Miền Bắc oi nóng do ảnh hưởng của bão Ewiniar dù bão không vào Biển Đông?

Nhiều tỉnh thành ở miền Bắc nước ta đang rất nóng, oi bức. Đây có phải là do ảnh hưởng của bão Ewiniar (Aghon) - cơn bão đầu tiên ở khu vực trong mùa bão 2024, dù Ewiniar không đi đến gần nước ta?

Thời tiết ở phần lớn miền Bắc và miền Trung nước ta đang rất oi nóng. Ở nhiều địa phương, tuy trời không nắng gắt cả ngày nhưng nhiệt độ rất cao từ sáng đến tận tối, khiến người dân dễ mệt mỏi, nhức đầu.

Những đợt nóng như thế này thực ra thường xuất hiện khi trong khu vực có bão. Hiện tại, bão Ewiniar (ở Philippines gọi là bão Aghon, Nhật Bản gọi là bão số 1) vừa vòng ra biển sau khi đổ bộ đến 8 lần vào Philippines. Sáng nay, 27/5, Ewiniar vẫn đang ở vùng biển gần Philippines, đã đạt cấp bão rất mạnh, sức gió 165 km/h.

Vị trí hiện tại (hình xoáy màu cam) và dự báo đường đi của bão Ewiniar. Ảnh: Zoom Earth, JMA.

Vị trí hiện tại (hình xoáy màu cam) và dự báo đường đi của bão Ewiniar. Ảnh: Zoom Earth, JMA.

Theo Đài Khí tượng Hong Kong (Trung Quốc), đôi khi, thời tiết ở một vùng có thể trở nên rất nóng và ít gió khi trong khu vực có bão, dù vùng đó không bị bão ảnh hưởng trực tiếp. Đó là do không khí lắng xuống ở vòng bên ngoài của bão.

Cụ thể, khi không khí bị dồn mạnh lên cao ở gần tâm bão lên đến phía trên của tầng đối lưu, nó không bốc lên được nữa do lớp khí quyển nói chung là ổn định ở trên cao (tầng bình lưu). Vì vậy, không khí này sẽ trải ra các hướng. Cuối cùng, không khí sẽ lắng xuống ở vòng ngoài của cơn bão.

Không khí lắng xuống sẽ làm tăng nhiệt độ, nên thời tiết ở các vùng gần nơi có bão thường rất nóng và ngột ngạt, có khi còn như có sương mù.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), thời tiết cũng thường rất oi nóng khi có bão ở khu vực biển gần Philippines hoặc Đài Loan (Trung Quốc). Có 2 lần nhiệt độ không khí ở Hong Kong đạt mức kỷ lục là 36,6oC vào ngày 22/8/2017 và 36,3oC vào ngày 8/8/2015, đều liên quan đến không khí lắng xuống ở vòng ngoài của các cơn bão (Hato năm 2017 và Soudelor năm 2015).

Hình ảnh cho thấy miền Nam nước Úc rất nóng do ảnh hưởng của các vùng áp thấp (có thể thành bão, trong hình được ký hiệu bằng chữ L, có khoanh tròn) cách xa đến 2.000 km. Ảnh: Weatherzone.

Hình ảnh cho thấy miền Nam nước Úc rất nóng do ảnh hưởng của các vùng áp thấp (có thể thành bão, trong hình được ký hiệu bằng chữ L, có khoanh tròn) cách xa đến 2.000 km. Ảnh: Weatherzone.

Còn theo trang Futurity - một trang web phi lợi nhuận tập trung vào các nghiên cứu khoa học - thì nhiệt độ cao hơn trung bình thường xảy ra sau vài ngày kể từ khi bão hình thành, và xảy ra ở cả những vùng chỉ ở trong khu vực có bão chứ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão. Lý do là vì các cơn bão giống như những “máy bơm nhiệt” khổng lồ, chúng phân phối lại nhiệt trong một khoảng không gian rất rộng tính từ tâm bão.

Nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời ở một số tỉnh thành miền Bắc vào trưa và đầu giờ chiều mai, 28/5: Trời rất oi nóng. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.

Nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời ở một số tỉnh thành miền Bắc vào trưa và đầu giờ chiều mai, 28/5: Trời rất oi nóng. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.

Khi nhắc đến ảnh hưởng của bão, chúng ta thường nghĩ đến mưa to gió lớn, ngập lụt…, nhưng theo các nhà khí tượng thì những đợt nóng oi bức, ngột ngạt ở những vùng không bị ảnh hưởng trực tiếp cũng là một kiểu nguy hiểm nữa mà các cơn bão gây ra.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/mien-bac-oi-nong-do-anh-huong-cua-bao-ewiniar-du-bao-khong-vao-bien-dong-post1640797.tpo