Mô hình nông nghiệp công nghệ cao: Thiếu liên kết, khó phát triển
Giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, UBND tỉnh Bắc Giang và các huyện đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng để quy hoạch, xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại các địa phương. Tuy nhiên, nhiều hộ dân, HTX tham gia lúng túng lựa chọn cây trồng cho phù hợp, cộng với thiếu sự quan tâm, giám sát, hỗ trợ từ ngành chức năng dẫn tới lãng phí vốn đầu tư, nhiều mô hình chưa phát huy hiệu quả.
Lúng túng chọn giống, mạnh ai nấy làm
Năm 2018, hộ bà Trương Thị Tý, thôn Bãi Lời, xã Tam Dị được UBND huyện Lục Nam hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng hơn 1.000 m2 nhà màng. Bà Tý đầu tư thêm hơn 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống đèn sưởi, tưới nước tự động phục vụ sản xuất. Từ khi đầu tư xây dựng nhà lưới này, bà liên tục đưa vào thâm canh các loại dưa lưới, dưa leo Maya của Israel…
Nhờ tuân thủ hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam nên năng suất, chất lượng dưa luôn đạt cao, được khách hàng ưa chuộng. Từ trồng dưa, mỗi năm gia đình thu lãi hơn 150 triệu đồng/1.000 m2, cao hơn 3 lần so với trồng rau. Bà Tý chia sẻ, để thâm canh hiệu quả, sau từ 2-3 vụ, người trồng phải chuyển đổi giống cây khác. Ngoài ra, chủ vườn phải rửa chua (mỗi năm ít nhất 1 lần), xử lý mầm bệnh cho đất hoặc thay bằng giá thể theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp thì thâm canh mới hiệu quả.
Tuy nhiên, không phải hộ nào có nhà màng, nhà lưới cũng tuân thủ kỹ thuật và sản xuất hiệu quả như hộ bà Tý. Tại xã Bảo Đài (Lục Nam), nhiều gia đình như: Hộ ông Nguyễn Văn Thực, Vũ Anh Thái (thôn Thuẫn); ông Nguyễn Đức Thân, thôn Trung Đồng; Nguyễn Văn Phương, thôn Chấu hay hộ ông Nguyễn Văn Lạng, thôn Núi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang)… còn lúng túng khi chọn giống cây trồng. Các hộ này chuyển sang trồng nho - giống cây lâu năm không được khuyến khích trồng trong nhà màng, nhà lưới. Nhiều hộ đã trồng nho hơn 1 năm nhưng cây chưa mang lại hiệu quả.
Nhiều hộ ở thôn Chàng, xã Việt Tiến (Việt Yên) như: Hộ ông Giáp Văn Huân, Nguyễn Văn Thịnh, bà Nhữ Thị Xuyến còn chuyển sang trồng cây lâu năm như: Mít Thái, bưởi... Cá biệt, HTX Nông nghiệp tổng hợp Minh Tâm, thôn Chàng còn cho thuê nhà lưới để trồng nho. Một số thành viên HTX trồng ngô, lạc, thậm chí bỏ hoang vì không biết chọn loài cây trồng phù hợp.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, hiện có ít chủ thể tham gia mô hình sản xuất NNCNC có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, hầu hết vẫn mạnh ai nấy làm. Nhiều hộ không tuân thủ kỹ thuật thâm canh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, dẫn tới sản phẩm làm ra chất lượng còn hạn chế, hiệu quả không cao.
Tăng cường quản lý, hình thành chuỗi liên kết
Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, từ năm 2017-2020, UBND tỉnh đã hỗ trợ 56,4 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng hơn 40,7 ha với 184 mô hình nhà màng ở 10/10 huyện, TP (chưa kể hàng chục tỷ đồng các huyện, TP đầu tư xây dựng hàng trăm mô hình NNCNC ở các địa phương). Mỗi hộ, HTX tham gia được hỗ trợ từ 100 triệu đến hàng tỷ đồng (tùy diện tích và mô hình do cấp huyện hay tỉnh hỗ trợ).
Mục tiêu nhằm hình thành và phát triển các vùng sản xuất rau an toàn và hoa theo hướng chuyên canh, áp dụng khoa học công nghệ. Sản xuất theo hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng suất, chất lượng; tạo sản phẩm rau an toàn hàng hóa cung cấp cho thị trường.
Tuy nhiên, nhiều khu sản xuất NNCNC hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân là do các chủ thể tham gia không có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; không có khu sơ chế, bảo quản, đóng gói sản phẩm trước khi xuất bán.
Giai đoạn từ năm 2017-2020, UBND tỉnh hỗ trợ 56,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để xây dựng hơn 40,7 ha với 184 mô hình nhà màng ở 10/10 huyện, TP (chưa kể hàng chục tỷ đồng từ ngân sách các huyện, TP đầu tư xây dựng hàng trăm mô hình NNCNC ở các địa phương).
Bà Nguyễn Thị Tú, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Minh Tâm chia sẻ, trước đây, các thành viên HTX trồng rau, màu, gồm: Cải ngọt, măng tây, su hào, rau muống… nhưng hiệu quả thấp nên hơn 3 ha nhà lưới hư hỏng mà không có kinh phí sửa chữa. HTX đành “buông” để thành viên tự xoay sở. “Sau gần 1 năm bỏ hoang, thời điểm này mới có 1 đối tác của Nhật Bản đến kiểm tra mẫu đất để hợp đồng sản xuất rau cho các nhà máy tại Việt Nam”, bà Tú nói.
Trao đổi với ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, được biết do dịch Covid-19 bùng phát, giá rau, màu, hoa chất lượng cao bấp bênh, cơ sở vật chất các khu sản xuất NNCNC chưa đồng bộ... nên hơn 1 năm qua, nhiều khu vực sản xuất NNCNC gặp khó. Thị trường biến động, các liên kết, hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hầu như không còn.
Trong tháng 5 này, đơn vị sẽ cho kiểm tra, rà soát các mô hình trồng cây sai mục đích và hoạt động không hiệu quả. Đồng thời tổ chức hội nghị để cùng đại diện các chủ nhà màng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát, đến nay chưa thực hiện được.
Rõ ràng, việc các hộ, HTX tham gia sản xuất NNCNC gặp khó khăn từ lâu. Song có lẽ chính quyền địa phương và ngành chức năng không sát sao, nhiều hộ đã tự chuyển đổi cây trồng sai mục đích nhưng không bị kiểm tra, ngăn chặn và xử lý dẫn tới hoạt động sản xuất tại các khu NNCNC chưa thực sự hiệu quả.
Việc UBND tỉnh và các huyện, TP hỗ trợ xây dựng các khu sản xuất NNCNC là phù hợp xu thế sản xuất nông nghiệp hiện nay. Song các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng cần thường xuyên quan tâm theo dõi, định hướng sản xuất, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn về giống và thay đổi tư duy cho nông dân sản xuất NNCNC.
Bởi mô hình này không chỉ là xây dựng nhà lưới hay nhà màng mà phải hoạt động và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Cùng đó, chủ mô hình nghiêm túc thực hiện các cam kết khi được hỗ trợ nhà màng, nhà lưới; chủ động, tích cực hơn trong sản xuất kinh doanh. Có như vậy mô hình NNCNC mới hiệu quả, bền vững.
Bài, ảnh: Thế Đại