Luật Thủ đô (sửa đổi): Có chính sách riêng để 'giữ chân' người tài

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có Điều 17, 18 đề cập đến chính sách đãi ngộ nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách thành phố để đãi ngộ nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô (Điều 17).

Đây là nội dung rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, được kỳ vọng là sẽ tạo ra "cú hích" tạo động lực phát triển cho Hà Nội.

Chính sách đúng nhưng chưa ‘trúng’

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cho rằng quy định thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng là cơ sở giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá, đạt được các mục tiêu đề ra.

Nhìn sang các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các quốc gia này hầu như không “ỷ lại” vào tài nguyên, mà chủ yếu dựa vào thu hút nhân tài để bứt phá và phát triển.

Đại biểu đánh giá cao nội dung Điều 17 trong Luật Thủ đô (sửa đổi), khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với phát triển, song cho rằng quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài tại Điều 17 còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi.

Đại biểu dẫn chứng giai đoạn 2013-2022, Hà Nội chỉ thu hút được 55 nhân tài là thủ khoa các trường đại học.

 Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo đó, đại biểu cho rằng “không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó có chính sách ‘lôi kéo’ thu hút họ” bởi thực tế chính phủ nhiều quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các cơ sở nghiên cứu... đã chủ động tìm kiếm, phát hiện nhân tài từ rất sớm, ngay từ khi họ còn là học sinh, sinh viên đã sẵn sàng hỗ trợ kinh phí học tập, trả lương, ký cam kết tuyển dụng từ trước khi ra trường.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần làm rõ hơn khái niệm “nhân tài.” Theo ông Hùng, người tài không có nghĩa là người thông minh nhất, có nhiều bằng cấp nhất, học vị cao nhất. Người tài là người phù hợp nhất với công việc, đạt được những kết quả cao nhất trong việc được giao, có tầm nhìn và khả năng phát triển trong tương lai.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Thu Đông, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho rằng Dự thảo Luật đã thể hiện được cơ bản tinh thần của các chính sách, định hướng đã đề ra nhưng chưa tạo được cơ sở pháp lý rõ ràng.

Cụ thể, Điều 17 hiện đang được đặt trong Chương II (về Chính quyền tại Thủ đô). Bà Trần Thị Thu Đông băn khoăn Điều 17 có mục tiêu là gì? Liệu có phải chỉ nhằm thu hút nhân tài cho bộ máy chính quyền hay là nhân tài cho sự phát triển chung của Thủ đô ở các ngành, lĩnh vực?

Bên cạnh đó, nội dung của Điều 17 hiện hành chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công-tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng) và vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt,” có “phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội.”

Tiếp theo, Đại biểu Trần Thị Thu Đông chỉ ra rằng Dự thảo Luật chưa có quy định rõ ràng, trực diện về cơ chế sử dụng nhân tài, nhất là cơ chế đặc thù, thể hiện tính chủ động, tự chủ của Chính quyền Thủ đô đối với việc sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng.

“Tình trạng ứng viên có tài năng được tuyển dụng nhưng không có môi trường phù hợp để vận dụng năng lực đã dẫn đến tâm lý chán nản ở không ít cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua khiến họ sẵn sàng rời khu vực công. Như vậy, chính sách thu hút nhân tài chưa có tính bền vững, chưa ‘giữ chân’ được công chức,” bà Trần Thị Thu Đông nêu vấn đề.

Một điểm rất quan trọng là chế độ thù lao dành cho nhân tài cũng chưa được thể hiện rõ ràng. Bà Trần Thị Thu Đông cho hay Điều 18 trong Dự thảo Luật mới chỉ quy định về chế độ tiền lương, thu nhập nói chung, chưa có quy định về chế độ thù lao dành cho những cống hiến xuất sắc hoặc giá trị của nhân lực chất lượng cao.

Không giới hạn thu nhập cho nhân tài

“Có thực mới vực được đạo,” chính vì vậy, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến chính sách đãi ngộ nhân tài, cụ thể là cơ chế thu nhập vượt trội cho nhân lực chất lượng cao của Hà Nội.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng khi bộ máy phải thực hiện các trọng trách lớn thì chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô cũng phải khác biệt, bởi Hà Nội là hình mẫu thể hiện hiệu quả của bộ máy quản lý.

Về mặt chính sách tiền lương, ông Cường đề nghị tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần quỹ lương cơ bản và chế độ tiền lương cho từng người không có mức giới hạn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cũng đồng tình với việc xây dựng cơ chế riêng cho Hà Nội để Thủ đô không bị "chảy máu chất xám."

Theo ông Hòa, có nhiều chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nhưng khi học xong, họ ở lại nước ngoài làm việc, dẫn đến tình trạng chính sách bị phản tác dụng.

Do đó, ông Hòa cho rằng cần có quy định về thu hút, đãi ngộ nhân tài như: Tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm vụ, chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập.

“Cần có một điều khoản ghi rõ và khẳng định Hà Nội khuyến khích, trọng dụng và có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những người có tài năng có nguyện vọng cống hiến, làm việc tại các cơ quan của thành phố. Có như vậy mới thể hiện được quyết tâm thu hút nhân tài của Thủ đô,” đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) phát biểu ý kiến. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) phát biểu ý kiến. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đáng lưu ý, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) đề nghị Dự thảo Luật cần có một chương riêng về bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách về phát hiện sớm nhân tài, từ đó có lộ trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng vào những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm cả khu vực công và khu vực quan trọng khác.

Ông Hùng đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ mua/thuê nhà ở, các hỗ trợ khác cho gia đình, vợ con người tài để họ yên tâm cống hiến.

Đại biểu khẳng định rằng chính sách đãi ngộ toàn diện sẽ tạo mọi điều kiện để người tài phát triển, cống hiến đồng thời đảm bảo thực hiện “4 không” là không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/luat-thu-do-sua-doi-co-chinh-sach-rieng-de-giu-chan-nguoi-tai-post910235.vnp