Quy định chính sách tiền lương nhà giáo chưa rõ ràng, ĐBQH đề nghị xây dựng bảng lương riêng, tăng phụ cấp thu hút, ưu đãi giáo viên

Góp ý quy định về tiền lương trong Luật Nhà giáo, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề xuất xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo cao hơn các ngành nghề khác. Đồng thời cần tăng phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi nghề.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề xuất xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo cao hơn các ngành nghề khác.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề xuất xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo cao hơn các ngành nghề khác.

Quy định về chính sách tiền lương nhà giáo chưa rõ ràng; phụ cấp ưu đãi chưa đủ hấp dẫn

Góp ý về chính sách tiền lương cho nhà giáo quy định tại Điều 27, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau.

Đại biểu cũng cho rằng quy định về các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Đại biểu nhấn mạnh, việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ.

Từ đó nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở vùng ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này.

Đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, tăng phụ cấp thu hút, ưu đãi nghề

Đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp.

Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương.

Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.

Về chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Điều 28, dự thảo luật quy định chung chung về chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chính sách khác là chưa rõ ràng về cách triển khai và đối tượng áp dụng.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn chính sách chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp, như khám sức khỏe định kỳ, miễn phí hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp.

Nâng mức phụ cấp lưu động và mở rộng phạm vi hỗ trợ cho nhà giáo biệt phái hoặc dạy liên trường, đảm bảo tối thiểu 50% chi phí đi lại.

Đối với chính sách thu hút nhà giáo tại Điều 29, đại biểu cho rằng quy định của dự thảo luật chưa có tiêu chí cụ thể để thu hút người có trình độ cao, người có tài năng làm nhà giáo.

Do đó, đại biểu đề nghị xây dựng chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính đặc biệt để đào tạo người có trình độ cao trở thành nhà giáo.

Tăng mức phụ cấp thu hút lên gấp hai lần lương cơ bản đối nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian đầu.

Đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi

Về chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc tại Điều 30 và Điều 31, đại biểu Thạch Phước Bình nêu quan điểm: Chính sách nghỉ hưu sớm không bị trừ tỷ lệ lương hưu chỉ áp dụng cho một số đối tượng có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong đội ngũ nhà giáo.

Quy định về kéo dài thời gian làm việc, mà chưa xem xét đầy đủ nhu cầu và nguyện vọng của nhà giáo ở các bậc học khác nhau ngoài đại học. Từ đó một số nhà giáo giỏi không có cơ hội cống hiến thêm, trong khi đội ngũ kế cận chưa được chuẩn bị tốt.

Đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu, bao gồm nhà giáo ở tất cả các bậc học và vùng khó khăn.

Xem xét kéo dài thời gian làm việc không chỉ cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, mà còn cho những nhà giáo có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác giảng dạy./.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quy-dinh-chinh-sach-tien-luong-nha-giao-chua-ro-rang-dbqh-de-nghi-xay-dung-bang-luong-rieng-tang-phu-cap-thu-hut-uu-dai-giao-vien-119241120120936694.htm