Mỗi cán bộ công đoàn là một tuyên truyền viên về phòng, chống tệ nạn ma túy

Hàng chục cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở và 200 công nhân, lao động thành phố Hải Phòng lần đầu tiên được tham gia chương trình trải nghiệm thực tế về tuyên truyền phòng, chống ma túy trong đoàn viên, công nhân viên chức lao động nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024 tại Cơ sở cai nghiện Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Truyền thông phòng, chống ma túy trong đoàn viên, công nhân, viên chức lao động tại Cơ sở cai nghiện Gia Minh (Hải Phòng).

Truyền thông phòng, chống ma túy trong đoàn viên, công nhân, viên chức lao động tại Cơ sở cai nghiện Gia Minh (Hải Phòng).

Thực hiện Kế hoạch số 91 ngày 18/6/2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tổ chức tuyên truyền, tập huấn giáo dục truyền thông về phòng, chống ma túy cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, sáng 26/6, tại Trung tâm cai nghiện ma túy Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình trải nghiệm thực tế tuyên truyền phòng, chống ma túy trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng của tội phạm ma túy

Chia sẻ tại chương trình, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: mỗi cán bộ công đoàn cần nắm rõ, lực lượng công nhân, viên chức lao động là lực lượng trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đây là lực lượng ở độ tuổi sung sức, không chỉ lao động tại các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, mà họ còn mang một chức phận quan trọng trong mỗi gia đình.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại chương trình.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại chương trình.

Gần đây, do có nhiều sự tác động trong xã hội, đặc biệt, thủ đoạn của các loại tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, cùng sự xuất hiện của nhiều loại ma túy tổng hợp len lỏi vào mọi mặt của đời sống.

Chính vì lẽ đó, nguy cơ dính mắc vào ma túy là hiện hữu với bất kỳ ai. Nếu chúng ta không cảnh giác, đấu tranh và vượt qua chính mình, bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng của tội phạm ma túy.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu mong tất cả các cán bộ công đoàn có mặt trong buổi tuyên truyền ngày hôm nay cần nắm chắc những nội dung cơ bản của Luật Phòng chống ma túy năm 2021. Từ đó, làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh giác, cảnh tỉnh anh chị em công nhân tránh xa ma túy.

Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể để mỗi cán bộ công đoàn là tuyên truyền viên, tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy, phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy tới đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; Góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa của công nhân lao động, vận động công nhân lao động tích cực hơn nữa trong việc tham gia đấu tranh và đẩy lùi ma túy, hướng tới mục tiêu vì cộng đồng không ma túy.

Tuyên truyền viên chia sẻ về tác hại của ma túy, nhất là các dạng ma túy mới hiện nay.

Tuyên truyền viên chia sẻ về tác hại của ma túy, nhất là các dạng ma túy mới hiện nay.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cảnh báo: một người nghiện, sẽ kéo theo rất nhiều người nghiện. Họ không chỉ kéo cuộc sống riêng của họ đi xuống mà còn hệ lụy đến cả người thân, gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị nơi họ làm việc. Do đó, trong công tác của tổ chức công đoàn, cần chú trọng công tác phòng ngừa, nhất là đối với các đối tượng công nhân, lao động từ vùng sâu, vùng xa về các thành phố lớn về làm việc.

Theo Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy ( Bộ Công an) tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và nước ta ngày càng có những diễn biến phức tạp.

Cùng với sự xuất hiện của các loại ma túy thế hệ mới, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các chất ma túy tổng hợp, chất hướng thần có xu hướng gia tăng, kéo theo tình trạng chứa chấp, tổ chức, lôi kéo các đối tượng sử dụng ma túy có xu hướng phức tạp. Trong đó, công nhân, lao động là đối tượng có nguy cơ cao mà tội phạm ma túy hướng tới nhằm lôi kéo, dụ dỗ từ hành vi sử dụng trái phép đến hành vi tàng trữ, vận chuyển ma túy.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng Lê Thị Thanh Thủy cho biết: Tuyên truyền giúp công nhân lao động hiểu rõ tác hại, chủ động tránh xa ma túy là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp công đoàn.

Tại Hải Phòng, Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động huyện Thủy Nguyên thường xuyên phối hợp Cơ sở cai nghiện ma túy Gia Minh có những buổi tuyên truyền tại chỗ tới công nhân lao động.

Đây là hoạt động giáo dục thực tiễn, có giá trị tuyên truyền cao được nhiều công đoàn cơ sở trong huyện và thành phố hưởng ứng.

Buổi trải nghiệm ý nghĩa, nhân văn

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Mạnh Tiêm cho biết: Năm 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định phải đổi mới công tác truyền thông. Cụ thể là có nhiều sản phẩm truyền thông ngắn gọn, tiện lợi để đưa đến tận các cơ quan truyền thông của công đoàn, chú trọng công tác truyền thông qua mạng xã hội.

Thăm quan xưởng gốm.

Thăm quan xưởng gốm.

Về công tác truyền thông về tác hại của ma túy, Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn đã sản xuất những clip ngắn đưa xuống tận cơ sở để công nhận, lao động hiểu được tác hại cũng như các phương pháp phòng tránh tác hại của ma túy.

