Nâng hạng sẽ mang lại vị thế mới cho chứng khoán Việt, nhưng cần sự nỗ lực tổng thể

Việc nâng hạng sẽ mang lại vị thế mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư. Trên thực tế, quá trình này đòi hỏi nhiều nỗ lực tổng thể của toàn bộ các thành viên tham gia thị trường, trong đó không chỉ có các cơ quan quản lý, mà đến từ các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký và cả các ngân hàng thương mại tham gia.

Đây là đánh giá của SSI Research trong báo cáo về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vừa mới phát hành.

Nâng hạng có thể mang về thêm 10 tỷ USD cho Việt Nam

Báo cáo của SSI Research cho biết, xét về quá khứ, giai đoạn ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% hay vào thời điểm FTSE đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi (2018), thanh khoản thị trường đều có sự cải thiện so với quý trước đó. Giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài cũng phần nào sôi động hơn, và tổng cộng Việt Nam đã thu hút được khoảng 135 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2019 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Theo thống kê của EPFR Global, hiện tại có 844 quỹ trên toàn cầu đang sử dụng họ MSCI Emerging Markets Index làm chỉ số tham chiếu (benchmark) với tổng tài sản là 614,5 tỷ USD và có khoảng 89,6 tỷ USD tài sản đầu tư vào rổ chỉ số FTSE mới nổi (FTSE EM).

SSI Research kỳ vọng Việt Nam vẫn trong danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russel trong kỳ đánh giá năm nay. Cơ hội được FTSE Russel nâng hạng có thể rõ hơn ngay trong năm 2024 và khả năng được nâng hạng bởi MSCI trong các năm sau đó sẽ đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của tât cả các thành viên tham gia thị trường.

Các thị trường mới nổi từ lâu đã là điểm nóng thu hút đầu tư, đặc biệt với các nhà đầu tư ưa mạo hiểm kỳ vọng mức sinh lời cao. Nhờ vậy, các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi cũng thu hút được lượng vốn khổng lồ, tiêu biểu như iShares Core MSCI Emerging Markets ETF với tổng tài sản 70 tỷ USD, Vanguard FTSE Emerging Markets ETF với 71 tỷ USD.

Nếu được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi cấp 1, các cổ phiếu đủ điều kiện của Việt Nam sẽ được bổ sung vào trong chỉ số FTSE Secondary Emerging Markets Index và vì vậy, các quỹ đang sử dụng chỉ số này làm tham chiếu sẽ tự động mua các cổ phiếu của Việt Nam. Tổng giá trị mua phụ thuộc vào tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số.

“Với mức ước tính trung bình vào khoảng 1% - tổng giá trị vào ròng thông qua việc FTSE nâng hạng có thể lên đến gần 1 tỷ USD. Con số này sẽ cao hơn nhiều trong trường hợp Việt Nam được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi” - chuyên gia của SSI Research cho hay.

Các chuyên gia này còn cho biết thêm, dòng tiền đổ vào Việt Nam khi được nâng hạng đương nhiên sẽ không chỉ đến từ những quỹ đầu tư theo chỉ số. Sẽ có nhiều quỹ, nhiều nhà đầu tư khác quan tâm đến Việt Nam khi Việt Nam được nâng hạng, do khi đó độ mở, khả năng đầu tư và tính công khai minh bạch của Việt nam đã lên một tầm cao mới. “Đây mới là yếu tố hấp dẫn mang tính dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam” - SSI Research nhận định.

Theo nghiên cứu từ học viện CFA, khi một thị trường được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi, chỉ số chính sẽ tăng trung bình 23,2% từ ngày thông báo đến ngày có hiệu lực. Ước tính từ World Bank cũng cho thấy, việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 - 5 tỷ USD.

Cơ quan quản lý đang quyết tâm và nỗ lực

Theo các chuyên gia của SSI Research, các cơ quan chức năng hiện đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể đảm bảo thỏa mãn được các tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng như FTSE Russel và MSCI.

Nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam, vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, bên cạnh sự vào cuộc của ngành Chứng khoán, việc vận hành có hiệu quả của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP cần sự tham gia nỗ lực từ nhiều bên, nhất là Ngân hàng Nhà nước... Hiện tại nút thắt vẫn đang thuộc phạm vi quản lý của ngành Ngân hàng.

Trong số các tiêu chí định tính mà tổ chức xếp hạng FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều. Tuy nhiên, một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding).

Hiện tại với những nỗ lực và quyết tâm từ cơ quan quản lý, các bước đi để tiến tới nâng hạng thị trường đang trong quá trình khởi động. Các thành viên thị trường và các nhà đầu tư cần có thêm thời gian để thích ứng với các giải pháp mà cơ quan quản lý dự kiến ban hành triển khai áp dụng thực tiễn.

Cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ rõ ràng hơn vào năm 2024. Ảnh minh họa.

Cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ rõ ràng hơn vào năm 2024. Ảnh minh họa.

Theo SSI Research, việc vận hành hệ thống KRX là điều kiện cần và sự xuất hiện của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là điều kiện đủ để các giao dịch được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán.

“Việc vận hành có hiệu quả của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP cần sự tham gia nỗ lực từ các bên, trong đó về phía các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, hay Ủy ban Chứng khoán… Các luật liên quan cần phải sửa đổi như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp...” - chuyên gia của SSI Research nhấn mạnh./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nang-hang-se-mang-lai-vi-the-moi-cho-chung-khoan-viet-nhung-can-su-no-luc-tong-the-136599.html