Malaysia hé lộ chính sách 'ngoại giao linh trưởng'

Malaysia có ý định tặng đười ươi cho các quốc gia nhập khẩu dầu cọ của họ. Động thái này nhằm xoa dịu những lo ngại rằng, việc sản xuất dầu cọ liên quan đến việc phá hủy môi trường sống của loài khỉ có nguy cơ tuyệt chủng.

Loài đười ươi có thể sống trong môi trường hoang dã ở đảo Borne và Sumatra ở Malaysia và Indonesia

Ý tưởng do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cây trồng và Hàng hóa Malaysia Johari Abdul Ghani đưa ra để xoa dịu những lo ngại về nạn phá rừng trong ngành dầu cọ trị giá hàng tỷ USD của nước này. Phát biểu tại diễn đàn về đa dạng sinh học tại Quỹ Bảo tồn xanh dầu cọ Malaysia (MPOGCF) hôm 7-5, Bộ trưởng Johari Abdul Ghani cho biết: “Đó là một chiến lược ngoại giao, chúng tôi sẽ tặng đười ươi cho các đối tác thương mại và quan hệ đối ngoại, đặc biệt là ở các nước nhập khẩu lớn như Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc”. Ông Johari Abdul Ghani nói thêm rằng, Malaysia không thể áp dụng cách tiếp cận phòng thủ đối với vấn đề dầu cọ. “Thay vào đó, chúng tôi cần cho các nước trên thế giới thấy rằng, Malaysia là nước sản xuất dầu cọ bền vững và cam kết bảo vệ rừng cũng như sự bền vững về môi trường”.

Hiện nay, Malaysia cùng với nước láng giềng Indonesia đang chiếm 85% sản lượng dầu cọ của thế giới. Ngành dầu cọ của Malaysia trị giá hơn 7,5 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm quốc nội của đất nước này. Dầu cọ là thành phần quan trọng trong sản xuất các sản phẩm từ son môi, dầu gội đến mì ăn liền và

socola. Tuy nhiên, theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF, việc sản xuất dầu cọ trên các đồn điền lớn đã góp phần quyết định vào việc làm mất đi đáng kể môi trường sống của đười ươi ở cả Malaysia và Indonesia. Theo thống kê, rừng nhiệt đới nguyên sinh rộng 124.000 km2 của Malaysia, nơi sinh sống của loài đười ươi cực kỳ nguy cấp, đã bị tàn phá do nhu cầu khai thác dầu cọ và các ngành khác ngày càng tăng. Ước tính có đến gần 1/5 diện tích rừng già trên cả Malaysia đã mất kể từ năm 2001.

Hình ảnh những con đười ươi ngồi trên những khu rừng cằn cỗi mới bị chặt phá gần đây đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của nạn phá rừng đang diễn ra ở cả 2 quốc gia, phần lớn là do các hoạt động chặt cây cối để thành lập các đồn điền dầu cọ. Tổ chức Bảo tồn Đười ươi cho biết trung bình có 2.000 đến 3.000 con đười ươi bị giết mỗi năm do mất môi trường sống vì nạn phá rừng và trồng cây cọ dầu, cũng như săn bắn trái phép và buôn bán thú quý hiếm.

Theo sách đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), 3 loài đười ươi còn sót lại được phân loại là “cực kỳ nguy cấp”. Số lượng đười ươi đã giảm mạnh trong 40 năm qua, từ hơn 288.000 năm 1973 xuống còn 104.000 năm 2012. Quần thể này dự kiến sẽ giảm xuống còn 47.000 con vào năm 2025 nếu nạn phá rừng tiếp tục.

Ý tưởng nói trên của Malaysia cũng xuất phát từ quy định sắp có hiệu lực của Liên minh châu Âu (EU), trong đó yêu cầu các thương nhân bán dầu cọ sang EU phải chứng minh sản phẩm của họ không liên quan đến nạn phá rừng. Bình luận về quy định mới của EU vào tháng 11-2023, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim kêu gọi EU ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các nước sản xuất dầu cọ trong việc đáp ứng quy định của EU, đồng thời nhấn mạnh rằng, Malaysia và Indonesia đã thực hiện các biện pháp tích cực để tuân thủ.

Kế hoạch này được Bộ trưởng Johari Abdul Ghani ví như “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc, trong đó Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã gửi gấu trúc khổng lồ đến các nước khác để thể hiện tình hữu nghị, thiện chí và ngoại giao. Theo chương trình này, Trung Quốc chỉ cho các vườn thú nước ngoài mượn gấu trúc và thường phải trả lại gấu trúc con trong vòng vài năm để tham gia chương trình nhân giống của nước này. Nói về đề xuất “ngoại giao linh trưởng” của mình, ông Johari Abdul Ghani cho biết: “Đây sẽ là biểu hiện cho cách Malaysia bảo tồn các loài động vật hoang dã và duy trì tính bền vững của các khu rừng của chúng ta, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển các đồn điền cọ”.

Chưa rõ chương trình này của Malaysia sẽ hoạt động như thế nào, chỉ biết họ không có chương trình nhân giống đười ươi, mặc dù có các trung tâm bảo tồn ở Sarawak và Sabah trên đảo Borneo. Trong khi đó, Bắc Kinh, nơi thực hiện chương trình nhân giống gấu trúc khổng lồ, thường cho mượn gấu trúc trong 10 năm với điều kiện các nước đáp ứng một số điều kiện nhất định để chăm sóc chúng. Đơ cử, Malaysia đã nhận được hai con gấu trúc vào năm 2014 và xây cho chúng một chuồng nuôi có máy điều hòa trị giá hàng triệu USD tại Vườn thú Quốc gia ở Kuala Lumpur.

Theo SCMP/Al Jazeera

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/malaysia-he-lo-chinh-sach-ngoai-giao-linh-truong-post575873.antd