Lo gián đoạn sản xuất, thiếu hụt lao động

Để tránh ô nhiễm, tạo cảnh quan đô thị, Bình Dương và Đồng Nai thực hiện đề án di dời nhà máy, xưởng sản xuất vào các cụm, khu công nghiệp (KCN, CCN). Việc di dời đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo ngại vì ảnh hưởng sản xuất, thiếu lao động do công nhân ngại đi xa...

Trao đổi với phóng viên ngày 21/5, hầu hết các DN và người lao động (NLĐ) đều đồng thuận chủ trương di dời nhà máy. Tuy nhiên, nhiều DN lo ngại quá trình di dời sẽ ảnh hưởng sản xuất, công nhân nghỉ việc hàng loạt vì phải đi xa, trong khi các DN đang trong quá trình phục hồi và còn gặp không ít khó khăn về đơn hàng, vốn, thị trường...

Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương, cho biết, các DN gốm sứ đã di dời 1 lần vào năm 2000. Khi đó, một số DN đã ngừng hoạt động và chuyển nghề vì gặp nhiều khó khăn. Theo ông Tín, khi thực hiện di dời, phải để DN có thời gian ổn định, hoạt động sản xuất đạt khoảng 70 - 80% thì mới đóng cửa nhà xưởng cũ. “Vấn đề các DN đang băn khoăn là Nhà nước hỗ trợ ra sao? Quỹ đất DN đang sử dụng sau khi di dời sẽ được chuyển đổi công năng thế nào? DN lo đầu tư nhà xưởng ở nơi mới thì ai sẽ lo xây dựng nhà ở cho công nhân...”, ông Tín nói.

Tại Đồng Nai, tháng 2/2024, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 (có 76 DN) thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Theo đề án, việc di dời các doanh nghiệp sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, trước tháng 12/2024 sẽ hoàn thành di dời các DN nằm trong phần diện tích khu 1 (hơn 75 ha) phía Nam KCN Biên Hòa 1. Giai đoạn 2, trước tháng 12/2025 hoàn thành di dời các DN còn lại. Theo quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, việc di dời các DN nhằm bảo vệ môi trường và tạo lập một trung tâm đô thị mới cho thành phố Biên Hòa. Mạnh Thắng

Theo bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, trước đây một vài DN trong Hiệp hội muốn sản xuất ổn định nên đã chủ động mua đất, di dời đến nơi khác. Lúc đó, nhiều NLĐ bỏ việc vì ngại đi xa. Do đó, hiện nay nhiều DN lo ngại khi di chuyển đến nơi mới sẽ thiếu hụt lao động.

Các DN mong muốn được hỗ trợ vốn và các chính sách ưu đãi khác để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều công nhân cho biết sẵn sàng di dời cùng DN nếu nơi ở mới đáp ứng các điều kiện về sinh hoạt cho gia đình, học tập của con cái...

Hài hòa lợi ích

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, theo đề án chuyển đổi công năng phê duyệt vào năm 2019, việc di dời DN vào các KCN, CCN thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2030. Số lượng phải di dời, chuyển đổi công năng là 2.900 nhà máy. Hiện nay, ngành chức năng phải kiểm kê lại vì có nhiều nhà máy đã tự chuyển đổi công năng, di dời và đổi mới công nghệ.

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, quan điểm của tỉnh là xây dựng các giải pháp khuyến khích DN di dời, chuyển đổi công năng, thực hiện từng bước theo lộ trình và hỗ trợ là chính. “Tỉnh đánh giá, việc di dời máy móc thì đơn giản, nhưng di chuyển công nhân không hề dễ dàng, phải tính toán tất cả các điều kiện để đáp ứng nhu cầu của NLĐ, cân nhắc thêm các chính sách đặc thù tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ khi di dời”, ông Tuyên nói.

Công nhân sản xuất trong một nhà máy ở Bình Dương ảnh: H.C

Công nhân sản xuất trong một nhà máy ở Bình Dương ảnh: H.C

Bà Trương Hải Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương, cho biết, Sở đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2024 - 2030”, trong đó có quy hoạch cụ thể các trường học ở khu vực phía Bắc của tỉnh để đáp ứng nhu cầu học tập của con công nhân khi thực hiện di dời nhà máy. HĐND tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non trong các KCN, CCN trên địa bàn.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn, tỉnh đã quy hoạch 8 KCN phục vụ di dời với tổng diện tích khoảng 5.842 ha, gồm các KCN: Cây Trường, Bàu Bàng 3, Bàu Bàng 4, Bắc Tân Uyên 2, Bắc Tân Uyên 4, Dầu Tiếng 1A, Dầu Tiếng 5 và Phú Giáo 4. Tỉnh Bình Dương đã quy hoạch 25 CCN phục vụ di dời với tổng diện tích khoảng 1.743 ha, tại các huyện Dầu Tiếng (10 cụm, 725ha), Bắc Tân Uyên (7 cụm, 493,5 ha), Phú Giáo (8 cụm, 524,46 ha).

Lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương khẳng định, tỉnh sẽ có các chính sách hỗ trợ DN như: hỗ trợ DN chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất tại vị trí cũ phù hợp với quy hoạch; cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hỗ trợ phí, thuế; cho vay ưu đãi hỗ trợ đầu tư mới; hỗ trợ tiền thuê đất làm nhà xưởng tại địa điểm mới… Đối với người lao động trong các DN phải di dời, địa phương có các chính sách hỗ trợ về tiền lương, đào tạo nghề...

Về lộ trình thực hiện, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương cho biết, tỉnh sẽ di dời các DN ở KCN Bình Đường cũ (TP. Dĩ An) trong năm 2025.

HƯƠNG CHI

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lo-gian-doan-san-xuat-thieu-hut-lao-dong-post1639497.tpo