Loại rau quê cực bổ dưỡng, nhiều người không biết đem vứt bỏ phần gốc 'thần dược'

Dù có giá thành rẻ nhưng nếu chỉ dùng loại rau quê quen thuộc này làm thực phẩm thì thực sự rất lãng phí bởi phần gốc bị vứt bỏ quá nhiều, trong khi đây là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh cho phụ nữ.

Ngải cứu là loại rau không còn quá xa lạ, không chỉ dùng nấu ăn hàng ngày mà còn là vị thuốc với nhiều công dụng cho sức khỏe.

Trong thực tế, rau ngải cứu rất rẻ, chỉ 5.000 đến 7.000 đồng/bó, nhưng nếu chỉ làm thực phẩm thì mọi người thường chỉ lấy phần ngọn và bỏ đi phần gốc.

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho rằng, đây là sự lãng phí rất lớn, vì phần gốc, lá già của ngải cứu cũng có nhiều công dụng, thậm chí là chữa được bệnh, nhất là với phụ nữ.

Ăn loại rau này mọi người không nên chỉ lấy ngọn, vứt bỏ gốc ngải cứu vì đây là vị thuốc có nhiều tác dụng với sức khỏe. (Ảnh minh họa)

“Mua rau ngải cứu về có thể lấy phần ngọn nấu ăn, còn phần gốc và lá già chưa sử dụng ngay đem rửa sạch, phơi khô và cất cẩn thận để sau dùng dần. Không nên lãng phí vứt bỏ vị thuốc quý này”, ông Sáng cho hay.

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, ngải cứu không chỉ là loại cây gia vị mà còn là một vị thuốc, có hiệu quả trong điều trị xương khớp, giảm đau và an thần.

Đặc biệt, vị đắng và tinh dầu có trong loại rau này giúp chống viêm loét dạ dày.

Ngoài ra, loại rau này còn có tác dụng kích thích, tăng cường cơ bắp và sức đề kháng cho cơ thể bởi chứa thành phần thujone, tanacetone, azulene và cadinene. Uống trà ngải cứu thường xuyên giúp lưu thông mạch, giảm viêm sưng, chống lại nhiều bệnh tật.

Với phụ nữ, loại rau ngải cứu giúp điều hòa huyết mạch, chữa chứng khí hư đới hạ, làm ấm tử cung và dễ thụ thai, giúp người nhẹ nhàng, thông huyết ứ đọng, kinh nguyệt bế tắc, giải được uế khí, tiêu tà khí ứ trệ.

Một số bài thuốc từ rau ngải cứu dành cho phụ nữ

Chữa mặt nổi mụn nước lở ngứa sưng phù chảy nước vàng, miệng lở: Dùng lá ngải tươi, dấm thanh (dấm gạo) nấu lấy nước cốt bôi ngày vài lần, dần khỏi.

Chữa chứng sản dịch lâu ngày không sạch ở phụ nữ sau sinh: Lá ngải hầm gà hoặc cá chép ăn tuần vài lần.

Phần gốc và lá già của loại rau ngải cứu có thể rửa sạch dùng ngâm chân có tác dụng rất tốt. (Ảnh minh họa)

Hỗ trợ điều trị buồng trứng đa nang: Lấy một lượng ngải cứu khô tương đương 1-2 thìa cà phê (1-3g), hãm với nước sôi 10-15 phút, có thể cho thêm gừng vào để tăng hương vị và hiệu quả. Bảo quản nước ấm, ngày uống đều đặn 3 lần. Kiên trì sử dụng, bạn sẽ thấy kinh nguyệt sẽ sớm, tình trạng bệnh sẽ được cải thiện rõ rệt.

Ngâm chân với nước ngải cứu nóng mỗi ngày có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, đẩy lùi ẩm ướt, lạnh lẽo trong cơ thể. Ngải cứu có thể đả thông 12 kinh mạch, điều hòa âm dương.

Không nên ngâm quá lâu, 15-30 phút là thích hợp nhất, mỗi tuần 3-4 lần, tránh thực hiện vào đêm khuya. Người bị sốt, huyết áp thấp, tiểu đường nếu dùng ngải cứu để ngâm chân cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

Món ngon chế biến từ rau ngải cứu

Trứng rán ngải cứu

Ngải cứu hơi đắng hòa cùng trứng vàng ươm bùi ngậy, thoảng hương thơm dân dã khi nướng trên lá chuối. Món ăn này đơn giản lại hợp khẩu vị nhiều người, có tác dụng chữa đau đầu, xương khớp, đau bụng phụ nữ vào chu kỳ hàng tháng.

