Nâng chất tiêu chí nông thôn mới theo hướng đô thị

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội nói chung, huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội) nói riêng diễn ra khá nhanh, mở ra nhiều cơ hội phát triển. Do đó, xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở các địa phương ven đô đã được Thành phố chỉ đạo tích hợp với xây dựng các tiêu chí trở thành phường, quận, xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường chia sẻ, nhằm phấn đấu trở thành quận của Thủ đô Hà Nội, huyện Hoài Đức đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng tiêu chí NTM theo hướng đô thị để các xã trở thành phường, huyện trở thành quận trong tương lai gần. Nhiều đề án, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước chuyển căn bản và nhận được sự đồng thuận cao của người dân.

Đô thị hóa là xu thế tất yếu

Hiện nay, Hoài Đức đã đạt 25/27 tiêu chí quận, huyện phấn đấu năm 2023 xây dựng 2 xã Minh Khai, Lại Yên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 9 xã Vân Canh, Đắc Sở, Tiền Yên, Cát Quế, An Thượng, Đức Giang, Di Trạch, La Phù, Đông La đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trường, xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây thực sự là cuộc "cách mạng" về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Do đó, huyện Hoài Đức cũng xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" ở khu vực nông thôn.

Huyện Hoài Đức đang nỗ lực xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa.

Huyện Hoài Đức đang nỗ lực xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa.

Hoài Đức là một trong 5 địa phương được Thành ủy Hà Nội đưa vào nghị quyết trong nhiệm kỳ 2021-2025 sẽ phát triển lên quận. Để thực hiện, huyện có nhiều điều kiện thuận lợi, trong đó được thành phố đặc biệt quan tâm về cơ chế, chính sách và nguồn lực. Do thực hiện các tiêu chí quận mà người dân được thụ hưởng những công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày một tốt hơn.

Trong số 27 tiêu chí quận đối với cấp huyện, Hoài Đức còn một số tiêu chí thực hiện khó khăn, như: Tiêu chí xử lý nước thải đô thị, tiêu chí cân đối thu - chi ngân sách... Với những tiêu chí này, huyện Hoài Đức đã có giải pháp như đề nghị thành phố đẩy nhanh xây dựng các dự án nước thải tập trung, chủ động kêu gọi thu hút đầu tư, hình thành các dự án cụm công nghiệp mới để tăng nguồn thu…

Song song với phát triển xã thành phường, huyện thành quận, Hoài Đức tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, giữ nét đặc sắc của những xóm làng truyền thống, tiếp tục quan tâm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là với 9 xã vùng bãi trên địa bàn, phát triển làng nghề… để nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân. Huyện Hoài Đức phấn đấu đến năm 2025 có 80% số xã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao và 20% số xã hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu.

Tạo bước chuyển cho phát triển đô thị từ OCOP

Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh song huyện Hoài Đức vẫn luôn coi trọng việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng xây dựng các sản phẩm, thương hiệu nông nghiệp chất lượng cao.

Nhờ vậy, sản phẩm nông sản của huyện được tiêu thụ rộng khắp cả nước, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xã hội, làm giàu cho người dân. Để phát huy những giá trị tiềm năng của 53 làng nghề và 12 cụm làng nghề cùng rất nhiều sản phẩm nông sản đặc sản thế mạnh, huyện Hoài Đức đã đẩy mạnh triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện, qua đó khẳng định thương hiệu qua từng sản phẩm OCOP.

Cụ thể, huyện Hoài Đức đã phát triển vùng chuyên canh tập trung cây ăn quả có giá trị kinh tế cao với tổng diện tích khoảng 1.091 hecta, gồm một số loại cây ăn quả chủ yếu như nhãn chín muộn, bưởi, phật thủ, ổi táo. Trong đó, cây Bưởi 310 hecta, sản lượng: 5.360 tấn, đạt giá trị 500 triệu đồng/ha; Nhãn chín muộn: 182 ha, sản lượng: trên 2.144 tấn, đạt giá trị 500 – 1 tỷ đồng/ha; Ổi 158 ha; táo 110ha cho giá trị thu nhập từ 500 – 700 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, vùng rau an toàn với tổng diện tích gần 300 hecta đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

Trong đó, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX rau an toàn Tiền Lệ (xã Tiền Yên), HTX Nông nghiệp Cát Ngòi (xã Cát Quế ) đạt 58,5 ha và 80ha mô hình áp dụng hệ thống giám sát PGS tại xã Vân Côn, Song Phương.

Các sản phẩm nông sản có chất lượng cao của huyện như rau an toàn Tiền Lệ, bưởi đường Quế Dương, Nhãn chín muộn Song Phương,… đã kết nối và tiêu thụ qua kênh siêu thị, đặc biệt sản phẩm nhãn chín muộn đã được xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Ba Lan, Australia.

Các HTX ở Hoài Đức đang đặc biệt chú trọng xây dựng các sản phẩm, thương hiệu nông nghiệp chất lượng cao.

Các HTX ở Hoài Đức đang đặc biệt chú trọng xây dựng các sản phẩm, thương hiệu nông nghiệp chất lượng cao.

Các sản phẩm nông sản của huyện đã được tiêu thụ trên khắp cả nước, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như mở rộng cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt gần 70 triệu đồng/người/năm, huyện không còn hộ nghèo.

Phong trào đi vào chiều sâu, bền vững

Theo Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Trúc Anh, thực tế cho thấy, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra khá nhanh, mở ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng mang đến không ít thách thức cho các khu vực ven đô. Tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là bước chuyển để các địa phương tạo nền tảng phát triển đô thị trong tương lai.

Trong xây dựng NTM nâng cao, các tiêu chí thành phố Hà Nội đặt ra cũng cao hơn NTM thông thường, nhiều tiêu chí tiệm cận với các tiêu chí của phường. Đây được xem là cơ hội để các địa phương phát triển thành phường trong tương lai.

Nhờ vào quá trình xây dựng NTM, hiện nay việc triển khai hệ thống kết cấu hạ tầng khung của huyện đang hình thành, kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch.

Ông Nguyễn Trúc Anh cho biết, với truyền thống quê hương anh hùng, vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được trong xây dựng NTM.

Đồng thời, huyện từng bước hoàn thành các tiêu chí huyện trở thành quận, tạo tiền đề hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 (nhiệm kỳ 2020 - 2025), xây dựng quê hương Hoài Đức ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Đô thị hóa là xu thế tất yếu đối với nông thôn Hà Nội. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, lộ trình đến năm 2025 thành phố sẽ có thêm 5 huyện trở thành quận.

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, thành phố Hà Nội đã có 100% số xã và 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Hiện tại, các xã của Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nang-chat-tieu-chi-nong-thon-moi-theo-huong-do-thi-1094529.html