Maria Sosyura - nữ điệp viên chuyên theo dõi chồng

Nữ điệp viên Naria, vợ của nhà thơ Ukraine Vladimir Sosyura, thường xuyên viết đơn tố giác về những gì xảy ra với chồng và các nhà văn Ukraine nổi tiếng. Đồng thời, bà kể về sự hợp tác của mình với cơ quan an ninh không chỉ với chồng mà còn với tình nhân, bác sĩ riêng và người quen biết tình cờ. Bà bị kết án 10 năm tù về tội làm lộ bí mật quốc gia. Vụ án về sau được xem xét lại, và khi ra tù, Maria lại trở về với chồng cũ.

Mối tình sét đánh

Vladimir Sosyura kết hôn ba lần. Lần thứ nhất vào năm 1922 với Vera Berzina, khi ông đang học ở Kharkov. Cuộc hôn nhân của họ tan vỡ do quan điểm chống Ukraine của vợ, nữ chính ủy đại đội kỵ binh Hồng quân. Tình yêu đích thực đến với Vladimir vào năm 1931, khi ông gặp Maria Danilova.

Tình cảm của Vladimir Sosyura không phai nhạt ngay cả khi ông phát hiện ra Maria được các cơ quan tình báo Liên Xô giao nhiệm vụ theo dõi ông suốt 8 năm trời.

Vladimir Sosyura sinh năm 1898 tại thành phố Debaltsevo, tỉnh Donetsk. Trong cuộc cách mạng 1917-1921, ông chiến đấu cho nước Cộng hòa Nhân dân Ukraine, sau đó, đứng về phía những người Bolshevik. Danh tiếng đến với nhà thơ vào những năm 1920, khi những bài thơ lãng mạn cách mạng của ông được xuất bản. Mặc dù được công nhận và trung thành với chế độ Xôviết, ông vẫn bị buộc tội “thành phần tư sản dân tộc”.

Nhà văn Vladimir Sosyura và vợ trong những năm 1930.

Nhà văn Vladimir Sosyura và vợ trong những năm 1930.

Ra đời ở thành phố Leningrad, Maria Danilova tốt nghiệp trường múa ba lê. Bà gặp nhà thơ hơn mình 12 tuổi trong buổi hòa nhạc nhân dịp sinh nhật Đại thi hào dân tộc Ukraine Shevchenko ở thành phố Stalino (nay là Donetsk).

Vài ngày sau khi gặp nhau, Vladimir Sosyura ngỏ lời cầu hôn Maria. Một thời gian dài, bà là người tình và nàng thơ duy nhất của ông, với bà ông đã sống những năm cuối đời. Những bài thơ của ông tặng bà đã được giảng dạy trong nhà trường phổ thông.

Cuộc sống gia đình của cặp vợ chồng trẻ không phải lúc nào cũng êm đẹp, đôi khi họ cãi nhau. Maria từng ném máy chữ của Vladimir ra ngoài cửa sổ, xé bản thảo, cắt cà-vạt của ông. Bạn bè nhà thơ coi bà là kẻ buôn chuyện, lắm mưu mô, tham tiền và danh vọng.

Để không làm hoen ố hình ảnh nàng thơ của Sosyura, trong các cuốn sách giáo khoa và các bài báo, người ta thường gọi thông tin về việc Maria làm việc cho Bộ Dân ủy Nội vụ là chưa được xác nhận.

Có những ý kiến cho rằng vợ nhà thơ bị đàn áp vì từ chối hợp tác với chính quyền. Nhưng tài liệu điều tra được lưu giữ trong kho của Tổng cục An ninh Ukraine đã nói lên tất cả.

Ảnh chân dung Maria trong hồ sơ an ninh.

Ảnh chân dung Maria trong hồ sơ an ninh.

Trở thành điệp viên mật

Maria được Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô tuyển mộ vào mùa thu năm 1941, hoặc ở Moscow hoặc ở thành phố Ufa, nơi hai vợ chồng sơ tán từ Ukraine trong thời gian chiến tranh. Sau này, Maria tự xưng là "nhân viên phản gián". Theo Maria, bà được đào tạo để làm việc tại vùng chiếm đóng của Đức Quốc xã. Tuồng như bà phải tham gia hoạt động bí mật, ra đầu thú với quân Đức và sau khi bị bắt, trở thành điệp viên hai mang.

Chúng ta không biết điều này có đúng không. Nhiều khả năng là ngay từ đầu, nhiệm vụ chính của Maria là báo cáo về tâm trạng của chồng, người bị cơ quan an ninh nghi ngờ có thiện cảm với chủ nghĩa dân tộc. Các đồng nghiệp của Vladimir Sosyura cũng rơi vào tầm ngắm của cơ quan an ninh.

