Lựa chọn kịch bản tăng trưởng cho vùng Đông Nam bộ

Quy hoạch vùng Đông Nam bộ (ĐNB) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là công cụ định hướng, giúp 'mở đường', tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của vùng. Trong đó, việc xác định được kịch bản tăng trưởng của vùng để có những giải pháp đột phá đóng vai trò hết sức quan trọng.

Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được xây dựng sẽ giúp kết nối vùng tốt hơn. Ảnh: P.Tùng

Cơ quan soạn thảo cũng đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng của vùng để lấy ý kiến tham vấn của các bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học.

* 3 kịch bản tăng trưởng

Vùng ĐNB gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, vùng ĐNB có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của vùng ĐNB còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức lớn. Hiện nay, vùng ĐNB vẫn được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số chỉ tiêu quan trọng đề ra chưa đạt được. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước, đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, là điểm nghẽn cản trở sự phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, xuất phát từ những hạn chế nêu trên, quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới, đột phá.

Cụ thể, quy hoạch khẳng định quan điểm phải đổi mới tư duy về phát triển vùng, trong đó việc quan trọng là phải tạo các cơ chế, chính sách để hình thành các động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới. Quy hoạch vùng lần này nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới như: công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, dịch vụ tài chính. Hình thành và phát triển nhanh các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Đồng thời, quy hoạch cũng xác định rõ hệ thống các hành lang phát triển chủ yếu của vùng. Định hướng tổ chức lại không gian phát triển công nghiệp vùng gắn với chia sẻ chức năng giữa các địa phương trong vùng.

Về chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế của vùng ĐNB, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC đề nghị làm rõ hơn và thúc đẩy đóng góp của yếu tố năng suất nhân tố tổng hợp (TFP - chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động) vào tăng trưởng kinh tế của vùng, chú trọng nâng cao năng suất lao động của vùng.

Đặc biệt, quy hoạch nêu bật yêu cầu phải hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại. Chú trọng đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt giữa các đô thị, trung tâm kinh tế, cảng biển của vùng và kết nối liên vùng.

Cụ thể hóa cho những định hướng nói trên, quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng gồm: kịch bản thấp, kịch bản lựa chọn và kịch bản cao. Với kịch bản thấp, dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP thời kỳ 2021-2030 khoảng 6,48%/năm; kịch bản lựa chọn tăng 8,07%; kịch bản cao tăng 9,22%.

Ngày 15-12, tại phiên họp trực tuyến với Hội đồng Thẩm định quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng đã được thông qua với kịch bản tăng trưởng được lựa chọn là từ 8-9%/năm trong thời kỳ 2021-2030.

* Quy hoạch đã có những tiếp cận mang tính đột phá

Tại hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng Điều phối vùng ĐNB với chủ đề Tham vấn quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức trong tháng 11 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, từ đây đến năm 2030, vùng ĐNB có thể chấp nhận tăng trưởng dưới 8%, nhưng sau năm 2030 phải tăng trưởng 2 con số và 2 con số này sẽ bền vững trong 10-20 năm sau. Để đạt được điều này, cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt mang tính đột phá cho vùng.

“Cần cơ chế đặc biệt, sự tiếp cận mang tính đột phá, quốc gia đầu tư cho vùng. Có thể đầu tư vào đây
30-50% nguồn lực quốc gia để sau đó vùng đóng góp trở lại cho cả nước” - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu quan điểm.

Đối với phân vùng không gian kinh tế, ông Phan Văn Mãi cho rằng, cần xác định vùng ĐNB là công nghiệp - dịch vụ, từ đó tính toán tương quan giữa vùng và các vùng kế bên. Cần có sự mở rộng không gian kinh tế của ĐNB, theo hướng vùng nhận vai trò đầu mối khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, từ đó lan tỏa ra các vùng khác và cả nước. Vùng ĐNB cũng là đầu mối để tiếp nhận nguồn lực từ bên ngoài, từ khu vực và thế giới.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề xuất xác định các dự án lớn, những công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng.

Cũng tại hội nghị này, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, về tổ chức không gian phát triển, Đồng Nai thống nhất tổ chức vùng theo 3 tiểu vùng và các vùng động lực. Trong đó, cần nhấn mạnh việc khai thác hiệu quả cảng hàng không quốc tế Long Thành, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Cần Giờ… để hình thành trung tâm logistics quốc tế...

Về giao thông kết nối, cần quan tâm phát triển đồng bộ cả 5 phương thức giao thông nội vùng và liên vùng gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không. Từ đó, thúc đẩy vùng trở thành trung tâm logistics quốc tế.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202312/lua-chon-kich-ban-tang-truong-cho-vung-dong-nam-bo-e0656b7/