Luật sư bày cách phòng tránh rủi ro khi chơi hụi

Nếu chủ hụi điều hành từ hai dây hụi trở lên hoặc số tiền góp hụi từ 100 triệu đồng trở lên thì phải báo chính quyền biết để rà soát, quản lý, theo dõi.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ “vỡ hụi” với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỉ đồng. Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, song không ít người vẫn sập bẫy.

 Không chỉ có "hụi truyền thống" mà nay còn xuất hiện "hụi online" tìm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh chụp màn hình

Không chỉ có "hụi truyền thống" mà nay còn xuất hiện "hụi online" tìm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh chụp màn hình

Chủ hụi không còn khả năng chi trả

Chị Nguyễn Ngọc Mai, ngụ tỉnh Vĩnh Long, cho biết cách đây 4 năm chị có tham gia chơi hụi của một người anh họ tên NVC. Thời gian đầu, việc chơi hụi diễn ra suôn sẻ nên chị và người trong gia đình không nghi ngại gì. Đến tháng 4 vừa qua, anh C thông báo “vỡ hụi” do bị giựt hụi.

“Gia đình tôi đã đưa cho ổng cả tỉ đồng. Ổng nói vỡ hụi mà hụi viên hỏi ai là người giựt hụi cũng không nói ra được. Người ta vào đòi hoàn tiền thì lại thách thức thưa kiện” - chị Mai nói.

Tương tự, anh QTP, ngụ tỉnh Trà Vinh, cũng cho biết anh cũng vừa bị “giựt hụi” hơn 40 triệu đồng cũng vì lý do chủ hụi “bể hụi”, không còn khả năng chi trả. Anh P có vào nhà tìm nhưng chủ hụi đã gom đồ đạc, đi đâu không rõ.

Anh P bày tỏ nghi ngờ rằng chủ hụi này tạo ra rất nhiều dây hụi, trong các dây hụi đó có thể người này đã cho khống vài cái tên để bản thân được hốt hụi, rồi dùng số tiền đó thực hiện vào việc riêng. Đến khi không thể chi trả nữa nên mới vỡ hụi và bỏ trốn.

Mới đây, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa xét xử hai chủ hụi về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hai người này mở hàng chục dây hụi ngày, tuần, tháng, 4 tháng… có giá trị từ 200.000 đến 5 triệu đồng/phần. Quá trình làm chủ hụi, cả hai nhiều lần sử dụng tiền đóng hụi của hụi viên để chi tiêu cá nhân dẫn đến mất cân đối. Nhằm bù đắp, cả hai lấy tên giả tham gia nhiều dây hụi, mạo danh hụi viên để hốt hụi, bán hụi khống… chiếm đoạt trên 20 tỉ đồng. Dù cả hai đều bị phạt tù, bị buộc trả tiền cho các bị hại nhưng bị hại vẫn khóc dở mếu dở vì không biết khi nào được trả.

 Bà NTP (bên trái) đã làm chủ hụi hơn 20 năm, bà nói: "Làm chủ hụi phải tìm hiểu rõ về nhân thân của người tham gia hụi để tránh các rủi ro". Ảnh: HUỲNH THƠ

Bà NTP (bên trái) đã làm chủ hụi hơn 20 năm, bà nói: "Làm chủ hụi phải tìm hiểu rõ về nhân thân của người tham gia hụi để tránh các rủi ro". Ảnh: HUỲNH THƠ

Làm gì để phòng tránh rủi ro khi chơi hụi?

Trao đổi với PV, Luật sư Phan Mậu Ninh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết chơi hụi là một hình thức giao dịch tài sản đã tồn tại từ lâu đời. Việc chơi hụi không vi phạm pháp luật vì được đã được Nhà nước đưa ra các quy định để quản lý.

Theo khoản 2 Điều 471 BLDS, hụi là một hình thức giao dịch tài sản, dựa trên tập quán đã có từ lâu và căn cứ theo thỏa thuận của một nhóm người để cùng định ra số người, số tiền hoặc tài sản khác, cách thức góp, số tiền lĩnh, thời gian, quyền và nghĩa vụ của các thành viên.

Mục đích của việc tổ chức hụi nhằm tương trợ vốn trong nhân dân và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật (quy định tại Nghị định 19/2019 về họ, hụi, biêu, phường).

Tìm hiểu kỹ về hoạt động của dây hụi định tham gia và có thể yêu cầu chủ hụi cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra số lượng người tham gia, sổ ghi hụi, số tiền góp.

Hụi viên cũng nên lập văn bản và yêu cầu công chứng, chứng thực các thỏa thuận về hụi, nếu chủ hụi điều hành từ hai dây hụi trở lên hoặc số tiền góp hụi từ 100 triệu đồng trở lên thì phải báo UBND cấp xã, phường biết để rà soát, quản lý, theo dõi đúng với quy định pháp luật.

Luật sư PHAN MẬU NINH

“Theo Nghị định 19/2019, việc chơi hụi được thực hiện dưới hai hình thức: hụi có lãi suất và hụi không có lãi suất. Vì đây là giao dịch về tài sản nên lãi suất (nếu có) của hình thức chơi hụi phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, không được vượt quá 20%/năm theo khoản 1 Điều 468 BLDS” - luật sư Phan Mậu Ninh nói.

Cũng theo luật sư, chơi hụi chỉ vi phạm pháp luật trong trường hợp việc tổ chức hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi. Tùy thuộc vào hành vi vi phạm mà cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc cấu thành tội cho vay nặng lãi theo quy định của pháp luật.

Để tránh nguy cơ bị mất tiền, tài sản cũng như các rắc rối pháp lý khi tham gia hụi, các hụi viên nên tìm hiểu kỹ nhân thân cũng như điều kiện kinh tế của chủ hụi, của các thành viên trong dây hụi để đánh giá mức độ rủi ro và phòng trường hợp giải quyết tranh chấp về sau.

"Hụi online” mang lại rủi ro cao

Hiện nay, thông qua mạng xã hội, nhiều người chơi hụi trực tuyến, hay còn gọi là “hụi online”. Người chơi chỉ biết chủ hụi thông qua các tài khoản mạng xã hội. Mọi giao dịch, thanh toán đều thông qua tài khoản ngân hàng. Việc chơi hụi thường thỏa thuận bằng lời nói, dựa vào sự tin tưởng giữa các thành viên. Chủ hụi không cần tài sản đảm bảo, lại còn luôn hứa hẹn lãi suất cao.

Điểm chung của những người gặp cảnh chủ hụi ảo, sàn hụi ma, chủ hụi biến mất…, là họ thường ít tìm hiểu, cập nhật những quy định pháp luật, chỉ dựa vào các nguyên tắc dân gian, trong khi đó thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo hụi ngày càng tinh vi.

Dù pháp luật đã quy định việc tham gia hụi phải thỏa thuận bằng văn bản và có thể yêu cầu công chứng nhưng người tham gia chủ yếu thỏa thuận miệng, giấy tờ viết tay hoặc đơn giản chỉ vì tin nhau. Khi xảy ra các vụ vỡ hụi hoặc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì rất khó được bồi thường đầy đủ.

Luật sư PHAN MẬU NINH, Công ty Luật Thành Văn, Đoàn Luật sư TP.HCM

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/luat-su-bay-cach-phong-tranh-rui-ro-khi-choi-hui-post793134.html