Nghiên cứu hồ sơ của Maria, nhà sử học Eduard Andryuschenko kể lại hai trường hợp bà tìm cách tố giác chồng và các đồng nghiệp của ông.

Trường hợp thứ nhất xảy ra ở Moscow, trong thời gian chiến tranh. Một lần, khi trò chuyện với chồng và người bạn chung của họ, một nhà phê bình văn học, Maria đã thốt ra một câu đại loại như: “Nếu nước Đức chiến thắng thì phải chạy sang phía họ”. Vladimir phẫn nộ trả lời rằng “bọn phát xít không có chỗ đứng trên trái đất”.

Sau này Maria giải thích rằng bà muốn thăm dò tư tưởng của Vladimir và người bạn của ông có mặt trong cuộc trò chuyện. Không khó để dự đoán điều gì sẽ chờ đợi nhà thơ nếu ông đồng ý.

Trường hợp thứ hai xảy ra vào mùa hè năm 1947. Lúc bấy giờ, gia đình Sosyura đã trở về căn hộ số 34 của họ trên phố Lenin (nay là phố Bohdan Khmelnytsky) ở Kiev.

Một lần, có vị khách tên là Mykola Gerby từ thành phố Lvov đến chơi. Trong đơn tố giác của mình, Maria gọi anh ta là "một thanh niên trẻ, đẹp trai, dũng cảm’’, thành viên của Tổ chức những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Mykola Gerby đưa ra những tuyên bố mang tính chất dân tộc chủ nghĩa và đảm bảo rằng Vladimir sẽ được quan tâm ở nước ngoài, nếu quyết định rời Liên Xô.

Gerby đến thăm cả những người hàng xóm của vợ chồng Sosyura: nhà thơ Maksym Rylsky ở căn hộ số 70 và tiểu thuyết gia Pyotr Panch ở căn hộ số 64.

“Và không biết mọi chuyện sẽ kết thúc thế nào nếu không có tôi”, - sau này, Maria viết. Rõ ràng, bà đã “bán đứng” chàng trai cho cơ quan an ninh. Không có thông tin gì về số phận tiếp theo của Mykola Gerby.

Vladimir và Maria trong những năm 1960.

Vladimir và Maria trong những năm 1960.

Phạm sai lầm chết người

Một trong những người đầu tiên biết Maria hoạt động bí mật là chồng bà. Không rõ chuyện này xảy ra như thế nào, nhưng nhà thơ vẫn tiếp tục chung sống với vợ. Maria không báo cáo cấp trên về việc Vladimir biết ông bị theo dõi. Thế nhưng bà lại kể với người tình của mình Nikolay Kravchuk, bác sĩ riêng Stepan Savchenko và một người mới quen tên là Grigory Mikhailovich về việc bà hợp tác với cơ quan an ninh. Không có nhu cầu gì đặc biệt - đơn giản là thuận miệng. Có lần, từ căn hộ của mình bà gọi điện thoại đến Bộ An ninh Quốc gia, và một người ngoài tình cờ nghe thấy. Trong giới thân cận của Sosyura có tin đồn về việc Maria hợp tác với chính quyền.

Năm 1948, Maria phạm một sai lầm chết người. Trong bức thư gửi ông Aleksandr Korneychuk, Chủ tịch Hội Nhà văn Cộng hòa XHCN Xôviết Ukraine, bà thừa nhận mình là điệp viên và tiết lộ một số công việc của mình (ví dụ như việc tố giác Mykola Gerby). Maria viết rằng bà đã nhiều lần gặp gỡ với những người quen ở khách sạn “Teatralnaya”, và điều này dẫn đến tin đồn về lối sống phóng đãng của bà. Nhưng bà đến đó không phải để gặp nhân tình của mình mà là người phụ trách ở cơ quan an ninh. Maria đề nghị Korneychuk dẹp bỏ những tin đồn tiêu cực, và không kể với ai về bức thư:

“Chúng tôi có luật của mình - viên đạn... Anh có thể tố giác tôi, và tôi sẽ nhận một phát súng... Tôi phó thác cuộc đời mình cho anh. Nếu tôi tự lộ diện, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc sẽ thủ tiêu tôi. Nếu anh tiết lộ tôi, chính quyền Xôviết sẽ giết tôi!”.

Nhưng Korneychuk không chấp nhận lời thỉnh cầu của Maria và đã chuyển bức thư cho các nhân viên an ninh. Có thể thông cảm với nhà văn - ông muốn bằng cách đó chứng minh lòng trung thành của mình.

