Kiệt sức 'chạy nước rút' trong cuộc đua vào trường chuyên

Đăng ký nhiều trường, học không có ngày nghỉ, dậy sớm, cày đêm ôn luyện là tình trạng chung của nhiều học sinh lớp 9 khi đặt mục tiêu vào trường chuyên.

 Những ngày này, nhiều học sinh lớp 9 đang ôn ngày luyện đêm, tham gia các lớp học thêm để có vé vào trường chuyên. Ảnh minh họa: Duy Anh.

Những ngày này, nhiều học sinh lớp 9 đang ôn ngày luyện đêm, tham gia các lớp học thêm để có vé vào trường chuyên. Ảnh minh họa: Duy Anh.

"Để giữ sức học, em thường đi ngủ sớm chứ không dám thức khuya. Nhưng sớm của em cũng khoảng 0h hàng ngày. Hôm nào mệt lắm, không thể học nữa, em mới đi ngủ lúc 23h rồi hôm sau dậy sớm học tiếp", Hoàng Hiếu (học sinh lớp 9 tại TP.HCM) chia sẻ.

Hiếu là một trong số hơn 4.200 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm nay. Ngoài ra, em đăng ký thêm nguyện vọng 2 vào lớp chuyên Hóa của trường Mạc Đĩnh Chi để tăng cơ hội đỗ.

Chỉ khoảng 3 tuần nữa, kỳ thi sẽ chính thức diễn ra, Hiếu lao vào học, lo cửa đỗ nguyện vọng 1 sẽ hẹp. Dù có sức học tốt, nam sinh vẫn nhận thấy việc đăng ký thi chuyên căng thẳng, áp lực hơn nhiều so với việc chỉ thi trường thường bởi mức độ cạnh tranh cao, tỷ lệ chọi hàng năm lớn, chưa kể nội dung thi môn chuyên cũng khó hơn nhiều, em lại tự ôn môn chuyên thay vì học ở "lò" luyện thi.

Thiếu ngủ, đau đầu, đuối sức ở chặng cuối

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Hiếu cho biết do không có người định hướng, từng nghĩ bản thân không thi nổi nên em bắt đầu khá muộn. Tới cuối học kỳ 1, nam sinh mới bắt tay vào ôn tập môn chuyên Hóa.

Lần đầu tiên làm thử để thi chuyên Hóa của các năm trước, Hiếu sốc bởi nhiều có nhiều dạng bài em chưa từng gặp. Nam sinh chỉ được 1,5 điểm lần đó, dù là học sinh giỏi môn này.

Dù vậy, Hiếu cho biết em chọn cách tự ôn vì "không có thời gian, sức khỏe và kinh phí để luyện thi môn Hóa nữa, 3 môn Toán, Văn, Anh đã kín lịch học thêm rồi".

Nam sinh kể hiện tại, các buổi sáng em đều học trên trường, các buổi chiều và tối, em học thêm 8 buổi/tuần, chỉ trống chiều chủ nhật. Thời gian còn lại, em dành tất cho môn Hóa. Nam sinh lập nhóm học chung trên mạng với 2 bạn cùng mục tiêu để tạo động lực, cũng như giúp đỡ trong trong quá trình ôn tập.

"Em đặt nguyện vọng vào những trường top cao, học mệt nhưng phải cố gắng", Hiếu cho hay thời tiết nóng nực ở TP.HCM cũng khiến em mệt mỏi, khó tập trung học và làm bài hơn.

 Các trường chuyên đều có mức độ cạnh tranh cao, tỷ lệ chọi hàng năm lớn. Ảnh: Duy Hiệu.

Các trường chuyên đều có mức độ cạnh tranh cao, tỷ lệ chọi hàng năm lớn. Ảnh: Duy Hiệu.

Không riêng Hiếu, nhiều học sinh đặt mục tiêu vào trường chuyên đều đăng ký nhiều nguyện vọng, nhiều trường, bởi cùng một công ôn tập, tham gia thi nhiều sẽ cọ xát và tăng cơ hội trúng tuyển.

Tuệ Ánh (học sinh lớp 9 tại Hà Nội) cũng nằm trong số đó. Ngoài lớp tiếng Trung của trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), nữ sinh đăng ký thêm trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Thi các trường với nhiều đề thi khác nhau, lịch học của Ánh cũng có phần căng thẳng hơn.

Hiện, Ánh vẫn học 2 buổi/ngày theo lịch của trường. Buổi trưa, nữ sinh lên thư viện để ôn bài. Buổi tối và cuối tuần, em học thêm bốn môn Toán, Văn, Anh và Tiếng Trung, tổng 11-12 buổi/tuần.

Giống như Hiếu, hiện tại, Ánh chỉ nghỉ duy nhất sáng chủ nhật, ngày nào cũng khoảng 21-22h mới rời lớp học thêm. Về nhà, nữ sinh lại tự học đến khoảng 1h hôm sau.

