Nắng gắt rồi mưa dông, cá, tôm ở Phú Yên chết hàng loạt

Đề cập đến sự cố tôm, cá chết hàng loạt ở vùng nuôi tôm xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu như Báo CAND đã thông tin, chiều 22/5, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Yên cho biết, sau cuộc kiểm tra thực tế tại hiện trường, cơ quan này đã có nhận định nguyên nhân.

Theo đó, trong báo cáo gửi đến Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Phú Yên và các cơ quan, địa phương liên quan, Sở NN&PTNT nhận định nguyên nhân do mật độ lồng bè thả nuôi tôm, cá tại hai thôn Vịnh Hòa và Phú Dương, xã Xuân Thịnh quá dày, môi trường nuôi xấu, kết hợp sau đợt nắng nóng kéo dài bất chợt xuất hiện mưa dông trong đêm 17/5 đã làm cho nguồn nước bị phân tầng, áp suất tầng đáy tăng cao, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, làm tiêu hao hàm lượng oxy hòa tan trong nước, hàm lượng một số loại khí độc từ đáy đầm Cù Mông đột biến tăng vượt ngưỡng.... dẫn đến tình trạng tôm, cá thả nuôi trong nhiều lồng bè bị chết hàng loạt.

Cá chết hàng loạt trôi dạt từ những bè nuôi ra mặt đầm nước.

Cá chết hàng loạt trôi dạt từ những bè nuôi ra mặt đầm nước.

Để có căn cứ khoa học, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đã thu thập mẫu bệnh phẩm trên tôm, cá bị chết và mẫu nguồn nước tại hiện trường để tiến hành kiểm nghiệm.

Cùng với việc kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III tại Nha Trang hỗ trợ tỉnh Phú Yên xác định nguyên nhân tôm, cá chết hàng loạt; Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đã kiến nghị các địa phương khẩn trương triển khai mọt số giải pháp cấp thiết như: Tăng cường quan trắc môi trường, thực hiện đầy đủ hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán xâm nhập mặn trong năm 2024.

Người dân tranh thủ thu hoạch tôm đủ kích cỡ, trọng lượng thương phẩm để bán nhằm giảm thiểu rủi ro.

Người dân tranh thủ thu hoạch tôm đủ kích cỡ, trọng lượng thương phẩm để bán nhằm giảm thiểu rủi ro.

Mặt khác, cần khuyến cáo người dân nên thu hoạch tôm, cá đủ kích cỡ, trọng lượng thương phẩm, không nên giữ lại tôm, cá để chờ tăng giá sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, không nên thả nuôi với mật độ dày, cần giãn rộng khoảng cách lồng bè để tăng lượng lưu thông của nước, tránh hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ tại lồng nuôi.

Mật độ lồng bè người dân thả nuôi tôm, cá ở một số nơi trên địa bàn thị xã Sông Cầu còn khá dày. Ảnh: Hữu Toàn.

Mật độ lồng bè người dân thả nuôi tôm, cá ở một số nơi trên địa bàn thị xã Sông Cầu còn khá dày. Ảnh: Hữu Toàn.

Ngoài ra, người dân cần thường xuyên giám sát, kiểm tra sức khỏe tôm, cá; thu gom sạch thức ăn thừa, vỏ lột của tôm trong quá trình sinh trưởng, xác sinh vật và chất thải để đưa vào bờ xử lý theo quy định bảo vệ môi trường; những ngày nắng nóng gay gắt cần giảm thiểu 50-70% lượng thức ăn cho tôm, cá, đồng thời tăng cường oxy cho thủy sản bằng các phương pháp phù hợp; chọn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm để tăng sức đề kháng cho tôm, cá khi thời tiết nắng nóng gay gắt.

Trao đổi với PV Báo CAND trong chiều 22/5, ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, sau khi hướng dẫn người dân triển khai một số biện pháp cấp thiết, tình trạng tôm, cá chết ở xã Xuân Thịnh không còn tái diễn, nhưng chính quyền địa phương vẫn đang tập trung chỉ đạo phòng ngừa tôm, cá chết bất thường để giảm thiểu rủi ro.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/nang-gat-roi-mua-dong-ca-tom-o-phu-yen-chet-hang-loat-i732024/