Tháng 11/1949, nữ điệp viên Maria bị bắt. Căn hộ của bà không bị khám xét, vì người ta không muốn công khai vụ bắt giữ và gây khó khăn cho nhà thơ. Một thời gian dài, Vladimir Sosyura không biết vợ mình ở đâu.

Năm 1948, nhân sinh nhật lần thứ 50 của mình, Vladimir Sosyura được trao tặng giải thưởng cao quý nhất của Liên Xô trong lĩnh vực văn học nghệ thuật - Giải thưởng Stalin với số tiền thưởng 100.000 rúp. Theo hồi ức của con trai ông, với số tiền này, nhà thơ đã mua một chiếc ô tô “Moskvich-401”, một số đồ gỗ và gửi cho mẹ mình 12.000 rúp.

Bức thư của Maria tố giác Mykola Gerby.

Bức thư của Maria tố giác Mykola Gerby.

Bị kết án 10 năm tù

Các cuộc thẩm vấn Maria tiếp tục cho đến tháng 2/1950. Ngoài việc tiết lộ bí mật nhà nước, Maria còn bị buộc tội tuyên truyền chống Liên Xô. Maria không phủ nhận tội đầu tiên - bà mô tả tỉ mỉ những điều bà đã kể, cho ai và bao giờ - nhưng bà bác bỏ mọi cáo buộc “chống Liên Xô”. Điều tra viên Kozlov yêu cầu bà thú tội. Cuối cùng, người ta cũng moi được những lời khai của Maria, tuồng như bà đã viết 10 lá thư cho các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa XHCN Xôviết Ukraine để bôi nhọ cuộc sống ở Liên Xô và các nhà văn Ukraine.

Một bức thư của Maria được lưu giữ trong hồ sơ làm bằng chứng. Năm 1945, Maria phàn nàn với Nikita Khruschyov, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ukraine lúc bấy giờ, rằng nhà nước đã phớt lờ chồng bà một cách không đáng có và không tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động sáng tạo của ông. Bà gọi các nhà thơ Ukraine là những người tầm thường, ích kỷ, đố kỵ và hám danh.

Tháng 8/1950, Hội đồng Đặc biệt của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô đã kết án Maria 10 năm tù về tội “tiết lộ thông tin mật, viết và phát tán những bức thư có nội dung chống Liên Xô”. Bà từ chối ký vào bản án vì không thừa nhận mình phạm tội “chống Liên Xô”.

Những ngày cuối đời

4 năm tiếp theo, Maria ngồi tù ở Ural, Siberia và Kazakhstan. Một thời gian, Vladimir yêu cầu các cấp chính quyền trả tự do cho vợ mình, sau đó ông ly hôn vắng mặt và cưới một nhân viên đánh máy 26 tuổi.

Năm 1953, lãnh tụ Stalin từ trần, các tù nhân chính trị hy vọng được trả tự do. Trong số những người được ân xá có Maria Sosyura. Bà viết thư cho Nikita Khruschyov, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, yêu cầu không ân xá mà thẩm vấn lại. Bà muốn chứng minh rằng những bức thư cũ của bà không mang nội dung chống Liên Xô.

Yêu cầu của Maria được chấp nhận. Tháng 9/1954, ủy ban xét lại các vụ án hình sự đã giảm hình phạt của bà xuống còn 3 năm tù. Ít lâu sau, Maria được trả lại tự do và trở về Kiev. Khi biết chồng cũ đã có gia đình mới, bà chuyển đến sống cùng chị gái Serafyma.

Người chị gọi điện cho Vladimir Sosyura thông báo về việc Maria đã ra tù. Ngay lập tức ông đến và đưa bà trở về. Người con trai của nhà thơ kể lại trong một cuộc phỏng vấn rằng bố anh đã bế mẹ về nhà trên tay.

Nhà thơ ly dị người vợ thứ ba và tái hôn với Maria. Họ sống với nhau thêm 10 năm nữa cho đến khi Vladimir qua đời.

Năm 1992, Maria Sosyura được phục hồi danh dự hoàn toàn. Ủy ban Thẩm phán Tòa án thành phố Kiev nhất trí với quan điểm của viện công tố rằng chỉ có công chức mới có thể bị xử lý về tội tiết lộ bí mật nhà nước. Vụ án chống lại điệp viên tự do Maria đã khép lại vì thiếu yếu tố cấu thành tội phạm. Phần đời còn lại, Maria sống thanh thản bên con cháu. Qua đời năm 1995, bà được an táng tại nghĩa trang Baikovo ở Kiev - bên cạnh Vladimir Sosyura.

Kim Thanh Hằng

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/maria-sosyura-nu-diep-vien-chuyen-theo-doi-chong-i732003/