'Nâng đời' cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP

Đây là đề xuất của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đối với việc đầu tư xây dựng giai đoạn 2, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Một đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Một đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng giai đoạn 2, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo đó, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao Bộ GTVT triển khai đầu tư giai đoạn 2 của dự án TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài khoảng 110 km với tư cách là một dự án không tách rời, thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.

Đơn vị này cho biết, để đạt mục tiêu hoàn thành công trình vào năm 2027 thì cần sớm tổ chức triển khai đề xuất dự án và đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư PPP; đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiến bộ để khắc phục hiệu quả vấn đề nền đất yếu, thiếu cát đắp nền đường, nâng cao chất lượng công trình, bảo vệ môi trường bằng giải pháp sử dụng cát biển trực tiếp hoặc rửa mặn cát biển, công nghệ thi công cọc xi măng đất (Jet Grouting) để xử lý nền đất yếu mà không cần đào, tăng chiều dài cầu cạn.

Được biết, hiện lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận, quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán cách đây hơn 10 năm đến nay đã mãn tải, không còn phù hợp với tốc độ gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông, tạo nên hiện tượng “nút thắt cổ chai”, gây lãng phí xã hội và mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, cao tốc TP.HCM - Trung Lương từ năm 2019 đến nay công tác vận hành, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức, trong điều kiện vận hành luôn quá tải trên toàn tuyến dẫn đến chất lượng công trình nhanh chóng xuống cấp, liên tục gây mất an toàn giao thông.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 chưa có làn dừng xe khẩn cấp 1 liên tục, đang phục vụ lưu lượng xe rất lớn, nên khi xe gặp sự cố, va chạm giao thông, phương tiện hư hỏng... gây ùn tắc kéo dài.

Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, trong giai đoạn từ nay đến năm 2026 sẽ đưa vào khai thác sử dụng 5 tuyến cao tốc trong khu vực Tây Nam Bộ với chiều dài khoảng 550km là An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc - Sóc Trăng, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Hà Tiên - Bạc Liêu, cùng với tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang khai thác sẽ tạo thành một mạng lưới đường cao tốc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực.

Trong đó, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương - TP.HCM đóng vai trò quan trọng đặc biệt để kết nối mang lưới cao tốc này với TP. HCM và khu vực động lực kinh tế Đông Nam Bộ. Chính vì vậy, việc đầu tư giai đoạn 2 của tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là giải pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề đang tồn tại về giao thông trong chính tuyến cao tốc này cũng như kết nối mạng lưới cao tốc khu vực miền Tây Nam Bộ với TP.HCM nói riêng và các tỉnh động lực Đông Nam Bộ nói chung.

Một điểm thuận lợi là đến nay, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 2, đây là yếu tố rất thuận lợi để có thể triển khai giai ngay đồng thời kiểm soát được tiến độ.

Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho rằng, Dự án giai đoạn 2 của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận có đầy đủ các yếu tố để chứng tỏ rằng phương án đầu tư theo PPP là tối ưu.

Theo đó, phương án đầu tư Dự án theo phương thức PPP sẽ góp phần giảm phần cân đối vốn nhà nước (đặc biệt trong giữa kỳ trung hạn như hiện nay), đáp ứng được tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác sớm, giảm nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại cho 21 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long; giảm chi phí từ ngân sách nhà nước cho công tác duy tu công trình.

Do Dự án TP.HCM - Trung Lương, giai đoạn 1 đã được đầu tư công với mô 4 làn xe, khi thực hiện giai đoạn 2 theo phương thức PPP sẽ đầu tư thêm mỗi bên 2 làn xe. Nhà đầu tư chỉ thu phí khi xe đi vào phần đường do mình đầu tư, xe đi vào làn đường đã làm ở giai đoạn 1 sẽ không mất phí (hiện nay công nghệ thu phí không dừng theo làn được đầu tư hoàn toàn đáp ứng yêu cầu này) hoặc đề xuất Quốc hội thông qua cơ chế cho phép nâng cấp, cải tạo đường hiện hữu và thu phí trực tiếp từ người sử dụng dịch vụ để hoàn vốn đầu tư trên toàn tuyến (cả phần đường đã đầu tư công) nhằm rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn.

Đối với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, trong giai đoạn 1 đã đầu tư phương thức PPP với quy mô 4 làn xe. Khi thực hiện giai đoạn 2 theo phương thức PPP sẽ thêm 2 làn xe, các nhà đầu tư tổ chức thu phí chung, không phát sinh chi phí bù doanh thu theo hợp đồng dự án.

Trong khi đó, nếu đầu tư công Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Chính phủ cần bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng với thủ tục kéo dài, trong khi nhu cầu mở rộng là cấp thiết. Sau đầu tư, cần bố trí kinh phí hàng năm để quản lý, bảo trì thường xuyên.

Đối với Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do giai đoạn 1 của dự án được thực hiện theo hợp đồng BOT đang trong giai đoạn vận hành, đồng thời một trong những điều kiện để đảm bảo việc đầu tư và thu xếp tín dụng là không xung đột lợi ích và phân lưu. với dự án đã đầu tư.

“Do đó nếu thực hiện đầu tư công giai đoạn 2 thì ngoài khoản ngân sách Nhà nước phải chi khoảng 11.800 tỷ đồng đầu tư dự án, thì cần bố trí thêm khoảng 8.067 tỷ đồng (nếu thanh toán 1 lần) hoặc 13.842 tỷ đồng (nếu thanh toán trong 14 năm) thanh toán cho nhà đầu tư giai đoạn 1 để bù phần hụt doanh thu do không thể thu phí một nửa lưu lượng xe (toàn bộ xe đi theo hướng Mỹ Thuận đến Trung Lương sẽ đi trên phần giai đoạn 2)”, đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phân tích.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nang-doi-cao-toc-tphcm---trung-luong---my-thuan-theo-phuong-thuc-ppp-d194199.html