Năm 2024, Tổng Liên đoàn đã tập trung tuyên truyền tại 5 tỉnh cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất với mong muốn qua các buổi tuyên truyền, mọi đoàn viên, công nhân lao động hiểu được tác hại của ma túy, tự mình phòng chống, tự mình tạo ra đề kháng với ma túy.

6 địa phương được lựa chọn để tổ chức các lớp tập huấn giáo dục, truyền thông về phòng, chống ma túy cho công nhân, lao động gồm: Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Nghệ An, Vĩnh Phúc.

Với mục tiêu công nhân lao động tích cực hưởng ứng làm sạch ma túy ở cơ sở, xã, phường. Trong đó, Hải Phòng là đơn vị được lựa chọn triển khai đầu tiên.

Tại buổi truyên truyền, các cán bộ công đoàn, học viên cai nghiện đã lắng nghe Phó Trưởng phòng Giáo dục- tư vấn Phạm Văn Nguyên tư vấn tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục- tư vấn Đoàn Thị Hạnh chia sẻ về tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp và các dạng ma túy mới hiện nay.

Sau chương trình tuyên truyền, tư vấn, giao lưu, các đại biểu đi tham quan các khu điều trị, cắt cơn; mô hình phát triển kinh tế của học viên cơ sở cai nghiện ma túy Gia Minh.

Cơ sở cai nghiện ma túy Gia Minh được thành lập từ tháng 12/2003, hiện đang quản lý, điều trị cai nghiện cho hơn 600 học viên. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, ấn tượng khi đến đây với diện tích rộng hơn 70 ha được phủ 1 màu xanh cây lá, chủ yếu là cây thuốc nam.

Thăm quan khu điều trị, cắt cơn.

Thăm quan khu điều trị, cắt cơn.

Trong không gian hiền hòa với núi rừng, thiên nhiên, thày trò nơi đây đã xây dựng và hình thành một văn hóa ứng xử: 3 không "Không hàng rào, không bạo lực và không công cụ hỗ trợ", 3 cùng "Cùng ăn, cùng ở, cùng làm" và 4 biết "Biết tên, biết diện, biết mặt, biết nhân thân", giúp tình hình an ninh trật tự luôn được giữ gìn bảo đảm an toàn. Ngoài ra, sự yên ổn ở đây còn được thực hiện theo hướng "Mở, thân thiện và tự nguyện".

Người lớn tuổi nhất hiện đang cai nghiện ở trung tâm là 74 tuổi, nhỏ nhất mới chỉ đang học lớp 6. Đại diện cơ sở cai nghiện cho biết: do sử dụng "kép" nhiều loại ma túy tổng hợp, xu hướng người nghiện ngày càng trẻ hóa. Cơ sở từng tiếp nhận hàng chục trẻ vị thành niên. Từ đầu năm 2024, cơ sở tiếp nhận hơn 10 trẻ vị thành niên.

Tuyên truyền viên và cán bộ công đoàn trao đổi về các biện pháp phòng, chống tệ nạn ma túy.

Tuyên truyền viên và cán bộ công đoàn trao đổi về các biện pháp phòng, chống tệ nạn ma túy.

Đến thăm khu điều trị, cắt cơn của những học viên đang cai nghiện, những người tham gia trải nghiệm không khỏi xót xa với sự đau đớn, u mê do ma túy hành hạ người nghiện đang trong giai đoạn cắt cơn. Các cán bộ công đoàn đều bày tỏ sự xúc động và để lại lời nhắn gửi đa số đối tượng đang cai nghiện trong độ tuổi lao động chính rằng hãy cố gắng vượt lên chính mình, chiến thắng bản thân, hoàn thành hành trình cai nghiện, trở về hòa nhập gia đình, cộng đồng.

Là Chủ tịch Liên đoàn Lao động tại huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Thị Hương bày tỏ sự tâm đắc khi được tham gia và trải nghiệm chương trình rất ý nghĩa và nhân văn này. Chị Hương cho biết; địa bàn huyện Vĩnh Bảo có đông cụm và khu công nghiệp với lượng công nhân lao động xấp xỉ 15 nghìn người, dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục thu hút số công nhân lao động về làm việc đông hơn nữa, trong đó có nhiều lao động nhập cư.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Bảo cho biết, sau buổi trải nghiệm này, với tư cách là Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, tôi sẽ về triển khai họp với Ban Thường vụ, Ban chấp hành lao động huyện để xây dựng chương trình hành động cụ thể.

Đồng thời,phối hợp, triển khai với các ngành chức năng: công an huyện, ban Tuyên giáo- nữ công Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng tổ chức truyền truyền cho đối tượng công nhân, lao động ở các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Tân Liên, cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn để trang bị nhận thức để đoàn viên công đoàn, cán bộ công đoàn có những hiểu biết để tránh xa tác hại của ma túy.

Chương trình nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma túy, về hậu quả, tác hại của ma túy cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa tới đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động;

Đồng thời tạo chiến dịch truyền thông rộng khắp về phòng, chống ma túy trong công nhân, viên chức, lao động. Góp phần tích cực vào việc tạo ra môi trường sống lành mạnh và làm việc tốt nhất cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/moi-can-bo-cong-doan-la-mot-tuyen-truyen-vien-ve-phong-chong-te-nan-ma-tuy-post816180.html