Làm thế nào để tăng sức thuyết phục cho bài luận xét tuyển đại học?

Thầy giáo Trần Lê Duy, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với các học sinh về cách thức để tăng sức thuyết phục khi viết bài luận xét tuyển đại học.

Có 5 câu hỏi thực hành giúp tăng sức thuyết phục cho bài luận xét tuyển đại học.

Có 5 câu hỏi thực hành giúp tăng sức thuyết phục cho bài luận xét tuyển đại học.

Hằng năm, hồ sơ xét tuyển đại học (xét tuyển thẳng) đã mang đến rất nhiều cơ hội để các bạn trẻ được vào học tại các khoa, các trường đại học mà mình mơ ước, từ đó cơ hội nghề nghiệp tương lai cũng rộng mở hơn.

Bài luận xét tuyển là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của hồ sơ xét tuyển thẳng. Vậy làm sao để viết được một bài luận hiệu quả, thuyết phục? Bạn hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:

1. Điều gì khiến tôi hòa nhập và điều gì khiến tôi nổi trội?

Mỗi trường đại học đều có một môi trường học thuật đặc trưng của mình, và điều mà các hội đồng xét tuyển quan tâm là: ứng viên sẽ đóng góp được giá trị gì cho cộng đồng học thuật của trường?

Cho nên, điều đầu tiên bạn cần làm là nghiên cứu về khoa, về trường bạn sẽ nộp hồ sơ xét tuyển, và hình dung xem mình có thể đóng góp được gì cho trường? Bạn có thể cân nhắc một số hoạt động nổi trội của trường như nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ, hội nhóm, phong trào đoàn đội,…

Việc nghiên cứu kĩ về trường sẽ ứng tuyển và thể hiện rõ những giá trị cụ thể bạn có thể đóng góp cho trường trong bài luận sẽ giúp người đọc nhận ra bạn đã sẵn sàng hòa nhập với môi trường mới.

Mặt khác, bạn cũng cần lưu ý đến những đặc điểm giúp mình nổi bật so với các ứng viên khác. Đâu là thế mạnh của bạn? Đâu là nét riêng của bạn? Đâu là bản-sắc của bạn? Hãy nghĩ về những đặc điểm riêng biệt của bản thân, những điểm mà bạn tin rằng người đọc sẽ dừng lại để nghiên cứu sâu hơn hồ sơ của bạn.

2. Câu chuyện tôi sẽ mang đến là gì?

Cần tránh trường hợp biến bài luận xét tuyển thành một bản liệt kê nhàm chán những thành tích bạn đạt được. Điều hội đồng xét tuyển quan tâm là chính con người của bạn – cho nên bạn cần chọn cách viết làm sao toàn bộ con người mình hiện ra sinh động, gần gũi cho bài luận của mình.

Do vậy, câu hỏi lớn bạn cần đặt ra là: câu chuyện tôi sẽ mang đến là gì? Đó phải là một câu chuyện chân thực về bản thân, nhưng mang đến những ý nghĩa lắng đọng. Nếu bạn có nhiều thành tích đáng tự hào, hãy nghĩ đến quá trình bạn đạt được thành tích ấy, có thể chú ý một số điểm nhấn như: việc lên kế hoạch; những khó khăn và vượt qua khó khăn; bài học mà bạn nhận được…

Câu chuyện của bạn không phải lúc nào cũng là con đường đi đến thành công. Đó cũng có thể là một khoảnh khắc bạn trưởng thành hơn và nhận ra một mảnh ghép quan trọng để hiểu rõ chính mình.

Tôi đã từng ngừng lại ngẫm nghĩ khi đọc một bài luận của một bạn trẻ nói về khiếm khuyết về ngoại hình của bản thân, cách bạn ấy đã đau khổ trước những lời chế nhạo và cách bạn ấy đã vượt qua những lời chế nhạo như thế nào.

