Những thuế, phí nào có thể tiếp tục giảm trong năm 2025?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong cả năm 2025.

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng đầu năm 2025, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn,...

Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 khoảng 25 nghìn tỷ đồng, tương ứng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng. Trong đó, giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng.

 Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong cả năm 2025. (ẢNh: ST)

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong cả năm 2025. (ẢNh: ST)

Nêu rõ lý do đề nghị giảm thuế, Bộ Tài chính cho rằng việc xây dựng Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng thông báo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2025.

Theo Bộ Tài chính, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, do vậy sẽ đặt ra nhiều thách thức trong việc kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng để hoàn thành được mục tiêu phát triển kinh tế theo Kế hoạch 5 năm đã đề ra.

Việc mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng về bằng mức trần của Biểu khung thuế (trừ dầu hỏa) từ ngày 01/01/2025 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát và tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Do vậy, để hạn chế những yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục duy trì thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả để củng cố thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó việc thực hiện giải pháp giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã thực hiện trong các năm 2023, 2024 để áp dụng sang năm 2025 là cần thiết.

Liên quan tới khoản thuế này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tình việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong năm 2025. Đây là giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

VCCI phân tích: Giá xăng dầu thế giới trong năm 2025, đặc biệt là giai đoạn đầu năm, được dự đoán là sẽ có biến động mạnh do các yếu tố chính trị và xung đột vũ trang.

“Do đó, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để có các phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời”, VCCI nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-thue-phi-nao-co-the-tiep-tuc-giam-trong-nam-2025-post322112.html