Luật Báo chí cần phải thay đổi để theo kịp tình hình mới

Nhiều vấn đề gợi mở, đề xuất từ phía các lãnh đạo Hội địa phương, cơ quan báo chí nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Báo chí và các quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, hướng đến một nền báo chí xanh, lành mạnh, tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân...

Hội nghị Tổng kết 06 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam cho các cấp Hội, các cơ quan báo chí khu vực miền Trung và Tây Nguyên do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã thành công tốt đẹp. Nhiều vấn đề gợi mở, đề xuất từ phía các lãnh đạo Hội địa phương, cơ quan báo chí nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật và các quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, hướng đến xây dựng một nền báo chí xanh, lành mạnh, tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với nền Báo chí Cách mạng và đội ngũ những người làm báo.

Nhiều vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động nghề nghiệp

Việc đi sâu phân tích, trao đổi mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về báo chí, những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, hội viên là một đòi hỏi cấp thiết trong đời sống báo chí và đội ngũ những người làm báo. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhiều vấn đề mới nảy sinh bất cập và Luật Báo chí chưa theo kịp để điều chỉnh đang trở thành những “vướng mắc” trong hoạt động công tác Hội và công tác báo chí. “Trước sự thay đổi nhanh, Luật Báo chí cần phải thay đổi để theo kịp tình hình mới. Phương thức tác nghiệp, tổ chức sản xuất các ấn phẩm báo chí hiện nay khác xa so với năm 2016, khiến cho Luật đã trở nên lạc hậu, chưa theo kịp các vấn đề nảy sinh của đạo đức nghề nghiệp người làm báo...” - ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Luật Báo chí được sửa đổi sớm sẽ giúp hoạt động báo chí, hoạt động công tác Hội được thuận lợi hơn.

Không những thế, trong thời đại phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, mạng xã hội (MXH) đã thực sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong đời sống xã hội. Nhà báo Hoàng Ngọc Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Quảng Trị cho rằng, mặc dù Điều 5, Quyết định số 483/2016 của Hội Nhà báo Việt Nam quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam quy định “Chuẩn mực, trách nhiệm khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác” nhưng ttrên thực tế cho thấy, thời gian qua có một số ít phóng viên, nhà báo hoạt động trong các cơ quan truyền thông, báo chí sử dụng MXH để chia sẻ thông tin, sử dụng những bài viết đăng tải trên trang cá nhân, đồng thời tương tác với những fanpage khác cung cấp thông tin lệnh lạc, thiếu tính định hướng, đưa ra những thông tin tiêu cực, thiếu tinh thần xây dựng, quy chụp vấn đề, sử dụng những từ ngữ thiếu chuẩn mực, gây nhiễu thông tin, làm mất lòng tin của Nhân dân đối với một số cá nhân, tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước. Nói một cách khác, môi trường MXH luôn hàm chứa tính chất phức tạp vì nếu quản lý không tốt thì đây cũng là nơi để các thành phần có biểu hiện tiêu cực, tư tưởng không tốt, quan điểm sai lệch sử dụng làm phương tiện phát tán tư tưởng chống phá đất nước.

Không chỉ vậy, việc triển khai Luật Báo chí và các quy định về đạo đức nghề nghiệp vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới như: Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; Nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; Việc phân định báo và tạp chí; Hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; Hoạt động tác nghiệp của đội ngũ phóng viên; Quy định về xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép; Hoạt động liên kết báo chí... Đồng thời, có những vấn đề mới phát sinh khi triển khai thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng MXH cần phải cập nhật, sửa đổi, bổ sung để giúp cho hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tác nghiệp cũng như tham gia mạng xã hội, đồng thời giúp Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý những sai phạm trong thực tiễn.

Phải “siết kỷ cương”…

Không thể phủ nhận rằng, về phía các cấp Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương thời gian qua đã không ngừng nỗ lực tổ chức các hoạt động nhằm phổ biến, giáo dục hội viên nêu cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm Luật Báo chí, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Hội thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp gồm các thành viên là lãnh đạo Hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, soạn thảo và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.

