Làm tốt công tác lập và lưu trữ hồ sơ cơ quan đảng
Đảng bộ tỉnh hiện có 14 đảng bộ huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; với 125 đảng bộ xã, phường, thị trấn; gồm 508 tổ chức cơ sở đảng; 6 tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện đến cấp cơ sở. Về cơ bản, toàn bộ hệ thống kho lưu trữ từ tỉnh đến cấp huyện được hình thành, hoạt động ổn định và tương đối hiệu quả, nhất là sau khi thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011 và Quy định 270-QĐ/TW, ngày 6/12/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành về 'Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam'.
Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà trực tiếp là Thường trực Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng và tổ chức chính trị - xã hội về công tác văn thư, lưu trữ lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ nên công tác lập hồ sơ công việc và giao nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan được chú trọng. Các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ vào lưu trữ cơ quan, đáp ứng được yêu cầu khai thác thông tin phục vụ hoạt động của cấp ủy và các cơ quan tổ chức trong toàn hệ thống.
Đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương về công tác lập và lưu trữ hồ sơ như: Quy định số 270-QĐ/TW, ngày 6/12/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Phông lưu trữ Đảng Cộng Sản Việt Nam”; Quy định số 693-QĐ/VPTW, ngày 15/12/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về công tác văn thư trong các cơ quan, tổ chức đảng... Chỉ đạo xây dựng và ban hành khung pháp lý cho việc lập hồ sơ, giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan như: Quy chế về công tác văn thư, lưu trữ; quy định, hướng dẫn về lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ vào lưu trữ cơ quan và ban hành danh mục hồ sơ để thực hiện.
Hằng năm, tổ chức tập huấn về công tác văn thư, lưu trữ cho toàn thể cán bộ, công chức, qua đó giúp công tác văn phòng, văn thư, lưu trữ các cấp ủy đảng, các ban tham mưu và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nền nếp, khoa học hơn, đáp ứng được các yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và cơ quan, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với việc lập hồ sơ, nộp lưu hồ sơ hiện hành và nâng cao chất lượng công tác văn thư, lưu trữ của cơ quan, tổ chức.
Các cấp ủy, tổ chức, cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội đã từng bước quan tâm, chú trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, gắn nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong việc lập hồ sơ công việc được giao và thực hiện nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan theo quy định. Vì vậy, công tác lập hồ sơ, nộp lưu hồ sơ vào lưu trữ cơ quan có chuyển biến tích cực, giảm bớt việc nộp lưu tài liệu trong tình trạng bó gói, chưa hình thành hồ sơ.
Việc giao nộp hồ sơ, tài liệu có giá trị lưu trữ theo định kỳ hằng năm cơ bản đã được quan tâm chỉ đạo. Tất cả các hồ sơ, tài liệu hình thành trong quá trình giải quyết công việc cơ bản được giao nộp vào lưu trữ cơ quan theo quy định. Đa số các cơ quan kết thúc nhiệm kỳ 2015 - 2020 và hồ sơ đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉnh lý đưa vào bảo quản và khai thác có hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ vào lưu trữ cơ quan ở các tổ chức, cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số cấp ủy, cơ quan, tổ chức, cá nhân tài liệu hình thành trong quá trình giải quyết công việc chưa được lập thành hồ sơ; khi nộp lưu vào lưu trữ cơ quan chủ yếu trong tình trạng bó gói, chưa ban hành danh mục hồ sơ hoặc ban hành nhưng chưa sát đúng với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, của từng cá nhân; hoặc còn thiếu tính khoa học, tính cụ thể; việc tổ chức giao nhận hồ sơ tài liệu vào lưu trữ cơ quan định kỳ hằng năm thực hiện chưa nghiêm túc, chưa kịp thời theo quy định; chưa thực hiện được việc lập hồ sơ lưu trữ điện tử. Nhiều hồ sơ được lập chưa đảm bảo yêu cầu, phản ánh chưa đúng công việc của cá nhân chủ trì giải quyết; văn bản, tài liệu trong mỗi hồ sơ không hoàn chỉnh, chưa có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và phản ánh không đầy đủ trình tự diễn biến của vấn đề, sự việc.
Nhận thức việc lập hồ sơ, lưu trữ tài liệu của một số CBCC cho đó là nhiệm vụ của bộ phận văn thư, lưu trữ cơ quan nên chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ nên tài liệu nộp lưu hầu hết vẫn chưa lập hồ sơ, gây khó khăn cho công tác lưu trữ và tổ chức quản lý, khai thác tài liệu phục vụ công tác. Một số cấp ủy, cơ quan tổ chức đặc biệt là cấp cơ sở, địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa chất lượng công tác văn thư, lưu trữ còn nhiều hạn chế, phần lớn chưa thực hiện đúng quy định về nghiệp vụ văn thư, lưu trữ. Có cấp ủy, cơ quan, tổ chức cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được đào tạo chuyên ngành khác, không đúng ngành nghề, lại kiêm nhiệm nhiều việc nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác văn thư, lưu trữ.
Nhằm đưa công tác văn thư, lưu trữ, lập hồ sơ, nộp lưu hồ sơ đi vào hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, các cấp ủy, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như: Tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011; Quy định số 270-QĐ/TW ngày 6/12/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Phông Lưu trữ Đảng Cộng Sản Việt Nam” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác văn thư, lưu trữ. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan. Tiếp tục đổi mới tổ chức công tác văn thư theo hướng chuyên nghiệp, khoa học, hiện đại, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào các hoạt động.
Các cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội ban hành và thực hiện nghiêm túc việc lập hồ sơ theo danh mục hồ sơ hằng năm, nộp lưu vào lưu trữ cơ quan đúng quy định, khẳng định rõ trách nhiệm của CBCCVC trong việc lập hồ sơ, nộp lưu hồ sơ công việc được giao, xem đây là kết quả giải quyết công việc, một trong những tiêu chí để xem xét đánh giá, phân loại tổ chức và cá nhân hằng năm. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, lưu trữ cho các cấp ủy đảng, tổ chức, cơ quan.
Do tính chất công việc đòi hỏi đội ngũ cán bộ văn thư, lưu trữ phải được ổn định nên tránh tình trạng bố trí cán bộ không đúng ngành nghề, chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kiêm nhiệm nhiều việc nhằm phát huy hết năng lực của CBCC phục vụ cho công việc, góp phần đưa công tác lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ vào lưu trữ cơ quan và lưu trữ lịch sử Đảng ở cấp tỉnh từng bước khoa học, thống nhất, đúng quy định của Luật Lưu trữ năm 2011.