Mỹ nâng cấp căn cứ quân sự ở Guam và Australia đối phó với các thách thức
Lầu Năm Góc sẽ tập trung xây dựng căn cứ quân sự ở đảo Guam và Australia nhằm đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói vào ngày 29/11.
Theo hãng CNN, quyết định này được đưa ra sau cuộc rà sát khả năng sẵn sàng trên toàn cầu của quân đội Mỹ. Giới chức Mỹ cho biết chi tiết cuộc rà sát sẽ được giữ bí mật với cả đồng minh.
Trong báo cáo đánh giá vị thế sẵn sàng toàn cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ, động thái này được xem là chủ trương của Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin từ tháng 2/2021. Ông Austin đã đánh giá tình hình toàn cầu, phân loại và cung cấp thông tin chi tiết sau quá trình nghiên cứu.
Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết trạng thái triển khai quân sự trên toàn cầu của quân đội Mỹ sẽ không thay đổi hoàn toàn. "Trong năm đầu tiên của chính quyền mới, chúng tôi sẽ đưa ra thay đổi lớn ở cấp chiến lược với tình hình hiện tại. Trong những năm tới, bạn sẽ thấy cán cân thay đổi nhiều hơn", người này cho biết.
Theo Tiến sĩ Mara Karlin – Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã phê duyệt các khuyến nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin thông qua đánh giá tình hình toàn cầu.
"Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một trong các trọng tâm chính, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã nhấn mạnh Trung Quốc đang là "thách thức gia tăng" đối với Mỹ", một quan chức cấp cao cho biết.
Kể từ khi vào Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xem Trung Quốc là ưu tiên trong chính sách đối ngoại chính trong bối cảnh các căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang. Vào tháng trước, ông Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cho biết, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh trong khoảng thời gian rất gần với Sputnik của Nga.
Quan chức này cho rằng để đối phó với các thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, bản báo cáo đã nêu rõ chỉ đạo từ Bộ Quốc phòng Mỹ là tăng cường "cơ sở hạ tầng quân sự" ở đảo Guam và Australia, ưu tiên xây dựng quân sự trên các quần đảo Thái Bình Dương cũng như tìm kiếm khả năng tiếp cận rộng rãi hơn trong các hoạt động đối tác quân sự ở khu vực.
"Ở Australia, bạn sẽ thấy các cuộc triển khai máy bay chiến đấu và máy bay ném bom luân phiên điều động đến Australia. Các cuộc diễn tập của lực lượng thực địa hay gia tăng hợp tác hậu cần triển khai khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bạn cũng có thể nhìn thấy hàng loạt các cải tiến về cơ sở hạ tầng ở Guam, Khối Thịnh vượng chung của Quần đảo Bắc Mariana và Australia", Tiến sỹ Karlin nói trong cuộc họp báo.
"Bản đánh giá tình hình toàn cầu của Mỹ đã yêu cầu Bộ Quốc phòng tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và giảm quân số cũng như trang thiết bị ở các khu vực khác trên thế giới. Đây là tín hiệu cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và tăng cường các hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương", quan chức này nhấn mạnh.
Phản ứng với Nga và Trung Đông
Về phía Nga, Bộ Quốc phòng Mỹ đã từ chối cung cấp thông tin cụ thể về cách thức hoạt động rà soát tình hình của quân đội Mỹ. Cụ thể, một trong những mục tiêu của cuộc rà soát là thiết lập lại các tiêu chuẩn sẵn sàng để quân đội Mỹ có thể linh hoạt và phản ứng nhanh với "bất kỳ cuộc khủng hoảng nào".
Quân đội Mỹ hiện đang nỗ lực thiết lập lại vị thế sẵn sàng ứng phó ở Đông Âu với mục tiêu tăng cường khả năng răn đe đáng tin cậy trong chiến đấu, đối phó với thách thức ở khu vực cũng như sự gia tăng ảnh hưởng của Nga, điều phù hợp với hoàn cảnh khu vực", quan chức này khẳng định nhưng không cung cấp chi tiết thông tin.
Tại Trung Đông, bản đánh giá yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục hỗ trợ chiến dịch đánh bại khủng bố ISIS, xây dựng năng lực quân sự cho đối tác ở các quốc gia trong khu vực. Nhìn chung, bản đánh giá đặt ra định hướng phát triển cân bằng quân sự bền vững ở Trung Đông, quan chức này cho biết.
Theo quan chức này, Afghanistan sẽ không được xem xét chính thức trong bản báo cáo vị thế quân sự toàn cầu vì nước này vẫn duy trì quy trình "riêng biệt" do Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thẩm định, và cơ quan này hiện đang xem xét lại chặng đường phía trước đối với sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này.
Theo hãng CNN, Mỹ đã có khoảng 75 cuộc tham vấn với đồng minh và đối tác, cùng nhau xem xét đánh giá tình hình toàn cầu trước khi đưa ra bản báo cáo.
"Các đồng minh của Mỹ bao gồm NATO, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và hơn chục đối tác khắp Trung Đông và châu Phi đã tham gia thảo luận và đánh giá về vấn đề này", Tiến sỹ Karlin nhấn mạnh.
Bản đánh giá không bao gồm đánh giá về năng lực hạt nhân, không gian và không gian mạng bởi vì các vấn đề này đã được đề cập cụ thể trước đó, quan chức này lưu ý.