"Lúc nào em cũng cảm thấy đuối, thường xuyên đau đầu nhưng cũng quen rồi. Quá nửa bạn cùng lớp em cũng trong tình trạng như vậy", Ánh nói.

Với Ánh, sự căng thẳng không chỉ xuất phát bởi việc học nhiều mà còn là tự áp lực bản thân phải đỗ, phải làm được.

Trong khi đó, Kiều Linh Paulina (học sinh lớp 9 tại Hà Nội) cũng đăng ký thi vào lớp chuyên Địa của 4 trường, gồm THPT Sơn Tây, chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn và mục tiêu cao nhất vào chuyên Hà Nội - Amsterdam và chuyên Sư phạm.

Nữ sinh cho biết khá chắc chắn sẽ đỗ vào trường THPT Sơn Tây, song đăng ký nhiều trường vì muốn thử sức, đồng thời tìm kiếm cơ hội tốt hơn, phù hợp với định hướng dự thi học sinh giỏi quốc gia.

 Kiều Linh Paulina đăng ký vào lớp chuyên Địa của 4 trường. Ảnh: NVCC.

Kiều Linh Paulina đăng ký vào lớp chuyên Địa của 4 trường. Ảnh: NVCC.

Là học sinh giỏi thành phố, Paulina không quá áp lực trong việc ôn tập môn Địa dù thi nhiều trường với nhiều dạng đề khác nhau. Tuy nhiên, nữ sinh cảm thấy chật vật với môn Toán bởi trước đó, em đã dồn sức cho việc ôn thi học sinh giỏi.

Bên cạnh đó, đề thi Toán chung vào trường chuyên Sư phạm khó hơn nhiều so với đề thi của Sở GD&ĐT.

"Sau khi hoàn tất việc học và thi học kỳ 2, em xin nhà trường nghỉ để tập trung học tại nhà. Hiện tại, mỗi tuần em học gia sư 1:1 từ 2-4 buổi/tuần với môn Toán. Em đạt khoảng 8 điểm đề thi của sở, nhưng đề Toán của chuyên Sư phạm thì khó nhằn hơn", Paulina chia sẻ.

Chuẩn bị tâm lý nếu không đỗ

Để dự phòng, cả Hiếu, Ánh và Paulina đều cho biết các em đăng ký thêm nguyện vọng vào trường không chuyên. Ngoài ra cũng tính thêm phương án mua hồ sơ vào trường tư thục.

Hiếu cho biết em đã chuẩn bị sẵn tâm lý để tránh việc sốc hay hụt hẫng nếu không may mắn trượt nguyện vọng 1.

Sau vài tháng ôn tập, hiện tại, Hiếu đã đạt khoảng 5,5 điểm môn chuyên. Nếu giữ vững phong độ này, kết hợp với điểm 3 môn chung, Hiếu khá chắc chắn sẽ đỗ vào lớp chuyên Hóa của trường Mạc Đĩnh Chi.

Nếu trượt chuyên Lê Hồng Phong, nam sinh cho hay cũng sẽ không tiếc nuối nhiều vì đã cố gắng hết sức. Hiếu cũng tính đến phương án chuyên Lê Hồng Phong có thể tuyển bổ sung sau khi kết thúc học kỳ 1. Vì vậy, nếu đợt tới không đỗ, em sẽ tiếp tục ôn tập và đăng ký dự thi bổ sung.

Để cân bằng việc học, thời điểm nước rút này, Hiếu cũng cố gắng có thời gian nghỉ ngơi. Chiều chủ nhật được nghỉ, nam sinh tranh thủ chơi thể thao để giải tỏa căng thẳng.

Một năm nay, Hiếu đã gác lại sở thích cá nhân này để tập trung cho việc học. Nam sinh nói sau khi thi xong, em sẽ có nhiều thời gian hơn để đá bóng, đánh cầu lông. Đây cũng là động lực để em hoàn thành tốt kỳ thi.

Tương tự, Kiều Linh Paulina cũng nói rằng em hạn chế căng thẳng nhất có thể. Như vậy, em mới có tinh thần để học tốt. Nữ sinh vẫn dành thời gian để gặp gỡ bạn bè, xem phim, nghe nhạc lúc rảnh rỗi.

"Nếu cảm thấy học bị mệt, em sẽ đi ngủ hoặc nghỉ ngơi luôn chứ không cố. Nghỉ ngơi đủ, em lại bắt tay vào học tiếp. Em nghĩ như vậy sẽ hiệu quả hơn. May mắn, bố mẹ em cũng không tạo áp lực nên tinh thần em khá tốt", Paulina chia sẻ.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/kiet-suc-chay-nuoc-rut-trong-cuoc-dua-vao-truong-chuyen-post1476759.html