Trên cơ sở 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo, các cơ quan báo chí ở nhiều nơi đã vận dụng đưa vào Quy trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên, Quy trình sản xuất, phát sóng, quản lý nội dung chương trình, tác phẩm báo chí với những nội dung hết sức cụ thể, sát với thực tế.

Nhiều cơ quan có những quy định rất chặt chẽ khi tác nghiệp như: phải thực hiện theo đề tài được lãnh đạo duyệt, nếu có phát sinh phải xin ý kiến lãnh đạo, thực hiện theo đúng Luật Báo chí, nhất là những hành vi bị cấm tại điều 9 của Luật, không được vòi vĩnh, sách nhiễu, tư lợi, gây khó cho cá nhân, tổ chức, có trách nhiệm giữ gìn, nâng cao uy tín, hình ảnh của cơ quan và của cá nhân. Nếu có sai phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật tùy vào tính chất, mức độ, hành vi sai phạm.

Bên cạnh đó, Hội thực hiện quy chế phối hợp về chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn, hằng tháng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức họp giao ban báo chí nhằm nhận xét, đánh giá công tác thông tin, tuyên truyền trong tháng, đối thoại, giải đáp những vấn đề báo chí quan tâm và kịp thời góp ý, phê bình, chấn chỉnh những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp…

Trong tình hình mới hiện nay, đặc biệt là ngày 28/2/2023, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101 quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí. So với Quyết định số 75 ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư, Quy định số 101 có nhiều điểm mới. Vì vậy, theo ông Đỗ Công Định - Phó Tổng biên tập báo Thanh Tra, rất cần nhanh chóng cụ thể hóa Quy định 101 để triển khai vào cuộc sống nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí trong trường hợp cơ quan báo chí xảy ra nhiều sai phạm.

Đặc biệt về vấn đề sửa đổi Luật Báo chí, ông Đỗ Công Định cũng đề nghị: “Ở góc độ pháp lý, Luật Báo chí hiện có rất nhiều bất cập. Khái niệm “báo hóa tạp chí”, “tư nhân hóa” báo chí chưa được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật về báo chí nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Quy định liên kết trong hoạt động báo chí tại Điều 37, Luật Báo chí cũng chung chung, mới giới hạn ở phạm vi những nội dung, lĩnh vực được liên kết mà chưa quy định cụ thể về hình thức liên kết; yêu cầu về điều kiện, năng lực của đối tác liên kết, quy trình, thủ tục liên kết…

Trước đòi hỏi của thực tế, cần sớm sửa đổi toàn diện Luật Báo chí, trong đó, cần định báo và tạp chí; chế hóa khái niệm “báo hóa”; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí; yêu cầu về điều kiện, năng lực, kế hoạch hợp tác và những cam kết phải có của đối tác liên kết; quy định chi tiết về hình thức, quy trình, thủ tục liên kết trong hoạt động báo chí. Ngoài ra, cần quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhà báo; quy định về xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép…

Trong thời gian chờ sửa Luật Báo chí, rất cần có nghị định của Chính phủ, quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông để tiếp tục xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí. Bên cạnh đó, thiết nghĩ, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có hướng dẫn, quy định xác định tỷ lệ tin, bài đăng tải/tháng của cơ quan báo chí đáp ứng phục vụ đúng chức năng tôn chỉ mục đích; nội dung còn lại bảo đảm thông tin chính trị, đời sống, kinh tế, xã hội theo đúng quy định của pháp luật…”.

Tóm lại, Luật Báo chí 2016 ra đời đến nay đã bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục bổ sung sửa đổi. Trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin, bên cạnh báo chí chính thống còn rất nhiều “dòng chảy” thông tin khác, đặc biệt là thông tin trên MXH mà các văn bản quy phạm pháp luật sẽ không kịp điều chỉnh. Do đó, cần xây dựng môi trường pháp lý cho nền báo chí truyền thông kỷ nguyên số với những cơ chế tốt hơn, những giải pháp phù hợp trong chính sách quản lý báo chí truyền thông, tiếp tục siết kỷ cương hơn nữa trong môi trường truyền thông số một cách kịp thời và hiệu quả…

Hà Vân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luat-bao-chi-can-phai-thay-doi-de-theo-kip-tinh-hinh-moi-post268273.html