Tôi cũng đã từng rất ấn tượng trước một bài luận của bạn nữ kể về giây phút bạn ấy "vỡ lẽ" ra các vấn đề nữ quyền và từ đó mong muốn lan tỏa các giá trị nữ quyền thông qua quá trình học tập, nghiên cứu của mình.

Điều quan trọng bạn cần nhớ: Đừng kể một câu chuyện vu vơ, hãy liên kết câu chuyện ấy với mục đích bài luận. Hãy tự hỏi: Câu chuyện tôi kể sẽ thể hiện rằng tôi xứng đáng và phù hợp với môi trường tôi sẽ học như thế nào?

3. Làm sao để tôi biết rõ đâu là điểm mạnh của mình?

Khởi điểm bắt đầu viết, có thể bạn sẽ hoang mang với bản thân, không biết bắt đầu từ đâu. Hoặc quan niệm rằng bài luận phải hoàn hảo, phải đưa ra một phiên bản lý tưởng trong mơ của bản thân khiến bạn choáng váng và nản lòng.

Đây là lúc bạn cần bỏ qua tất cả những ý nghĩ ấy và dành thời gian trò chuyện với chính mình. Hãy thử viết một lá thư cho bản thân mình và chia sẻ về những điểm mạnh, những điểm đáng nhớ, những điểm ấn tượng của bản thân mình. Khi đó bạn sẽ viết điều gì?

Bạn cũng có thể thực hiện bài tập "mười đôi mắt", lập một phiếu phỏng vấn mười người thân quen của bạn về điểm mạnh, điểm yếu, về những ấn tượng của họ về bạn. Sau khi phỏng vấn 10 người, những ý kiến lặp lại là những gợi ý tốt để triển khai bài luận. Nên dung hòa cái nhìn chủ quan và khách quan về bản thân, để có một bài luận chân thực nhất.

4. Thông điệp tôi sẽ mang đến trong bài luận xét tuyển đại học của mình là gì?

Một bài luận có điểm nhấn là một bài luận mang đến một thông điệp tích cực để người đọc suy ngẫm. Vậy thông điệp bạn sẽ mang đến là gì, sau tất cả những gì bạn trình bày về bản thân?

Thông điệp ấy không cần phải cao siêu, vĩ đại, mà đó là những điều có ý nghĩa bạn rút ra được từ chính hành trình trải nghiệm và trưởng thành của bản thân. Hãy hướng các nội dung trong bài luận về thông điệp mà bạn muốn truyền tải, bạn cũng có thể nêu thông điệp trực tiếp ở phần cuối bài luận.

5. Làm thế nào để tăng sức thuyết phục cho bài luận của tôi?

Hãy luôn trung thực. Trung thực với chính mình và trung thực với người đọc. Hãy đưa ra những bằng chứng để câu chuyện của bạn được thuyết phục. Những thông tin cụ thể như không gian, thời gian, hoạt động; những sản phẩm minh chứng; những hình ảnh… đều sẽ là những yếu tố giúp bài luận của bạn thêm thuyết phục.

Bạn hãy kết nối trải nghiệm của bản thân với người đọc. Joe Vitalis trong cuốn "Thôi miên bằng ngôn từ" đã gợi ý một bài tập hữu ích để kết nối bài viết với người đọc.

Bạn hãy viết bài luận của mình dưới dạng lá thư, khi viết hãy hình dung về một người đọc cụ thể. Sau đó, bạn hãy xóa đi các hình thức của lá thư, điều chỉnh ngôn ngữ cho phù hợp với bài luận xét tuyển. Khi ấy, người đọc sẽ cảm thấy bài viết lôi cuốn, dễ dàng đồng cảm hơn.

Cuối cùng, nhiều bạn đã có bài luận thành công nhờ có những cách trình bày, thiết kế bài luận sáng tạo để làm bật lên những ý tưởng chính. Đây cũng là một gợi ý hay bạn có thể thử.

Phan Thế Hoài

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-the-nao-de-tang-suc-thuyet-phuc-cho-bai-luan-xet-tuyen-dai-hoc-179240523093654732.htm