xã hội để tham gia biên soạn. Ngoài ra, để cạnh tranh thì các đơn vị phải phát huy sáng tạo để bộ sách của mình tốt nhất, hấp dẫn nhất. Đến nay có hơn 1000 nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn hệ thống SGK. Việc đổi mới lần này là cuộc cách mạng trong giáo dục. Cách mạng mà 100% vui vẻ, tất cả đều nhẹ nhàng, không ai băn khoăn gì thì chắc không phải là cuộc cách mạng”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chương trình mới cũng đặt ra nhiều thách thức so với chương trình cũ. Khi thực hiện chương trình mới thì quản lý của bộ nhiều hơn, khó khăn, phức tạp hơn, vì phải thẩm định nhiều bộ SGK nên rủi ro cao hơn. Việc này chưa từng có, lạ và mới, nếu truyền thông không đầy đủ đến các tầng lớp xã hội, đặc biệt là phụ huynh rất dễ gây ra những phản ứng.

Đến thời điểm này, việc triển khai chương trình GDPT mới đã đi được hơn nửa chặng đường. Hiện đã có SGK mới đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, đến tháng 9 tới các lớp 4, 8, 11 sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới. Trong mùa hè này, Bộ sẽ thẩm định các bộ SGK cuối cùng của lớp 5, 9 và lớp 12. Đến năm 2025 sẽ kết thúc việc thay SGK theo chương trình mới.

“Đến thời điểm này, giáo viên đã quen với việc một chương trình nhiều bộ SGK, tạo ra sự đổi mới, không khí mới theo hướng tích cực, chủ động, khả quan. Việc chọn SGK đã đi vào nề nếp, trở thành bình thường, không còn khó khăn” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, ở thời điểm này cũng có một số ý kiến đặt lại vấn đề có nên tiếp tục chương trình nhiều bộ SGK nữa hay không? Từ góc độ làm chính sách và thực thi chính sách, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, khi chương trình đã đi nửa chặng đường, nếu thay đổi, quay lại thực hiện một chương trình một bộ SGK thì sẽ đi ngược lại triết lý mở, tự do, chủ động mà chương trình mới đã đặt ra, dẫn đến sự hỗn loạn trong việc triển khai chương trình GDPT mới. Cách mạng mà 100% vui vẻ, tất cả đều nhẹ nhàng, không ai băn khoăn gì thì chắc không phải là cuộc cách mạng. Chúng ta hãy để đến năm 2025 khi đã đi trọn chặng đường rồi hãy đánh giá một cách thấu đáo.

Về góc độ tài chính, kinh tế, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, hàng trăm triệu bản SGK mới đã được xuất bản. Nếu bây giờ quay lại với một bộ SGK thì thiệt hại là vô cùng to lớn.

Kim Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/neu-bay-gio-quay-lai-voi-mot-bo-sa-ch-gia-o-khoa-thi-thiet-hai-la-vo-cung-to-lon-335446.html