Cách làm: Rau ngải cứu nhặt lấy cọng non và lá bánh tẻ, bỏ lá già và cọng cứng. Rửa sạch rau, vẩy ráo nước, thái nhỏ.

Đập trứng gà vào bát ngải cứu, nêm 1 thìa cà phê nước mắm, 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê hạt nêm, dùng đũa khuấy đều, để khoảng 4-5 phút cho rau ngải cứu ngấm trứng và gia vị.

Chiên trứng: Ngon nhất là dùng lá chuối lót chảo gang để nướng. Cho lá chuối lên chảo một lúc cho mềm dai rồi cho trứng ngải cứu lên trên, gập đôi nướng trên lửa nhỏ cho tới khi lá chuối chuyển màu thâm đen và trứng chín sém vàng là được.

Đơn giản và tiện hơn thì láng một lớp dầu ăn rồi đổ hỗn hợp trứng ngải vào, dàn đều. Chờ khi mặt dưới định hình, se lại thì trở lại chiên tiếp cho tới khi hơi ngả vàng thì tăng lửa để trứng ngải xém vàng là đã chín, tắt bếp, cho ra đĩa thưởng thức cùng muối pha quất, thêm ớt.

Trứng vịt lộn hầm ngải cứu

Món ăn này phù hợp với mọi lứa tuổi bởi dễ ăn, giàu năng lượng. Tuy nhiên, trứng vịt lộn khó tiêu do chứa chất đạm và cholesterol cao vì thế tránh ăn vào buổi tối dễ bị đầy hơi, không tốt cho hệ tiêu hóa.

Cách làm:

- Rau ngải cứu nhặt lấy lá bánh tẻ và lá non, bỏ phần cọng cứng, lá già rồi rửa sạch, để ráo nước.
- Trứng vịt lộn chọn quả non, nhẹ nhàng cọ rửa sạch vỏ bên ngoài.
- Cho trứng và rau ngải cứu vào hầm lửa vừa. Sau 10 phút khi trứng chín thì đập nhẹ để vỏ hơi nứt ngấm các chất từ ngải cứu để thêm phần bổ dưỡng.

- Món này nên ăn nóng, có thể kèm chút gừng thái sợi để tăng vị ấm nóng. Không ăn nguội vì món ăn dễ bị tanh.
- Ngoài trứng vịt lộn có thể thay bằng các nguyên liệu khác như chim câu, gà ác, tim lợn, óc lợn... hầm cùng ngải cứu cũng có tác dụng giảm căng thẳng, mệt mỏi và đau đầu hiệu quả.

Canh ngải cứu nấu thịt nạc

Một bát canh nóng hổi với ngải cứu hơi đắng kết hợp thịt ngọt mềm dễ bắt cơm vào ngày lạnh.
Cách làm:
- Rau ngải cứu nhặt lấy phần lá non, lá bánh tẻ rồi rửa sạch, vẩy ráo nước, cắt rối hoặc để nguyên tùy chọn.
- Thịt nạc băm nhỏ ướp với chút mắm, muối, hạt nêm cho thấm vị.
- Phi thơm hành, trút thịt nạc vào xào săn, căn lượng nước vừa đủ bát canh rồi cho vào. Khi nước sôi, cho rau ngải cứu vào, nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi múc ra ăn nóng.

- Món này không chỉ giúp an thần, giảm triệu chứng đau đầu mà còn chữa các bệnh của phụ nữ như kinh nguyệt không đều, đau bụng khi tới chu kỳ...
Ngoài chế biến các món ăn, có thể dùng ngải cứu sắc nước uống, làm túi chườm, ruột gối, xông hơi... rất tốt.
Lưu ý: Vì ngải cứu chứa dược tính cao nên chỉ ăn một, hai lần mỗi tuần bởi nếu dùng nhiều có các tác dụng phụ. Những người bị viêm gan, sỏi thận, xơ vữa động mạch, phụ nữ mang thai ba tháng đầu thai kỳ nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng.

Châu Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/loai-rau-que-cuc-bo-duong-nhieu-nguoi-khong-biet-dem-vut-bo-phan-goc-than-duoc-192240508185409848.htm